Bắt mạch những cặp vợ chồng dễ bỏ nhau này, các chuyên gia tâm lý hôn nhân và gia đình trên Huffingtonpost chỉ ra những kiểu vợ chồng sau đây:
1. Các cặp có sự khác biệt lớn về quyền lực tình yêu
Chẳng ai muốn là người ít được bạn đời quan tâm. Đó thực sự là sự bất công về tình cảm trong gia đình và điều này thực sự không tốt cho mối quan hệ lâu dài của bạn, Kristin Davin, chuyên gia tâm lý tại New York, Mỹ cho biết.
"Nếu bạn thấy mình luôn là người duy nhất quỵ lụy về tình cảm, chạy theo người kia, việc này sẽ làm thay đổi thế cân bằng của mối quan hệ", chuyên gia Davin chia sẻ. "Người này sẽ trở nên oán giận và ngày càng thấy mối quan hệ trở thành gánh nặng hơn là niềm vui", ông nói.
Mối quan hệ vợ chồng cần nhiều nỗ lực, sự quan tâm, chú ý nhưng cuối mỗi ngày, bạn đời như phần gia vị thêm vào cuộc sống của bạn chứ không phải một phần áp lực, nhà tâm lý nói.
2. Các cặp lấy nhau vì hội tụ đủ tiêu chuẩn
Có một danh sách các tiêu chuẩn bạn muốn có ở "nửa kia" là điều thông minh. Nhưng cũng đừng quên điều quan trọng vẫn là tình cảm chân thành dành cho nhau, những rung động thực sự, cùng chia sẻ những giá trị khi tìm kiếm người đàn ông hay phụ nữ của cuộc đời mình, Virginia Gilbert, một chuyên gia trị liệu hôn nhân gia đình tại Los Angeles, Mỹ nói.
"Chẳng có bất kỳ điều gì sai khi cưới một anh chàng cao ráo, đẹp trai, không có mỡ thừa, tốt nghiệp đại học danh giá... nhưng nếu các bạn không có chung quan điểm về các giá trị cơ bản (chẳng hạn như bạn thì tin vào chế độ hôn nhân một vợ một chồng còn anh ấy thì không), bạn cần bỏ đi những danh sách tiêu chuẩn cũ và viết lại những điều mang tính thực tế và phù hợp với mình hơn.
3. Cặp chẳng quan tâm chút nào tới các tiêu chuẩn tìm bạn đời
Ngược lại, những đôi chọn nhau bất chấp các nhược điểm của "nửa kia" mà họ đã thấy khó chấp nhận khi mới yêu thì cơ hội ở bên nhau lâu bền rất thấp, Marcia Naomi Berger, một chuyên gia tâm lý và tác giả cuốn sách Marriage Meetings for Lasting Love chia sẻ.
"Đó cơ bản là những khác biệt không thể dung hòa. Đó là lý do cần thiết phải trò chuyện về các nhu cầu của mỗi người trong mối quan hệ trước khi cưới. Chẳng hạn, nếu một người muốn có con mà người kia không muốn - và cả hai đều quyết không thay đổi - thì họ không nên lấy nhau", nhà tâm lý nói.
4. Các đôi luôn trả đũa nhau
Nàng phản bội chàng, và thế là chàng trả thù bằng cách ngủ với nữ đồng nghiệp. Chàng từ chối cùng nàng đến nhà bạn ăn tối, và thế là hai vợ chồng không thèm cùng nhau đi đến các bữa tiệc tụ họp nào nữa...
Trong một mối quan hệ, hành động trả đũa thực sự là hành động phá hoại, Marina Sbrochi, tác giả cuốn sách Stop Looking for a Husband: Find the Love of Your Life, chia sẻ.
"Trò chơi này tiếp tục, tăng lên và lặp lại, tới khi một trong hai người cuối cùng cũng nhận ra và đủ can đảm để bỏ lại tất cả các cuộc tranh cãi phía sau, cùng mối quan hệ đã chết của mình", chuyên gia nói.
5. Cặp chẳng có gì chung ngoài đam mê tình dục
Một đời sống tình dục lành mạnh và nóng bóng là điều cần thiết cho hầu hết các đôi. Nhưng bạn và nửa kia không chỉ cần có chung mối quan tâm là sex. Một mối quan hệ lâu dài cần nhiều điều hơn là tình dục, nhà tâm lý Berger nhắc nhở.
"Để xem mình và người ấy có thực sự có sự hòa hợp với nhau không, cả hai phải có thời gian hẹn hò tìm hiểu đủ lâu trước khi đưa ra quyết định về chung một nhà", bà nói.
6. Cặp uyên ương có khác biệt quá lớn về tuổi tác
Với hầu hết chúng ta, tuổi tác thực sự không chỉ là một con số khi đề tập tới mối quan hệ vợ chồng, nhà tâm lý Sbrochi nói.
"Phần lớn mọi người không nên hẹn hò với những ai hơn hay kém mình trên 30 tuổi, bởi hai người ở hai giai đoạn phát triển thực sự quá khác biệt", bà nói. Theo bà, sự trẻ trung rất thú vị nhưng khi bạn đã thực sự chín chắn về mặt cảm xúc, bạn không cần sống lại một giai đoạn cuộc đời mình thông qua một người khác.
7. Cặp vợ chồng mà một trong hai người hoặc cả hai quá yêu bản thân
Không phải bất cứ ai bạn hẹn hò mà có biểu hiện tỏ ra yêu bản thân cũng bị chứng rối loạn nhân cách yêu mình thái quá. Nhưng những người thực sự chỉ biết đến bản thân thì khó duy trì được mối quan hệ lâu dài, nhà tâm lý Berger nói.
"Đơn giản là nếu một người quá tôn thờ chính mình, họ sẽ khó mà cảm nhận và chia sẻ được với bạn đời. Thấu cảm là một phần không thể thiếu cho một cuộc hôn nhân lâu bền và trọn vẹn. Thậm chí, người vợ hay chồng bị phớt lờ về cảm xúc sẽ muốn kết thúc ngay hôn nhân", nhà tâm lý nói.
8. Cặp uyên ương không trò chuyện với nhau về tiền bạc
Đừng cho rằng bất kỳ vấn đề tiền nong nào, dù là của riêng cá nhân bạn hay của hai người khi yêu nhau, sẽ được giải quyết khi bạn kết hôn. Các cuộc đối thoại về tài chính có thể chẳng lãng mạn gì nhưng nó cần được thực hiện sớm và thường xuyên. Thực tế, các nhà nghiên cứu tại Đại học bang Kansas, Mỹ, gần đây cho thấy những cuộc tranh cãi liên quan đến tài chính là điềm báo lớn nhất về ly hôn.
"Đừng chú ý tới việc lên kế hoạch tổ chức đám cưới hơn là chăm chút cho cuộc sống gia đình sau đó bởi nó chính là một công thức cho thất bại hôn nhân. Cần nói với nhau về việc ai sẽ đi làm, các bạn đóng góp tài chính ra sao khi lấy nhau và mọi việc sẽ cần thay đổi thế nào nếu một trong hai người ở nhà chăm con", nhà tâm lý Berger khuyên.
9. Cặp "em ghét anh nhưng không thể sống thiếu anh"
Theo nhà tâm lý Gilbert, các mô tuýp cặp uyên ương kiểu gay cấn này có thể hấp dẫn trong phim nhưng không phù hợp với cuộc sống gia đình bình thường: thường xuyên cãi nhau, chia tay rồi đoàn tụ....
"Các mối quan hệ này được nuôi dưỡng bằng sự kịch tính - tranh cãi nảy lửa, ngoại tình, lạm dụng sex... Thông thường, hai người trong mối quan hệ này đều là những cá nhân thích tìm kiếm sự chú ý và chọn cách bỏ qua nền tảng thiếu sự hòa hợp, cảm thông với nhau, bởi họ nghiện những thứ thật mãnh liệt", chuyên gia nói.