Ảnh minh họa. |
Theo số liệu thống kê của Viện Y tế quốc gia Mỹ, mỗi năm có khoảng 250.000 trẻ em trên thế giới thiệt mạng do sử dụng thuốc giả, thuốc kém chất lượng để điều trị bệnh sốt rét và viêm phổi.
Ngoài ra, nhiều trẻ em khác đã thiệt mạng do sử dụng vắc xin hoặc thuốc kháng sinh giả để phòng ngừa hoặc điều trị các bệnh lây nhiễm như viêm gan, sốt vàng da và viêm màng não.
Phần lớn các ca tử vong đều xảy ra ở các nước có nhu cầu cao về dược phẩm, nhưng chất lượng giám sát lĩnh vực này lại hạn chế và các quy định về luật pháp còn lỏng lẻo khiến nhiều băng nhóm tội phạm dễ dàng tuồn thuốc giả ra thị trường. Ngay cả khi những tội phạm này bị phát hiện, họ cũng chỉ chịu án phạt nhẹ.
Kết quả kiểm nghiệm thuốc đã giúp phát hiện thuốc giả ở nhiều lĩnh vực như chống sốt rét, kháng sinh, tim mạch và thuốc điều trị ung thư. Nhiều loại thuốc giả có xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ có chứa mực in, sơn và arsen, đều là những chất độc hại cho cơ thể.
Năm 2018, công ty dược phẩm Pfizer phát hiện 95 sản phẩm thuốc giả tại 113 nước, tăng vọt so với mức 29 loại thuốc giả ở 75 nước trong năm 2008.
Ngoài thuốc giả, các chuyên gia y tế cảnh báo, trên thị trường còn tồn tại nhiều loại thuốc kém chất lượng do nhà sản xuất gian lận, được bảo quản ở điều kiện không phù hợp hoặc người bán hàng cố tình tiêu thụ thuốc đã quá hạn sử dụng.
Để đối phó với tình trạng này, Viện Y tế quốc gia Mỹ kêu gọi giới chức y tế các nước tăng cường hỗ trợ chương trình giám sát thuốc của Tổ chức Y tế thế giới nhằm thực hiện mục tiêu ít nhất 90% thuốc men ở các nước là thuốc có chất lượng cao.
Bên cạnh đó, các nước có thể sẽ cùng hướng tới việc xây dựng một hiệp ước về chất lượng thuốc trên toàn cầu để chống lại tình trạng sản xuất, buôn bán thuốc giả và bán thuốc bất hợp pháp trên mạng internet.