Đình, chùa Bồng Mạc
Liên Mạc vốn là miền đất cổ, một vùng quê lúa nước, có bề dày lịch sử của huyện Mê Linh. Liên Mạc có 3 thôn: Xa Mạc, Yên Mạc và Bồng Mạc. Người xưa thường ví Liên Mạc như hình con tuấn mã đang tung vó trên đường thiên lý. Xa Mạc là nơi đầu thiên mã cất cao, Yên Mạc là lưng tuấn mã, còn Bồng Mạc là nơi vó hậu tập trung sức bật của tuấn mã.
3 thôn, 3 tính cách khác nhau nhưng lại hoà đồng trong cuộc sống. Đó cũng chính là nguồn cảm hứng sản sinh làn điệu Xa Mạc - một làn điệu chèo cổ với những âm sắc riêng của vùng quê lúa nước ở châu thổ sông Hồng. Cũng chính từ mối hoà đồng đó đã tạo nên sức mạnh cộng đồng Liên Mạc qua nhiều thời kỳ lịch sử. Để từ đó, đất và người Liên Mạc đã toả sáng những nét đẹp tâm hồn, cốt cách Việt Nam, nhưng lại luôn lấp lánh những nét riêng của mảnh đất này.
Liên Mạc là nơi sinh ra, nuôi dưỡng 2 nữ tướng tài ba của Hai Bà Trưng, đó là Á Nang, Ả Nương - những người có công lớn giúp Hai Bà Trưng đánh đuổi giặc Hán vào năm 40, giành lại độc lập cho dân tộc.
Liên Mạc cũng là nơi các đời vua và những phúc thần nhà Lý là Lý Phật Mã, Lý Phật Tử, Lý Nhã Lang đã từng đến đây để đóng đồn, trú quân đánh giặc; được các bộ lão và nhân dân Liên Mạc xin làm thần tử, hiến kế, chung sức nuôi quân sĩ, giúp các vị vua đời Lý dựng nghiệp lớn mà sử sách đã từng ghi.
Bằng những việc làm đó, nhân dân Liên Mạc đã góp phần tô thảm trang sử vàng của dân tộc ta ngay từ buổi đầu dựng nước và giữ nước.
Với truyền thống đạo lý “uống nước, nhớ nguồn” để tưởng nhớ những người có công với dân với nước, cùng với các sắc phong của các triều vua đời Lý, Trần, Lê, nhân dân các thôn Bồng Mạc và Yên Mạc, xã Liên Mạc đã dựng đình, tôn các vị là thần và thờ tự tại đây. Hàng năm mở hội, ngày tuần tiết sắm sửa đèn nhang tế lễ, phụng thờ. Đó cũng chính là một nét đẹp, một bản sắc văn hoá dân tộc do cha ông ta để lại.
Đình Bồng Mạc
Đình Bồng Mạc thờ 5 vị thần là Lý Phật Mã, Lý Phật Tử, Lý Nhã Lang, Ả Nang, Ả Nương. Ả Nang và Ả Nương là những tướng tài ba của Hai Bà Trưng. Lý Phật Tử là vua hậu Lý Nam Đế (571 - 602). Lý Phật Mã là vị phúc thần triều Lý, có công trong việc gây dựng và bảo vệ vương triều Lý dẹp loạn “Tam vương” và đánh giặc Chiêm Thành sau là vua Lý Thái Tông (1028 - 1054).
Đình Bồng Mạc được xây dựng trên một khu đất rộng, bằng phẳng, cao ráo, thoáng mát ngay sát đường liên xã, quay mặt ra hướng tây là hướng của thần thánh. Phía trước đình có một ao rộng, một rặng cây cổ thụ, khiến cho cảnh quan “sơn thuỷ hữu tình”. Đình được kiến trúc theo kiểu chữ “đinh”, gồm toà Đại đình 5 gian và Hậu cung. Đình Bồng Mạc cũng như bao ngôi đình thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng được làm theo truyền thống dân gian, có kết cấu khung gỗ do hệ thống xà ngang, xà dọc ăn mộng với nhau. Sáu vì kèo được làm theo kiểu thức chồng rường, giá chiêng, cột đội con lợn. Riêng vì kèo đốc được làm theo kiểu chồng bồn và được trang trí thành một bức chạm khá đẹp thể hiện là hình mặt hổ phù cỡ lớn càm chữ “thọ”. Hệ thống liên kết vì kèo được làm theo kiểu thượng rường hạ bẩy.
Đình Bồng Mạc có kiến trúc đồ sộ, bề thế, nguy nga, cổ kính bởi những con giống, con thú hình tượng rồng chầu mặt nguyệt ở giữa bờ nóc đình được các nghệ nhân đắp rất công phu, điêu luyện. Từ những vật liệu như đất luyện giấy bản, mật vôi vữa và những mảnh sành, sứ, với bàn tay khéo léo, các nghệ nhân đã tạo dáng cho các con vật linh thiêng của nền nghệ thuật chính thống vừa đẹp, duyên dáng lại chắc khoẻ.
Về nghệ thuật điêu khắc, đình Bồng Mạc tuân thủ các nguyên tắc trang trí nghệ thuật đình làng. Các nghệ nhân chạm gỗ đã tập trung cao độ đến các bẩy, bức cốn, đầu dư. Phải chăng tôn giáo và xã hội thời phong kiến đã có ảnh hưởng đến nghệ thuật trang trí đình làng, tạo nên những tác phẩm hoàn hảo, tuyệt mỹ với những đề tài “Tứ linh”, “Tứ quý” kết hợp với vân mây, hoa, lá. Đường nét đục chạm điêu luyện kết hợp với nội dung đề tài sinh động, các bức chạm đã thể hiện được những nội dung tư tưởng sâu sắc, phản ánh nguyện vọng chính đáng, ước mơ cao đẹp về cuộc sống thanh bình của nhân dân ta thời xa xưa.
Trong đình hiện còn lưu giữ được khá nhiều hiện vật có giá trị: - Đồ giấy: Còn một cuốn Ngọc phả sao tại Viện Hán Nôm gồm 24 trang do Nguyễn Bính phụng soạn năm Hồng Đức thứ nhất (1470); sao lại năm Vĩnh Hựu thứ 6 (1740).
- Đồ gỗ: Còn bức Nghi môn có kích thước lớn được sơn son thếp vàng rực rỡ, chia thành nhiều băng, ô. Băng trên cùng chạm nổi hình thoi, cánh sen. Băng thứ hai chạm nổi hình rồng chầu mặt nguyệt, khắc chìm 4 chữ Hán “Chính long đức chung” - nghĩa là “Thờ thần ở giữa”. Băng thứ 3 chia làm 5 ô trang trí mỗi ô theo một đề tài: mai điểu, tùng lộc, phượng cấp thư, cúc, sen... Nhìn chung, bức Nghi môn được trang trí đẹp, nội dung đề tài phong phú, dùng cả khắc nổi và khắc chìm, đường nét trau chuốt, đặc tả chi tiết vì thế mà các con vật, hình hoạ được mô tả ở bức Nghi môn đều chuẩn xác, sống động.
Đình Bồng Mạc hiện nay vừa là nơi tổ chức các hoạt động tín ngưỡng tâm linh, vừa là nơi diễn ra các hoạt động văn hoá cộng đồng của nhân dân địa phương.
Chùa Bồng Mạc
Cách đình Bồng Mạc không xa là chùa Bồng Mạc. Chùa còn có tên gọi là chùa Long Diêm. Chùa được xây dựng vào thời Nguyễn, ngay cạnh đường liên xã, ở vị trí đầu thôn Bồng Mạc.
Chùa Long Diêm có kiến trúc khá đồ sộ, gồm 5 toà nhà: Tiền đường, Thượng điện, 2 hành lang, nhà Tổ được bố trí nối liền nhau theo kiểu chữ “môn”. Cũng như bao ngôi chùa khác thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng, chùa Long Diêm được làm theo truyền thống dân gian có kết cấu khung gỗ do hệ thống xà ngang, dọc ăn mộng với nhau. Hai toà Tiền đường, Thượng điện có cả thảy 12 vì kèo được kết cấu theo kiểu giá chiêng. Các thượng lương làm theo kiểu tứ trụ lòng thuyền. Câu đầu nằm trên cột cái và có các dấu kê giữa các con rường.
Có thể nói, tất cả các bộ phận tạo nên kiến trúc của ngôi chùa được bố trí hợp lý, gia cố cẩn thận, mực thước chính xác. Các chi tiết kiến trúc đều được đóng bén, bào trơn, mộng sàm chặt khít, tạo cho ngôi chùa có kiến chúc đồ sộ, chắc, khoẻ.
Ngoài chức năng thờ Phật, chúng ta còn thấy các mảng trang trí chạm khắc ở chùa rất phong phú. Chùa có tới 20 bức chạm trên các cốn nách. Nội dung đề tài chủ yếu là Tứ linh.
Cùng với kiến trúc khoẻ khoắn và nghệ thuật chạm gỗ điêu luyện, chùa Long Diêm có 23 pho tượng được tạo dáng đẹp, cân đối, bài trí hài hoà thành hệ thống trong chùa. Các pho tượng được làm bằng gỗ, được sơn son thếp vàng với kỹ thuật cao. Mỗi pho tượng đều có một kích thước và dáng vẻ riêng phù hợp với nội dung, đề tài, tích truyện của từng nhân vật được diễn tả. Đặc biệt ở chùa này có pho tượng Phật A Di Đà được tạo khá lớn. Phải chăng tượng Phật A Di Đà là pho tượng quan trọng của điện thờ Phật Đại Thừa ở Việt Nam, hoặc cũng có thể do kích thước của chùa và của chính điện chùa Long Diêm mà các nghệ nhân đã tạc pho tượng lớn như vậy. Cùng với nghệ thuật tạo hình cân đối kết hợp với sơn màu hài hoà khiến cho tượng Phật ở chùa Long Diêm có phần đẹp hơn người thực, đó cũng chính là ý tưởng thẩm mỹ của các nghệ nhân tạc tượng ở chùa này. Vì thế, có thể nói rằng 23 bức tượng là 23 tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hoá dân tộc.
Đình Bồng Mạc và chùa Long Diêm đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1995.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01