Thuở đó, những năm cuối cùng của thế kỷ XX, nhà văn Hà Ân đã vào tuổi 80. Thế mà ông vẫn đi bộ từ nhà riêng (gần chợ Hàng Da) tới NXB Kim Đồng ở phố Bà Triệu. Mỗi khi đến uống trà cùng chúng tôi, ông thường mang theo một món quà đặc biệt. Đó là những quả trám xanh sấy khô có tẩm bột cam thảo, một thức ô mai phố Hàng Đường…
Tôi được “gặp” nhà văn Hà Ân từ cuốn sách “Bên bờ Thiên Mạc” (NXB Kim Đồng năm 1967). Những dòng văn cuồn cuộn cảm xúc của ông đã khiến tôi cảm thấy như được gặp các vị tướng lĩnh anh hùng Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng, Chiêu Minh vương Trần Quang Khải… rồi cậu bé chăn ngựa Hoàng Đỗ, ông già bãi lầy Màn Trò… Đọc sách mà như được thưởng thức món cháo tôm của người dân dâng lên vua Trần Nhân Tông trong một đêm hành quân rời kinh thành Thăng Long... Những cảnh những người thời Trần sống cách xa bảy trăm năm, nhờ Hà Ân bỗng sống dậy ngời ngời hào khí Đông A.
Nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Huệ Chi đã nhận xét về văn phong của Hà Ân: “... Anh đúng là nhà văn của các em, người kể chuyện lịch sử hào hứng và thú vị của tuổi trẻ. Mà làm các em thích lâu bền, nào phải dễ. Phải có vốn tri thức lịch sử chắc chắn và biết làm cho vốn ấy sống dậy. Điều tâm huyết của anh là phải có sự chân tình. Khác với bạn đọc lớn tuổi, các em nhỏ không phân biệt “thật”, “giả” trong những điều nhà văn hư cấu, nhưng lại rất nhạy cảm với sự “thật”, “giả” trong chính tấm lòng nhà văn”. (Trích theo “Truyện lịch sử của Hà Ân” - Tuyển tập “Trăng nước Chương Dương” NXB Kim Đồng năm 2001). Nhận xét tinh tế đó đã nói lên tấm lòng chân thành của nhà văn Hà Ân trong trang viết và trong cuộc đời. Có người nghĩ rằng tác giả bộ tiểu thuyết “Người Thăng Long” chắc là một người lịch lãm và có phần kiểu cách chăng?
Quả thực nhà văn Hà Ân là người thanh lịch. Một người thanh lịch uyên nguyên (có nguồn sâu). Nhà văn Hà Ân tên thật là Hoàng Hiển Mô người dòng họ Hoàng làng Vẽ, một trong những làng cổ nhất của Thăng Long - Hà Nội, nay là phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Làng Đông Ngạc nổi tiếng truyền thống hiếu học khoa bảng, làng có đến 18 vị tiến sĩ nho học và 7 vị tiến sĩ thời Pháp, tới thời nay làng có trên 50 tiến sĩ. Hà Ân sinh trưởng trong một gia đình gia giáo, lớn lên được đi học thụ hưởng nền giáo dục Pháp. Ông thành thạo tiếng Pháp, uyên thâm nho học, thông hiểu Kinh Dịch. Bút danh Hà Ân của ông ngụ ý là người mang Ân tình Hà Nội. Tuy có gốc gác ở đất “địa linh nhân kiệt” thế mà nhà văn Hà Ân hầu như không bao giờ khoe khoang làng quê mình. Có lúc ông nói với chị em biên tập NXB Kim Đồng theo kiểu dân dã chân tình: “Thuở bé ở nhà gọi anh là thằng Mô!”. Trong tiếng cười vui của mọi người, nhà văn Hà Ân thường nở nụ cười thật thà không kiểu cách. Trong những trang văn, Hà Ân tả vua chúa tướng lĩnh sống phong lưu mã thượng, yến ẩm sang quý. Thế mà trong đời thường Hà Ân là người ít uống rượu, bia. Từ năm 1978, sau khi người vợ hiền qua đời, ông sống cùng con cái suốt hơn 30 năm, trọn đời chung thủy với người đã khuất.
Năm 1979, tôi đã có dịp được cùng nhà văn Hà Ân và nhiều nhà văn tham dự Trại sáng tác Văn học thiếu nhi do NXB Kim Đồng tổ chức tại thành phố biển Nha Trang. Ở trại viết, nhà văn Hà Ân ở cùng phòng với nhà văn Đoàn Giỏi. Hai ông: kẻ Bắc, người Nam thế mà lại hợp nhau. Phải chăng hai ông cũng chung nỗi niềm “Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” (1). Nhà văn Đoàn Giỏi (sinh năm 1925) hơn tuổi nhà văn Hà Ân (sinh năm 1928), khi ấy tác giả “Đất rừng Phương Nam” nổi tiếng lẫy lừng, Hà Ân luôn tôn Đoàn Giỏi là bậc đàn anh. Trong những cuộc phiếm đàm bàn về con chim, con cá hay loại hoa lạ, quả hiếm nào đó nhà văn Hà Ân thường mời nhà văn Đoàn Giỏi nói trước, ông nói sau… Và, cuối cùng người nghe luôn được cười vang để ngộ ra những điều bổ ích.
Đoàn Giỏi và Hà Ân đều là những tay bơi lội cừ khôi. Trên bãi biển Nha Trang nước xanh trong vắt, nhìn hai ông bơi lặn giữa những làn sóng lớn thật như đôi cá hổ kình. Hà Ân nói đùa: “Ông với tôi như Yết Kiêu, Dã Tượng nhỉ”. Nhà văn Đoàn Giỏi cười ha hả, tiếng cười sảng khoái của người Nam Bộ. Vui chơi nhiệt tình, mà hai ông làm việc thật hết mình. Kết thúc trại sáng tác nhà văn Đoàn Giỏi có tác phẩm “Người thủy thủ già trên hòn đảo lưu đày” (Truyện ký viết về cụ Tôn Đức Thắng những ngày bị thực dân Pháp bắt tù đày ở Côn Đảo) và nhà văn Hà Ân có tác phẩm “Lưỡi gươm nhân ái” (Truyện lịch sử viết về vua Quang Trung). Hà Ân và Đoàn Giỏi hợp nhau chính vì hai ông đều là người chân thành. Khi nhà văn Đoàn Giỏi vào sinh sống ở phương Nam, mỗi lần ra Hà Nội, ông đều hẹn gặp nhà văn Hà Ân bởi mỗi khi nhớ Hà Nội ông lại nhớ Hà Ân - một bạn văn “rất Hà Nội”.
Nhiều người nhớ đến cuốn tiểu thuyết cuối cùng của nhà văn Hà Ân “Khúc khải hoàn dang dở” có nhân vật chính là Đỗ Vĩ, một điệp viên gần như duy nhất có tên trong chính sử. Đỗ Vĩ - một người Thăng Long kiểu khác với các tướng lĩnh vương tôn nhà Trần như Trần Hưng Đạo, Trần Nhật Duật, Trần Quốc Toản… Đỗ Vĩ là người tài hoa, đàn ngọt, thơ hay, bút vẽ thần tình, đường kiếm siêu việt… nhưng là một hàn sĩ (2). Tại sao nhà văn Hà Ân lại tâm huyết tạo dựng một nhân vật điệp viên hàn sĩ trong tiểu thuyết của mình? Bởi cuộc đời ông đã từng trải là chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô Liên khu I (năm 1946 - 1947) rồi Trưởng Ty Hoa kiều vụ năm 1948; cán bộ hậu địch Hà Nội năm 1950. Sau đó ông làm giáo viên văn hóa Trường Quân y và Hậu cần; chuyên viên nghiên cứu Bảo tàng Quân đội. Nghiệp văn của ông bắt đầu từ năm 1964, là cán bộ sáng tác của Hội Văn nghệ Hà Nội rồi biên tập viên NXB Hà Nội.
Cuộc đời Hà Ân đã từng trải khốc liệt gian lao trong cuộc kháng chiến bi hùng của toàn dân tộc, rồi lúc thời bình ông lại trở về làm một hàn sĩ Thủ đô. Từ chiêm nghiệm của bản thân, nhà văn Hà Ân viết truyện lịch sử không chỉ như một thiên sử thi hào hùng tráng lệ! Trong bộ truyện “Trăng nước Chương Dương” Hà Ân đã đi sâu vào tâm sự cá nhân của vị anh hùng Trần Quốc Tuấn, một người đã vượt lên thù riêng của gia đình để vì giang sơn gấm vóc Đại Việt của vương triều Trần. Những năm cuối đời nhà văn Hà Ân lại dành tâm huyết để soi chiếu vào phần chìm của lịch sử. Viết về Đỗ Vỹ, ông giãi bày cho người đọc một mặt trận thầm lặng không có tiếng trống trận, tiếng voi gầm, ngựa hí... Một mặt trận chỉ có thơ, họa, đàn sáo... mà lại sáng ngời phẩm cách anh hùng của một con người vì nước quên thân.
Viết đến đây, tôi như nhớ lại nét mặt ông trong những năm cuối cuộc đời. Mỗi khi ngồi uống trà, nhấm nháp quả ô mai trám vừa chua, vừa mặn, vừa ngọt... nét mặt nhà văn Hà Ân trầm tư, đôi mắt thăm thẳm nhìn đi xa xôi như nhớ lại những buồn vui, sướng khổ, thăng trầm của cuộc đời. Những ngày ấy, khi uống nước ông phải nhấm từng ngụm nước nhỏ chậm rãi. Bởi chỉ hơi uống vội một chút là ông có thể ho sặc sụa một tràng dài. Ấy thế mà con người chuyên viết về quá khứ đó lại quan tâm đến tương lai của mọi người. Nhà văn Hà Ân là người thông hiểu Kinh Dịch nên biết lấy tử vi và đoán vận số tương lai cho những ai tin cậy ông. Dạo đó những ngày giáp Tết, các cán bộ NXB Kim Đồng còn nhờ nhà văn Hà Ân xem ngày, giờ, hướng xuất hành đầu xuân sao cho may mắn. Ông làm những việc ấy với một niềm vui hoan hỉ và hào phóng. Mọi người cũng coi đó là một cuộc vui chơi và ai cũng tin tưởng nghĩ đến những điều tốt đẹp may mắn khi chào đón năm mới. Lạ thay, những lời ông đoán về tương lai của từng người phần lớn đều đúng cả.
Giờ đây, nhà văn Hà Ân đã thanh thản về miền cực lạc. Mỗi khi Tết đến xuân về, tôi lại nghĩ đến ông. Nghĩ đến một người Hà Nội thanh lịch mà giản dị chân thành. Một người có thể thấu hiểu quá khứ và đoán được tương lai. Có thể khi viết những dòng chữ trên trang sách của ông tặng tôi cách đây hơn 20 năm, ông đã đoán biết một ngày tôi sẽ viết về ông để tặng cho mọi người đọc.
.............................................................
(1) Thơ của tướng Huỳnh Văn Nghệ.
(2) Hàn sĩ: Sĩ phu nghèo không có
phẩm hàm, chức sắc.