Chị Son

Truyện ngắn của Chung Tiến Lực| 10/07/2022 00:07

Chị  Son
Minh họa của Lê Huy Quang

Chữ đời cùng vần với chữ đợi. Vậy là cuộc đời của chị là những chuỗi ngày dài đợi chờ vô vọng. Giờ đây mỗi lần về quê, đi qua bến nước ở sân đình lòng tôi vẫn còn ám ảnh đâu đó về đôi trai tài gái sắc đang ngồi thả chân khỏa nước nghĩ về hạnh phúc lứa đôi.
Họ là lớp thanh niên sinh sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, sôi nổi và tràn đầy nhiệt huyết trong mọi hoạt động xã hội, chộn rộn một cuộc sống có hoài bão, mê say với mơ ước và khát khao cống hiến cho lý tưởng. Tôn thờ cách sống đẹp và những hành động đẹp, quyển sách gối đầu giường của họ là “Thép đã tôi thế đấy”, “Mùa gặt” và “Ruồi trâu”. Khi còn là chú bé con, tôi hay đứng nhìn theo họ, khăn quàng đỏ trên vai, ngay ngắn trong hàng ngũ đi vào trong các thôn xóm cổ động cho các phong trào xây dựng nông thôn mới. 
Anh Hoàng là anh con bác, anh hơn tôi mười tuổi. Sáng đi học chiều về anh hăng hái lao động giúp bố mẹ làm màu, làm ruộng và tham gia các hoạt động thanh niên vốn rất sôi động thời đó. Người anh cao nhưng gầy nhẳng, dáng đi nhanh nhẹn. Hình như mọi lúc, mọi nơi anh luôn là người đi đầu. Ở đâu, anh cũng ngời ngời sáng một trang nam nhi hào sảng, rạo rực niềm tin. Anh là thần tượng trong con mắt của chúng tôi. Đương nhiên, tôi đoán chắc việc gì anh cũng làm được và còn làm giỏi. Khó khăn mấy cũng có cách vượt qua, anh luôn tin vào ý chí và quyết tâm của mình. 
Anh Hoàng yêu chị Son làng bên, người thôn nữ có suối tóc dài chạm gót. Họ quen và yêu nhau từ các hoạt động đoàn thanh niên. Hồi ấy, chúng tôi hay tò mò rình nhìn trộm hai người nói chuyện bên bến nước cạnh sân đình. Họ hẹn nhau, đợi nhau và cùng nhau ngồi bên bến nước sau ngày lao động hay trong những đêm trăng vằng vặc sáng. Họ hay nói về ước mơ sau này học xong sẽ đi học một trường chuyên nghiệp rồi về xây dựng quê hương. Thức dậy sớm, anh Hoàng hay chạy dài trên con đường làng chi chít vết chân trâu. Ăn vội bát cơm nguội hay củ khoai, củ chóc gì đó rồi anh đi đò sang bên kia sông đi học. Buổi trưa về muộn, mẹ anh ủ phần cơm cho anh vào chiếc chăn sợi. Cơm nước xong anh chạy ngay ra với đội giống của HTX. Chiều tối đi làm về, anh ùa vào sân đình đá bóng bưởi hồn nhiên như các bạn. Các bạn của anh có người đã có vợ con. Hồi ấy, người ta hỏi vợ sớm cho con trai để có thêm lao động, thêm thóc gạo nuôi các em đang còn lít nhít ăn học. Cái lần anh đá bóng bị gãy tay phải đi bó bột, anh nói cái tay gãy, khi lành xương thì ngứa lắm. Chị Son hàng ngày đến chăm anh. Họ như đôi chim câu cứ rủ rỉ, rù rì.
Ngày anh Hoàng lên đường nhập ngũ, tôi đi theo và cũng đứng xếp thành hàng ngang như ai cùng với anh trong sân ủy ban xã. Mười ba anh tòng quân đợt này nhìn mỗi người một tâm trạng. Mấy anh có vợ rồi đứng trong hàng mà mắt cứ để nơi mấy chị nước mắt ầng ậc ngang tròng cùng với mấy đứa con đang ngơ ngác nhìn hàng quân đứng nghiêm. Anh Hoàng của tôi hùng dũng lắm. Anh được cấp trên giao làm A trưởng trong số anh em trong xã nhà. Đoàn thanh niên xã tặng mỗi anh một đôi khăn mặt bông, thuốc đánh răng và sổ tay lưu niệm. Chị Son cho tôi xem những dòng lưu bút của anh. Anh chép tặng chị nguyên bài thơ “Đợi anh về” của nhà thơ K.Simonov (Tố Hữu dịch) mà anh thuộc nằm lòng: “Em ơi đợi anh về/ Đợi anh hoài em nhé/ Mưa có rơi dầm dề/ Ngày có dài lê thê/ Em ơi em cứ đợi…”.
 Chị Son là ủy viên ban chấp hành đoàn xã, được phân công bảo đảm công tác hậu cần trong quá trình giao nhận quân. Tôi đi cùng chị Son theo anh Hoàng lên đến tận nơi tập kết của đơn vị nhận quân đang đóng ở xã Nam Hồng. Trở về nhà chiều ấy, tôi thấy xóm làng tự nhiên trống vắng, bâng khuâng. Lạ thế, xóm chỉ thiếu mình anh so với mọi ngày mà sao nay trong mắt ai cũng trống rỗng thế. Mới hay, ở anh tập trung nhiều nhất hình ảnh của làng xóm qua giọng nói mới vỡ, tính tình sôi nổi đầy  hào hứng và ngùn ngụt ý chí vươn lên. Ngay sau những ngày nghỉ hè đáng nhớ ấy, tôi đi học xa. Mỗi tuần chỉ về nhà vào ngày chủ nhật, tôi lấy gạo, thức ăn và chất đốt dùng cho suốt một tuần đem xuống nhà trọ. Tạt sang thăm nhà anh, từ ngày anh lên đường, bố mẹ anh luôn như người ốm đứng. Đọc thư anh, biết anh đang trên đường hành quân vào chiến trường. Tấm ảnh gửi về lúc anh đang còn ở đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới. Anh mặc bộ quần áo Tô Châu mới tinh, vở mở trong tay đang ngồi cầm bút ngả trên ghế, đứng đằng sau anh là hai đồng đội đang chỉ tay về phía trước, các anh miệng cười tươi, mắt sáng ngời. Hình như họ đang phóng bút vẽ một cảnh hoàng hôn nơi núi rừng Tây Bắc. Tôi biết mộng văn chương, văn nghệ đầy ắp trong tâm hồn anh.
Anh Hoàng vào chiến trường Trị Thiên - Huế. Tại đây có những vùng đất ta và địch giành nhau từng vạt lau, bờ ruộng. Bom đạn, pháo bầy, pháo hạm chà đi xát lại. Có thị trấn chỉ còn đất và gạch vụn, thậm chí không còn cả một viên gạch lành. Chị Son cho tôi xem thư anh viết cho chị, lá thư còn vương mùi khói súng. Chiến trường gian khổ thế mà thư anh vẫn lạc quan, tin tưởng. Trong thư bộn bề những nhớ thương, rồi ước hẹn, đợi ngày trở về cùng nhau đi học để xây dựng quê hương. Cuối thư anh có chép một đoạn thơ: “Anh trước là trai của học đường/ Là bạn chung thủy của văn chương/ Bao năm chinh chiến giờ anh hẳn/ Là bạn thân quen của chiến trường”.
***
Tin anh Hoàng hi sinh từ một thương binh cùng tiểu đội với anh ra miền Bắc điều trị. Hai người bảo nhau, nếu người này hy sinh thì người kia viết thư động viên gia đình. Anh hy sinh trong một trận bom B52. Trung đội bộ binh của anh trong trận bom ấy gần như bị thương vong toàn bộ vì đội hình lọt thỏm trong vệt máy bay B52 quét qua như bừa ruộng. Địch ném bom rải thảm trả thù sau trận đánh ác liệt, quân ta giải phóng được một địa bàn chiến lược. Tin anh Hoàng hi sinh làm cả làng tôi như bị lụt trong nước mắt. 
Chị Son. Sau một trận ốm, chị như một người khác, với đôi mắt buồn thăm thẳm và vẻ mặt thẫn thờ như người bị mất hồn. Chị không tin là anh Hoàng đã hy sinh. Chị bảo người sống tốt như anh không thể chết. Có thể trận bom đã làm anh thất lạc đơn vị. Và giờ này anh đang hành quân, do bom đạn chiến trường nên thư từ không thể viết. 
Rồi chị xung phong ra mặt trận với ước mong được vào đơn vị của anh. Ngày tiễn chị lên đường, nắm chặt tay tôi chị nói sẽ đón tôi nơi binh trạm tiền phương. Chiến trường rộng lớn, tìm đâu dấu chân của anh Hoàng trên dãy Trường Sơn nắng lửa, gió phơn? Đơn vị của chị là một Tổng đội thanh niên xung phong ở miền Tây Quảng Bình. Thư về cho tôi chị nói đang cùng Đại đội thanh niên xung phong phá đá mở đường, san hố bom giữ vững mạch máu giao thông cho chiến trường miền Nam. Qua thư chị,  tôi hình dung những người con gái kiên cường, ngày đêm bám trụ, làm cọc tiêu sống cho những đoàn xe tiếp lửa cho tiền tuyến. Thế rồi, bom đạn, khó khăn không sờn lòng nhưng những cơn sốt rét rừng đã tàn phá sức khỏe. Nước da xanh xao, chị Son trở về hậu phương sau hai năm ở nơi “chảo lửa” chịu nhiều bom đạn cày qua, xới lại. 
Về lại với ruộng đồng, chị Son vẫn lại say mê sớm tối với những thửa ruộng nhân bèo hoa dâu, những mẻ thóc giống “ba sôi hai lạnh” nhưng lặng lẽ và âm thầm hơn. Làm đội trưởng đội thủy nông 202 của xã, chị lăn lộn với những công trình thau chua rửa mặn. Từ kinh nghiệm mở đường đèo dốc ở mặt trận, chị hướng dẫn chị em tạo bậc ta luy có độ dốc chống trượt khi đào mương thủy lợi. Tổ chức lao động, chị chú trọng khâu bảo đảm vật chất và dụng cụ nên năng suất lao động luôn cao và hiệu quả. Nhiều năm sau, người dân quê tôi vẫn nói đồng ruộng ngày nay thoát cảnh “chiêm úng, mùa khê” là do có hệ thống dẫn nước nội đồng. Ngày chủ nhật được nghỉ học, tôi về nhà nhìn chị tất tả với công việc ruộng đồng, nghĩ chị đang dồn hết tâm sức và lấy lao động để nguôi ngoai nỗi nhớ mong người đi xa. 
Chị Son thường xuyên qua lại thăm và vấn an hai bác tôi. Những ngày giỗ chạp ở nhà bác tôi, chị bận rộn như dâu con trong nhà.
Năm tôi học xong cấp ba, cũng là năm tôi đủ tuổi nhập ngũ. Trước ngày lên đường, bố đẻ anh Hoàng có gặp riêng tôi với lời ngỏ. Trong giây phút yếu lòng, bác muốn tôi xuống thuyền đi làm ăn xa với bác. Ý bác không muốn tôi, một “mầm non” đi vào chiến trường ác liệt để rồi lẫn vào cỏ cây như anh Hoàng con trai bác. Tôi thật sự xúc động khi lần đầu tiên thấy bố tôi nhòe nước mắt và bác tôi lại lo lắng khi tôi lên đường đi xa.
Ngày tôi lên đường nhập ngũ, cũng vẫn chị Son là người lo công tác hậu cần và trong đoàn tiễn, giao nhận những người con của xã lên đường. Ân cần đưa chúng tôi đến tận nơi đơn vị nhận quân, chiều ấy, trước khi chia tay chị cùng chúng tôi ăn cơm nếp và thịt lợn luộc chị mang theo. Chúng tôi ăn đồ nguội ngon lành lắm mà sao chị lại ăn uể oải và nuốt nghẹn. 
Ở đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới hay trên đường hành quân ra trận, nơi binh trạm dừng chân, tôi tranh thủ viết thư về nhà và thư cho chị Son. Mở ba lô, tôi lấy đọc những dòng lưu bút của bạn bè trong sổ tay có câu thơ viết: “Ước mong thắp lửa hồng thêm nắng/ Cháy hết mình cây gạo ở  bến sông/ Chị bảo những ngày trai làng mình ra trận/ Góc trời/ Hoa gạo đỏ nhớ mong”.
***
Giải phóng miền Nam, tôi được đi ôn tập để thi vào trường đại học. Tôi chọn học đúng chuyên ngành và trường đại học mà trước đây anh Hoàng từng mơ ước: Khoa Điện lực, Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Học xong tôi về nhận công tác tại Nhà máy thủy điện Sông Đà. Xây dựng gia đình riêng rồi công việc bộn bề, tôi ít có thời gian về thăm quê. Nhưng mỗi khi có dịp về quê là tôi lại đưa vợ con đến thăm chị Son. Có bao nhiêu người tìm đến với chị, có những người trở về từ chiến trường, có người là đồng đội của chị ở Tổng đội Thanh niên xung phong nhưng chị vẫn một mực tin anh Hoàng còn sống và đang có một nhiệm vụ quan trọng nên chưa thể về nhà.
Tôi xót xa nhìn chị. Thời gian thật khắc nghiệt, nó tàn phá dung nhan, vóc dáng của người con gái không chồng. Mới hơn bốn mươi tuổi mà nhìn chị đã già nua.
…Có đoàn khảo sát thông tuyến điện cao áp vùng miền Tây Quảng Trị, tôi xin tham gia đoàn với hi vọng tìm kiếm thông tin về mộ phần anh Hoàng để yên lòng chị Son những năm tháng cuối đời. Hoạch định trên bản đồ và đối chiếu với thực địa để xác định trục đường dây, tổ khảo sát chúng tôi phải đi xuyên những đồi rừng thấp, cao nơi trước đây là chiến trường ác liệt. Quảng Trị đúng là một miền đất nắng lửa và gió phơn. Ở đây, có rất nhiều nghĩa trang liệt sĩ. Tới nghĩa trang nào tôi cũng xin gặp người quản trang và mong tìm kiếm thông tin về đơn vị anh Hoàng. Những ngôi mộ được chăm sóc, có nhiều ngôi mộ vô danh. Rưng rưng, không biết anh Hoàng của tôi đang nằm trong ngôi mộ nào giữa hàng ngàn ngôi mộ trắng bàng bạc, hàng ngang hàng dọc…
Và rồi tôi đột ngột nhận được tin chị Son mất. Lần về mới đây tôi còn đến thăm chị ở chùa làng, nơi ngày nhỏ tôi vẫn theo bà, theo mẹ ra xem lễ Phật những đêm rằm. Nghe mấy đứa em tôi kể lại lời chị trăn trối trước lúc lâm chung, chị muốn được hỏa thiêu và tro cốt được thả xuống dòng sông Thạch Hãn để mong đoàn tụ với anh Hoàng. Chị bảo, sống không ở được với nhau, thì chết sẽ được ở bên nhau. Anh đang đợi chị vào đấy!. 
(0) Bình luận
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Một giấc mơ xa
    Vân nằm duỗi chân ở sofa, nghe đài mà hai con mắt cứ ríu lại. Jim và Coen vừa theo bố chúng ra ngoài. Ở thị trấn này, trẻ em và những chú cún luôn được thỏa thích dạo chơi. Ánh nắng của buổi sáng đẹp trời chiếu xuyên qua tấm rèm cửa khiến Vân không nỡ ngủ vùi. Cô sống cùng gia đình chồng ở một vùng phía đông Hà Lan, nơi mà cuối tuần nghe nói mình đi dạo là biết sắp được chở vào rừng. Sáng này nếu không thấy mệt trong người thì cũng đã…
  • Trên đỉnh gió
    Không lãng mạn như hình dung, chiếc tàu chở Lam từ bến cảng thành phố ra đảo chính là “tàu há mồm” có niên đại còn nhiều hơn tuổi của cô. Thủy thủ trên tàu lại càng không như cô vẫn thường tưởng tượng về những chàng lính hải quân đẹp trai, từng trải với trái tim nồng nàn và tâm hồn cực kì bay bổng.
  • Tàu xuôi ra Bắc
    Ba năm trước, tôi gặp Trang trên chuyến tàu mang số hiệu SE đang di chuyển từ miền Nam ra miền Bắc. Lúc đó, tôi ngồi đối diện với Trang ở toa ghế ngồi - toa thường dành cho người đi chặng ngắn. Trong toa xộc lên mùi thuốc lá, mùi dầu gió xanh, mùi bồ kết phảng phất từ mái tóc của mấy người đàn bà và mùi của vô số thứ hàng hóa trên sàn toa.
  • Những hòn đá
    Không ai biết tại sao những người lạ lại chuyển thẳng vào cư trú trong cái làng bẩn thỉu, gồ ghề những đá là đá và quanh năm gió quật. Vợ chồng người lạ nọ đã mua một lâu đài đổ nát nằm trên đồi, sừng sững ở đó từ thuở ấu thơ của họ, và nó thuộc về ngôi làng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • “Cơ hội mới - giá trị mới” để phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”
    Ngày 12/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định số 1569/QĐ-TTg về việc “Phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với những quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.
  • Ra mắt cuốn sách song ngữ Việt - Anh về tiểu sử và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Nhằm giúp bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo, góp phần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch biên soạn cuốn sách song ngữ . Sách vừa được Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành và giới thiệu tới độc giả.
  • Nhà văn hoá Nguyễn Đình Thi - người nghệ sĩ tài hoa của Thủ đô và đất nước
    Chiều 12/12/2024, Thành ủy Hà Nội phối hợp cùng Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Báo Nhân Dân và các cơ quan tuyên giáo, văn hóa, văn nghệ tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay” nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhà văn hóa lớn, nghệ sĩ tài năng Nguyễn Đình Thi (20/12/1924 – 20/12/2024). Hội thảo là dịp để nhìn nhận, đánh giá, tôn vinh di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi.
  • Từ đêm nay, Thủ đô Hà Nội rét đậm
    Hôm nay 13/12 do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời tiếp tục rét, vùng núi Bắc Bộ rét đậm, có nơi rét hại. Riêng Thủ đô Hà Nội từ đêm nay trời rét đậm.
  • Chương trình Xuân quê hương 2025 sẽ diễn ra tại Hà Nội
    Đây là sự kiện thường niên ý nghĩa dành cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần gắn kết đồng bào xa quê với Tổ quốc. Chương trình có sự tham dự của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Bộ Ngoại giao và các ban, bộ, ngành, địa phương.
Đừng bỏ lỡ
Chị Son
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO