Vừa qua, tại hội nghị sơ kết công tác điện ảnh 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 của Cục Điện ảnh, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, từ đầu năm đến nay, ngành Điện ảnh Việt Nam sản xuất được 15 bộ phim; giám định 17 kịch bản phim dịch vụ, hợp tác với nước ngoài và có thành phần sáng tác chính là người nước ngoài.
Về công tác thẩm định, phân loại phim, có 15 phim truyện Việt Nam chiếu rạp; 80 phim nước ngoài; 6 phim truyện video; 2 phim tài liệu nhựa và 6 phim tài liệu video; cấp 114 giấy phép nhập khẩu văn hóa phẩm có nội dung là phim…
Đặc biệt, trong số các phim nước ngoài xin cấp phép, có 20 phim không được phép phổ biến tại Việt Nam do có nhiều yếu tố không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, nội dung không đảm bảo chất lượng.
Hiện nay, ngành Điện ảnh Việt Nam dù có nhiều thay đổi để phù hợp với thị hiếu khán giả nhưng vẫn còn gặp không ít khó khăn, hạn chế như: Thiếu kinh phí Nhà nước đặt hàng sản xuất phim; các đề tài phim lịch sử, thiếu nhi chưa thu hút được nhà đầu tư nên khan hiếm phim thuộc đề tài này. Ngoài ra, việc đầu tư phát triển cụm rạp Việt Nam cũng đang là vấn đề đặt ra cho ngành điện ảnh…
Trước những khó khăn này, ngành điện ảnh Việt Nam cần phải đổi mới, đặc biệt là dòng phim nghệ thuật cần phải tiệm cận gần gũi với khán giả, tránh tình trạng phim làm ra rồi lại… “cất kho”, gây lãng phí.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nhận định, ngành Điện ảnh cần cân bằng giữa nghệ thuật và doanh thu. Các hãng cần có phương án để phim đặt hàng của Nhà nước phải được đầu tư tìm tòi, sáng tạo, hấp dẫn khán giả. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng yêu cầu, thời gian tới, Cục Điện ảnh chú ý thêm hai nhiệm vụ: Đào tạo nâng cao năng lực sản xuất điện ảnh; phát hành phim.