Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Cả nhà ước năm mới

Mai Đình 13:50 02/09/2024

Đêm 30, sau khi tôi và Thạo (con cả của tôi) chuẩn bị xong mâm cúng giao thừa, như đã thống nhất, cả nhà quây quần bên bàn trà để cùng nhau mơ ước.

ovnjtesw.png
Ảnh minh hoạ

Mẹ tôi, cụ gần 90 ngồi dậy lên tiếng. Thôi anh Hào ơi, bây giờ được ăn no rồi còn ước gì nữa. Lại thành Hà Nội 2 rồi còn gì. Ngày xưa chỉ quần quật lo bữa ăn không xong.

Nhưng Cụ ơi, ngày xưa làm ra thóc lúa đóng hầu hết cho Nhà nước để nuôi quân đánh giặc. Bây giờ không phải nuôi quân đánh giặc thì phải sung sướng hơn chứ, chỉ ăn no không là chưa đủ cụ ạ. Tôi trả lời.

Ừ, mà ngày xưa để kiếm miếng ăn, tôi gánh hàng đi chợ lệch cả xương sống. Mấy năm trước anh chụp ảnh lên tôi mới thấy. Toàn đi chân đất, gánh bằng vai. Vo đỗ ngâm giá, trồng dưa gang, bí đao đi chợ Ba Thá bán, cách nhà mười mấy cây số. Tôi lại chỉ gánh được một vai, đổi sang vai bên một tý cho đỡ đau mỏi rồi lại chuyển về. Mỗi tháng 12 phiên, theo lịch âm là các ngày mùng 1, 4, 6, 8. Đi đủ. Lần chửa anh, bụng to, gánh bí nặng, trời mưa lên dốc đê Miêng Thượng, đất sét trơn trượt ngã cứ sợ hỏng. Vậy mà chẳng sao.

Chồng đi đánh giặc ở nhà sống với mẹ chồng làm tất cả mọi việc. Vất vả vậy mà cứ thế mà sống không suy nghĩ, so bì gì.

Còn việc là còn sống. Sống đuổi theo đầu việc. Việc cho kịp buổi chợ, cho kịp thời vụ. Tất cả cứ thế quay tròn hết ngày đêm này sang ngày đêm khác, chẳng nghĩ gì khác. Anh nói sống lưng tôi cong là do thế đấy anh ạ. Vậy mà chẳng ốm đau gì. Hay cái đầu chỉ nghĩ đến việc, quay trong việc nên bệnh nó không vào được.

Cả nhà mỉm cười trong lắng nghe.

Người lớn ra đồng, đi chợ. Các anh ở nhà đứa lớn trông đứa bé, con mèo tha con chuột. Anh chị em thúc bá, hàng xóm trông nhau được là phải trông như ruột thịt. Trẻ tự chơi với nhau, với bạn hàng xóm, tự học, tự soạn sách, tự sửa bút, đi bộ đi học. Sách thì cứ truyền xuyên thế hệ, thiếu thốn đủ đường. Thế mà thế hệ anh chị ai cũng thành người tử tế, gia đình ấm no. Ngày xưa cán bộ xã, thôn đều lao ra ngoài đồng. Trong nhà ai có chuyện gì, như con cái hư thì các đoàn thể đến trợ giúp chứ đâu nghiện hút, đánh cãi chửi nhau, ly hôn xoành xoạch, trộm cắp, tham nhũng đầy ra như bây giờ. Anh Hào mót lúa tranh nhau rồi đánh lộn làm anh Liệu xóm trên sưng vù môi lên. Đảng cử người tới, phụ nữ, đoàn thanh niên, cô giáo tới nhà răn đe, phân tích, giáo dục, dạy dỗ. Rằng, hành động mót lúa rơi vãi, giúp gia đình có thêm hạt thóc là đáng khen, đáng quý. Nhưng tranh nhau, đánh nhau lại là không đúng với việc tốt mà mình đang làm, không đúng thuần phong mỹ tục gia tiên, làng xóm... Con phải khoanh tay xin lỗi người lớn, xin lỗi bạn và hứa không tái phạm, rồi làm hoà với nhau. Thế là hàng xóm êm ấm. Loáng cái mà các anh cũng lên ông hết rồi. Tôi là tôi ước, được ăn no, còn lại cứ như ngày xưa là được.

Tôi tiếp lời. Vâng, con xin cảm ơn cụ! “Sinh con rồi mới sinh cha. Sinh cháu giữa nhà rồi mới sinh ông”. Con được lên ông thì cụ mới lên cụ chứ. Cu Thắng con bố cu Thạo xen vào, có con và em cún nên cả nhà được lên chức. Cả nhà cười rộ lên, vỗ tay vang dền giữa đêm khuya. Cháu cụ nói đúng quá. Cụ khen.

Tôi chuyển, anh Thạo bố cu Thắng, ý của mọi người anh nắm cả rồi, trình bày để cụ và cả nhà nghe, sắp đến giờ giao thừa rồi, còn đi cúng và xem pháo hoa.

Vâng, con xin phép cụ và cả nhà tóm tắt bằng một chuyến “thực địa”. Xin cụ, ông bà và cả nhà nhắm mắt lại, chuyến Hà Nội trong mơ bắt đầu.

Trên đường lên Hà Nội, phố mới hiện lên với những toà nhà chọc trời. Xuống Thanh Xuân, đi tới cửa một toà nhà vỉa hè bóng loáng, rộng rãi. Nhân viên bảo vệ lịch sự, lễ phép hỏi, nhà ta lên các tầng siêu thị hay ẩm thực, hay chăm sóc sức khoẻ ạ? Xin cảm ơn, chúng tôi đi qua ngắm thôi. Người bảo vệ trẻ tay phải thu về ngực, hơi cúi nhẹ, cùng lúc, như một nghệ sĩ, tay trái lướt thành một cung rất đẹp về hướng chúng tôi đang đi tới, mời cụ và cả nhà ạ. Cu Thắng chăm chú nhìn và nhoẻn miệng cười hâm mộ.

Phố mới tấp nập xe cộ, nhà cao tầng, siêu thị, vui chơi giải trí, vườn hoa nhỏ. Chung cư chọc trời giúp bà con các tỉnh đến định cư. Văn hoá vùng miền, thói quen, tập tục mang vào có cái kịp, có cái chưa kịp nhịp sống văn minh đô thị. Đa sắc màu giọng nói, từ ngữ, văn hoá khắp vùng miền cả nước theo người dân về Hà Nội. Được cái, đường phố quy hoạch lại rộng rãi không còn cảnh ách tắc, đi làm hay về quê cũng rất thuận.

Phố cổ. Đa phần 36 phố phường nay không được đi xe máy, ô tô, chỉ được đi bộ, đi xe đạp, xe điện và tàu điện. Bố Thạo nó đưa cả nhà ra đón tàu điện. Tiếng leng keng của đoàn tàu điện đang thong dong lượn tới làm cu Thắng sung sướng nhảy lên vỗ tay hoan hô. Bố Thạo dơ tay làm dấu để cả nhà đứng gọn sang bên. Bảo vệ toa đỡ các cụ già xuống đứng vững trên mặt đất, rồi đỡ một bé cho bà mẹ trẻ bận trên tay đứa nhỏ, sau đó đứng sang bên cho khách xuống. Đa phần họ là khách du lịch như chúng tôi. Anh bảo vệ dìu cụ nhà tôi đến tận ghế ngồi. Vợ chồng tôi theo sau lưng. Bố Thạo nó đỡ vợ và con.

Vẫn Bưu điện bờ hồ cổ kính nhìn ra đường Đinh Tiên Hoàng và hồ Gươm. Bưu điện bờ hồ là Bưu điện Hà Nội. Tiếng chuông kéo cu Thắng hướng về phía đồng hồ, chỉ tay reo lên, “đồng hồ to kìa”. Đồng hồ vẫn nằm trên đỉnh Bưu điện, vẫn hình dáng xưa. Bố Thạo giải thích với con, Bưu điện bờ Hồ, xưa là điểm để tính cây số từ trung tâm Hà Nội ra các nơi khác đấy con ạ.

Biết cụ tôi mỏi lưng, anh Thạo mời cả nhà sang kem Tràng Tiền để thưởng thức và có chỗ ngồi nghỉ. Cụ vẫn ăn được kem cốc. Ngon và hợp lý. Mọi người ăn kem cốm, đậu xanh truyền thống. Cu Thắng không quên gọi cho mình kem ốc quế. May là nhà tôi đến sớm nên chưa đông khách.

Anh Thạo bắt chuyện với chị phục vụ đứng tuổi. Kem Tràng Tiền vẫn xứng với tên của nó chị nhỉ?

Vâng, Hà Nội có nhiều nét xưa quay lại và nhiều tiến bộ lắm rồi. Nếu nhà mình vào sâu các khu phố cổ sẽ thấy, nó “thanh bình trong tấp nập” bước chân du khách trong, ngoài nước. Nó không còn chỉ là những cửa hàng bận buôn bán, mà hiện về một Hà Nội thanh lịch bởi những nhà nhà cửa sát nhau, thấp thoáng qua khung cửa những lọ hoa Violet bên Thược Dược khoe sắc. Nếu có nghe tiếng Quất ơ… vang vọng trong đêm thì đi đến đó chứ không gọi với họ tới như xưa. Mùi thơm ấm người giữa đêm đông của ngô nướng, của chuối chấm cốm làng Vòng thì răng như cụ nhà ta cũng thật khó từ chối. Những hàng bán rong mang hồn xưa như xôi, cháo, bánh rán, bánh cuốn Thanh Trì, đậu phụ Mơ, bún đậu mắm tôm… cũng vậy. Tất cả đã được quy chuẩn tại một số điểm vỉa hè nhất định, không rong nữa. Tiếng ồn, khói bụi của ô tô, xe máy không còn do đã cấm, nhường lại cho những tiếng vui nhộn của trẻ em chạy nhảy, tiếng bình luận, tâm sự của lữ khách đi bộ, đi đạp xe. Hàng chè chén (trà mạn) đông vui, thanh cảnh cùng những ván cờ tướng. Đắt hàng, tấp nập là những quán phở bò. Giờ những người không có cơ hội rong ruổi phố cổ, kể cả những món về đêm vẫn được thưởng thức nhờ Online, Shipper. Các cụ bây giờ sướng hơn xưa rồi, đã được miễn phí khám chữa bệnh. Trẻ em, người già đi viện không mất viện phí. Trẻ đến trường không mất học phí, được vui chơi, hoạt động sức khoẻ, hoạt động sống nhiều hơn. Vì tầm quan trọng thời kỳ từ “0” đến “6” tuổi của trẻ, cô giáo mầm non, mẫu giáo, ô-sin có trình độ như “tiến sĩ”. Đồng bộ với Đại biểu Quốc hội, Đại biểu HĐND, Mặt trận Tổ quốc phát huy vai trò của mình, các chương trình riêng, kênh riêng, tổng đài riêng trên mọi phương tiện truyền hình, đài phát thanh, báo giấy, báo điện tử, các kênh mạng xã hội hoạt động 24/24 chuyên về phổ biến, trả lời, giảng dạy hiến pháp, pháp luật cùng những ví dụ cụ thể, người dân bình thường áp dụng được ngay. Nó giúp dân hiểu rõ quyền hạn và trách nhiệm cụ thể của bản thân, của tổ trưởng, dân phòng, công an, của UBND xã phường, PCCC, của Đảng, Đảng viên và phân biệt được Đảng và Đảng viên… để ứng dụng trong cuộc sống gia đình và thực hiện quyền, trách nhiệm nơi cư trú. Ứng dụng công nghệ Blockchain suôn sẻ để mọi việc như xét duyệt cấp sổ đỏ, đấu thầu, cấp kinh phí, bầu cử… chỉ trong nháy mắt là xong như bây giờ là do bước một, người dân được công chức làm việc trực tiếp với mình cấp bản ghi âm, ghi hình quá trình làm việc để làm theo và để làm căn cứ pháp lý. Tiền Nhà nước gọi là tiền toàn dân thôi mà tác dụng thần kỳ. Cũng vậy, giáo viên dạy trẻ qua việc làm gương như lương thấp, muốn nâng lương của mình thì đòi hỏi ở Bộ Giáo dục và đào tạo, Chính phủ chứ không phải nhè vào đầu học sinh. Các cơ quan khác cũng làm như vậy, không nhè vào đầu nhân dân, túi tiền toàn dân để tham ô, nhũng nhiễu. Ai muốn giàu ra làm doanh nghiệp. Xã hội văn minh hẳn lên. Thích quá cả nhà mình nhỉ.

Đùng, đoàng. Cả nhà choàng tỉnh ra thắp hương cúng và xem pháo hoa./.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Mai Đình. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Mai Đình