Cùng tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; đại diện các bộ, ngành, địa phương. Tại điểm cầu thành phố Hà Nội, dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 15 năm qua, kinh tế tập thể phát triển cả về số lượng và chất lượng; từng bước vượt qua tình trạng yếu kém kéo dài. Tính chung, kinh tế tập thể và hộ gia đình chiếm trên 30% GDP. Chính phủ thường xuyên quan tâm đến hoạt động của các hợp tác xã, tạo điều kiện cho các đơn vị phát triển, tham gia vào các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Riêng từ năm 2013-2016, đã có 554 lượt hợp tác xã tham gia vào các chương trình mục tiêu phát triển, với tổng kinh phí 74,965 tỷ đồng. Năm 2018 có 596 hợp tác xã tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện, cả nước có 22.861 hợp tác xã, trong đó số đơn vị trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm hơn một nửa. Trong 5 năm gần đây, số hợp tác xã thành lập mới tăng nhanh và năm 2018 có 2.521 đơn vị thành lập mới (cao gấp 2,6 lần so với năm 2003). Số lao động làm việc trong khu vực này là 1,2 triệu người. Hiện, có 57% số hợp tác xã hoạt động hiệu quả và doanh thu trung bình của mỗi đơn vị đạt 4,477 tỷ đồng/năm; lãi bình quân tăng từ 74 triệu đồng năm 2003 lên 240,5 triệu đồng năm 2018...
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX, khu vực hợp tác xã đang phục hồi và phát triển khá ổn định. Số lượng tăng đều qua từng năm và trải rộng trên các vùng, miền; với chất lượng được nâng lên một bước. Quy mô, vốn và lĩnh vực hoạt động được mở rộng, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; từ đó bảo đảm an sinh xã hội. Đặc biệt, thời gian gần đây, một số hợp tác xã đã chủ động theo đuổi mục tiêu sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng, hướng tới phát triển bền vững. Đến nay, có 1.200 hợp tác xã tổ chức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao.
Tuy nhiên, các hợp tác xã chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Nhiều đơn vị còn gặp khó khăn, năng lực nội tại của một số đơn vị còn yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu; năng lực quản lý hạn chế nên khó đáp ứng yêu cầu trong điều kiện kinh tế thị trường. Sự liên kết giữa các đơn vị thiếu chặt chẽ, vai trò của liên hiệp hợp tác xã chưa được phát huy; công tác tài chính, kế toán chưa thực hiện bài bản, việc xây dựng báo cáo tài chính và phương án sản xuất còn hạn chế...
Tiếp tục cập nhật...