Tìm giải pháp cho văn học thiếu nhi
Sáng ngày 10/6 tại Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề “Văn học thiếu nhi Hà Nội hiện nay: Thực trạng và giải pháp”. Tới dự có đại diện Ban Chấp hành Hội cùng đông đảo hội viên, văn nghệ sĩ.
Văn học thiếu nhi đã xuất hiện cùng với sự xuất hiện của văn học dân gian trong những bài đồng dao, lời ru, truyện cổ tích và in đậm trong tâm thức dân tộc ta. Đến thế kỷ XX, văn học phương Tây du nhập vào Việt Nam, một số tác phẩm văn học thiếu nhi đã được dịch và giới thiệu, tạo ra xu hướng sáng tác văn học thiếu nhi mới của tác giả nước ta. Thời kỳ cách mạng là thời kỳ mà văn học thiếu nhi phát triển nhảy vọt với nhiều tác giả tên tuổi như Tô Hoài, Đoàn Giỏi… Thời kỳ bao cấp và Đổi mới, đất nước ta còn nhiều khó khăn nhưng thế hệ sáng tác văn học thiếu nhi vẫn tiếp nối thế hệ đàn anh và tỏa sáng như Định Hải, Phùng Quán, Trần Đăng Khoa… Tuy nhiên trong vòng chục năm trở lại đây, văn học thiếu nhi được nhận định là đang dần “đi xuống”.
Nhận xét về vấn đề này, trong phát biểu đề dẫn, nhà văn Nguyễn Việt Chiến – Ủy viên Ban Chấp hành, Trưởng ban Sáng tác, Trưởng ban Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Hà Nội bày tỏ trăn trở: “Văn học thiếu nhi nhất là văn học thiếu nhi tại Hà Nội đang đứng trước thử thách rất lớn. Xét về thực trạng hiện nay, trẻ con đang dần bị xao nhãng bởi các thiết bị công nghệ dẫn đến sách không là lựa chọn đầu tiên. Làm sao để văn học thiếu nhi tăng sức hấp dẫn đối với các bạn đọc nhỏ tuổi và làm sao để các cây bút trẻ có thể xuất hiện nhiều hơn và viết cho thiếu nhi nhiều hơn, đó là những vấn đề được xã hội hiện nay đang rất quan tâm".
Nhà văn Thái Chí Thanh – Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam khóa X và nhà văn Lê Phương Liên - nguyên Trưởng ban Văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam cùng đồng tình cho rằng tiềm năng của sáng tác văn học thiếu nhi ở Hà Nội là rất lớn, tuy nhiên mảng văn học nay rất cần được quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa.
"Hiện nay Hội Nhà văn Hà Nội vẫn chưa có Ban Văn học thiếu nhi, bởi thế về phía Hội Nhà văn Việt Nam sẽ khó có sự kết hợp các hoạt động chung. Nếu có Ban Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Hà Nội thì Hội đồng Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong việc kết nối hoạt động với các hội địa phương khác với Hội của Thủ đô", nhà văn Lê Phương Liên chia sẻ.
Được biết, năm 2022, Hội Nhà văn Việt Nam đã khôi phục Hội Văn học thiếu nhi, tổ chức các cuộc vận động sáng tác, các giải thưởng văn học thiếu nhi, từ đó phát hiện các tài năng văn học mới, khơi gợi nguồn cảm hứng sáng tác cho các thế hệ trẻ, cũng như thúc đẩy phong trào sáng tác văn học thiếu nhi. Qua đây, có thể thấy được vai trò to lớn của các Hội Nhà văn trong việc định hướng và phát triển văn học thiếu nhi trong tương lai.
Tại buổi sinh hoạt chuyên đề, nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh đã kiến nghị Hội Nhà văn Hà Nội mở trang văn học thiếu nhi, cũng như mở lớp hướng dẫn, đào tạo các tác giả nhỏ tuổi để các em có thể trở thành thế hệ nhà văn kế tục.
Nhà văn Nguyễn Quang Huệ - một cây bút chuyên sáng tác văn học thiếu nhi cho rằng mặc dù văn học thiếu nhi chưa nhận được đủ sự quan tâm nhưng các tác giả văn học thiếu nhi vẫn miệt mài sáng tác. Theo ông, cần tạo điều kiện và tạo không gian hơn nữa để các bạn nhỏ có thể được tiếp cận nhiều hơn tới văn học, nuôi dưỡng tình yêu văn chương.
Đề cập tới đối tượng độc giả thiếu nhi, nhà LLPB Trần Thị Trâm và nhà thơ Bảo Ngọc - Phó Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi khẳng định để văn học thiếu nhi hấp dẫn được đối tượng độc giả của mình, trước hết phải đáp ứng được mong muốn của trẻ em, các nhà văn cần tìm hiểu kĩ lưỡng thị hiếu của các em, điều mà nhiều nhà văn hiện nay còn nhiều thiếu sót.
Tiến sĩ văn học Hà Việt Anh chia sẻ hiện nay độc giả nhí quan tâm đến nhiều đề tài khác nhau như trinh thám, kinh dị, kỹ năng sống... Theo chị, bên cạnh việc tập trung tới nội dung tác phẩm, các đơn vị xuất bản nên quan tâm chú trọng đến bìa sách, bởi "nếu nội dung hay mà bìa không đẹp cũng khó mà hấp dẫn được các em".
Phát biểu tại buổi sinh hoạt chuyên đề, nhà văn Trần Gia Thái – Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội bày tỏ sự cảm phục đối với các nhà văn viết cho thiếu nhi, bởi "đây là một thể loại viết khó, đòi hỏi người viết phải đặt mình ở vị thế của một đứa trẻ". Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội để khơi dậy văn hóa đọc cho các em, các nhà văn cần tìm hiểu và quan sát hơn nữa về thị hiếu của trẻ, đáp ứng đúng nhu cầu của các độc giả nhí hiện nay./.