Giáo sư Hoàng Anh Tuấn nói chuyện “mùng ba Tết thầy” xưa và nay

Theo kinhtedothi| 27/01/2020 16:35

Trong không khí tràn ngập sắc xuân, khi trả lời phỏng vấn về phong tục Tết thầy, GS Sử học Hoàng Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh: Trong văn hóa của người Việt, đạo học và sự học rất dày, rất cao và rất quý.

Quà chúc Tết thầy cô là “cây nhà, lá vườn”

Thưa GS, dân gian có câu “Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy”. Khi còn là học trò, Ông đến chúc Tết thầy thường mang theo thứ gì?

Khoảng ba chục năm trước, vào ngày mùng ba Tết, chúng tôi cũng rủ nhau đi chúc Tết thầy cô. Đám học trò cấp II nhút nhát được cha mẹ dẫn đi; lũ học trò cấp III thì rủ nhau đi theo nhóm cùng làng, cùng họ.

Quê nghèo nên đồ chúc Tết thầy cô thường rất “cây nhà lá vườn”: Khi thì chục quả trứng, lúc dăm cái bắp cải hoặc mấy củ xu hào, khi thì ít rau mùi và chục quả cà chua... nghĩ lại thấy thật đầm ấm! Giờ mỗi lần về quê, chúng tôi vẫn tranh thủ ghé thăm thầy cô giáo cũ, thắp nén tâm hương cho thầy cô đã khuất núi - việc nên làm tự đáy lòng mỗi người, không ai bắt ép, chẳng để đánh bóng bản thân, chỉ cốt cho lòng mình tĩnh, tâm mình an.

Giáo sư Hoàng Anh Tuấn nói chuyện “mùng ba Tết thầy” xưa và nay
GS Hoàng Anh Tuấn và đại diện Công đoàn nhà trường đến thăm và chúc Tết GS.NGND Hoàng Thị Châu - Chuyên gia ngôn ngữ học hàng đầu của Việt Nam

Khi đã là thầy giáo và làm công tác quản lý, ông vẫn thường đi thăm và chúc các thầy cô ngày mùng ba Tết?

Chúng tôi gắng giữ nếp đó, dù xã hội công nghiệp nên cũng có chút phăng-te-di! Có thể từ tuần trước Tết đến tuần sau Tết, đâu nhất thiết chỉ mỗi ngày mồng Ba. Quan trọng là chúng ta gìn giữ truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn, thời gian đến chúc Tết thầy cô có thể linh hoạt sao cho phù hợp.

Vả lại, ngoài 40 tuổi, chúng tôi đóng thêm những “vai” khác nhau: Là học trò đi chúc Tết thầy cô giáo cũ, là đại diện cơ quan đi chúc Tết các nhà giáo lão thành, là phụ huynh chúc Tết thầy cô của con mình… Có sinh viên cũ của tôi giờ là giáo viên dạy con tôi, khi đến chúc Tết thầy trò chuyện vui như…Tết! Trò cảm ơn thầy đã dạy dỗ mình; thầy cảm ơn trò đang dạy dỗ con mình, hàng năm đều giới thiệu học sinh của trò vào học đại học ở trường thầy! Nghề giáo thật vui! 

Đạo học và sự học của người Việt rất dày, rất cao quý

Qua nhiều năm đi chúc Tết thầy, chắc hẳn Ông đã có rất nhiều kỷ niệm đẹp với các thầy cô?

Trong cuộc đời đi học, mỗi người đều có hàng chục, thậm chí với những người học qua nhiều bậc có đến hàng trăm người thầy. Mỗi thầy cô chuyên một lĩnh vực, có những tính cách riêng… nhưng họ có điểm chung là rất mẫu mực, ân cần, yêu thương và tận tụy với học trò.

Khi tôi vào Trường Cấp III Tống Duy Tân (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), cô giáo chủ nhiệm dạy môn Hóa học; cô trẻ, chỉ hơn chúng tôi chục tuổi, nhưng rất mẫu mực và giàu tình thương với học trò. Những năm đầu thập niên 90, làng quê còn rất nghèo, cái ăn còn chưa đủ nên việc học rất đại khái. Học sinh đến lớp phần lớn đi chân đất, mưa nắng đều đầu trần, quần xắn lò xo để lội nước đi học...

Giáo sư Hoàng Anh Tuấn nói chuyện “mùng ba Tết thầy” xưa và nay
GS Hoàng Anh Tuấn đến thăm và chúc tết PGS. NGND Phạm Thị Tâm - Chuyên gia Sử học, đồng tác giả (cùng GS. NGND Hà Văn Tấn) cuốn sách “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên – Mông thế kỷ XIII”

Cô giáo tôi cũng nghèo, nhưng luôn để tâm giúp đỡ học trò: Quyên quần áo cũ cho học trò mặc, cho vở mới và sách cũ. Thầy dạy Toán của chúng tôi dạy kèm mấy tháng cho học sinh thi tốt nghiệp mà chẳng nhận một đồng tiền công nào…

Có bạn mang biếu thầy mấy bơ gạo nếp, bạn khá hơn đem biếu con gà; có lần tôi đến học thêm, bố tôi gửi biếu thầy xâu cá rô đồng vừa đánh lưới lúc đêm. Tôi thẹn nên lẳng lặng để cá ở ngoài giếng rồi vào nhà thầy học với đám bạn, đến tối thầy nhìn thấy thì cá đã ươn cả! Những hình ảnh đó khắc sâu vào tâm khảm mỗi chúng tôi, khó mà quên được.

Trở lại câu chuyện mùng ba Tết thầy, có những ý kiến cho rằng, kinh tế thị trường khiến nhiều học trò đã quên các thầy cô giáo cũ?

Tôi không nghĩ vậy! Từng là học sinh, nay là giáo viên, tôi hiểu và tin vào tình cảm, sự trân trọng của học trò dành cho thầy cô, dù ở cấp học nào.

Về cơ bản, trước tuổi 40, ai cũng phải bươn chải lập nghiệp nên có thể không thường xuyên gặp được thầy cô, dù lòng vẫn hướng về trường xưa lớp cũ. Lứa thế hệ học trò 7x chúng tôi cũng thế, bôn ba mãi đến dịp 25 năm ra trường mới tề tựu đông đủ. Thầy trò gặp nhau hàn huyên không dứt; thầy cô tâm sự: Khóa nào cũng thế, tầm 20 năm sau khi ra trường các em mới ổn định công việc và cuộc sống riêng, thầy cô làm cha mẹ nên đều thấu hiểu, đều tin một ngày các em lại sẽ tìm về...

Giáo sư Hoàng Anh Tuấn nói chuyện “mùng ba Tết thầy” xưa và nay
GS Hoàng Anh Tuấn đến thăm và chúc Tết GS.NGND Lê Hồng Sâm - Chuyên gia Văn học hàng đầu của Việt Nam.

Bởi thế, chúng ta đừng nhìn vào một vài hiện tượng đơn lẻ để nhìn nhận tiêu cực về nền giáo dục hay đạo học của người Việt. Hãy đặt niềm tin vào các thế hệ học trò. Cá nhân tôi tâm niệm rằng “tôn sư trọng đạo” thấm sâu vào tâm trí mỗi người. Và với một dân tộc có nền văn hóa trọng học như Việt Nam, học trò luôn hướng về thầy cô của mình bằng những cách thức và trên những điều kiện khác nhau, sao cho phù hợp.

Tôi vẫn tin rằng đạo học và sự học của người Việt rất dày, rất cao, rất quý; nó có thể thay đổi về hình thức biểu hiện cho hợp với bối cảnh xã hội, chứ không thay đổi về bản chất và ý nghĩa cao đẹp đã được hun đúc cả nghìn năm nay!

Xin cảm ơn Giáo sư!

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Nhiều bộ phim cách mạng được chiếu miễn phí tại Hà Nội vào dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất non sông
    “Biệt động Sài Gòn”, “Cánh đồng hoang”, “Giải phóng Sài Gòn”, “Mùa xuân toàn thắng”… những bộ phim sống cùng lịch sử sẽ được công chiếu cho khán giả Thủ đô trong chương trình Những ngày phim Việt Nam kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) tại Rạp Ngọc Khánh (523 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội).
  • Sáng tỏ diện mạo văn học nghệ thuật Thủ đô sau ngày đất nước thống nhất
    Sáng ngày 16/4/2025, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội đã tổ chức hội thảo với chủ đề "Văn học, nghệ thuật Thủ đô 50 năm sau ngày đất nước thống nhất" nhằm đánh giá những thành tựu, hạn chế; đồng thời đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực để xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Hội thảo quy tụ đông đảo các các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ của 9 hội chuyên ngành với nhiều tham luận và ý kiến quý báu.
  • Chắp cánh cho hình ảnh “Hà Nội là nơi đáng đến và lưu lại” vươn cao, bay xa
    Nhiều năm qua, Hà Nội đã xây dựng hình ảnh “là nơi đáng đến và lưu lại” trong suy nghĩ, cách nhìn của du khách trong nước và quốc tế. Góp phần hiện thực hóa nhiệm vụ này, UBND Thành phố Hà Nội vừa xây dựng và đang lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Nghị quyết khu phát triển thương mại và văn hóa. Qua đây để Thủ đô bảo tồn các giá trị văn hóa, mở ra những không gian mới cho phát triển văn hóa, du lịch tiến tới kỷ nguyên vươn mình.
  • 5 nhóm giải pháp phát huy vai trò tiên phong của văn học, nghệ thuật Thủ đô
    “Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã đưa đất nước ta bước sang một trang sử mới - trang sử hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do, đổi mới và phát triển; đồng thời cũng mở ra cho văn học, nghệ thuật nước nhà một không khí mới, không gian mới, giai đoạn văn hóa, văn nghệ thống nhất, giao hòa, phát triển trong tính tổng thể, toàn vẹn, tiến bộ và cách mạng”, NSND Trần Quốc Chiêm - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội khẳng định tại hội thảo “Văn học nghệ thuật Thủ đô 50 năm sau ngày đất nước thống nhất” do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội tổ chức sáng ngày 16/4/2025.
  • Xây dựng "Trường học hạnh phúc" gắn với các hoạt động thực tế của ngành giáo dục Thủ đô
    Hàng trăm học sinh cùng các giáo viên tại các trường THPT trên toàn thành phố Hà Nội hào hứng cổ vũ cho các tác phẩm thể loại hòa tấu và đệm hát do các em học sinh thuộc các ban/nhóm nhạc thể hiện tại trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam; qua đó cho thấy hiệu quả của Liên hoan các ban nhạc, nhóm nhạc học sinh trung học phổ thông thành phố Hà Nội lần thứ II năm 2025 do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức đã có sức thu hút và lan tỏa rộng rãi, góp phần xây dựng trường học hạnh phúc mà ở đó tình cảm giữa thầy và trò, giữa các em học sinh với nhau thực sự gắn kết và gần gũi.
Đừng bỏ lỡ
Giáo sư Hoàng Anh Tuấn nói chuyện “mùng ba Tết thầy” xưa và nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO