Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Sông Đáy có còn sông trăng hay sông lụa

Phan Ngọc Anh 13:32 02/09/2024

Hà Nội chiết tự tiếng Hán có nghĩa là trong sông, thành phố trong sông. Thành phố Hà Nội có chín con sông ngang qua. Đó là sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Đuống, sông Cầu, sông Đáy, sông Cà Lồ, sông Tích, sông Đà, sông Nhuệ.

song-day-700.jpg
Sông Đáy

Tính trên địa bàn châu thổ Bắc Bộ, sông Đáy được xem là một trong năm con sông lớn nhất với chiều dài khoảng hai trăm năm mươi cây số (bốn con sông khác là sông Hồng, sông Đà, sông Cầu, sông Lô). Khởi nguồn từ cửa Hát Môn trên đất Phúc Thọ (Hà Nội), vốn là một phân lưu lớn nhất và đầu tiên ở hữu ngạn sông Hồng, sông Đáy chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, đi qua các tỉnh Hòa Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định. Khi gần đến biển, sông chuyển theo hướng Đông Bắc – Tây Nam để đi vào vịnh Bắc Bộ ở Cửa Đáy, xưa gọi là cửa Đại An, cũng có khi còn gọi là Đại Ác, nằm giữa hai huyện Kim Sơn (Ninh Bình) và Nghĩa Hưng (Nam Định). Trên suốt hành trình về với biển lớn, sông Đáy từng thăng trầm và chia sẻ ngọt bùi với biết bao bờ bãi, ruộng đồng, núi non của rất nhiều làng quê ở đồng bằng Bắc Bộ. Bởi thế, từ xa xưa, sông Đáy đã trở thành nguồn cảm hứng dồi dào, bất tận cho văn nhân thi sĩ của nhiều đời sáng tạo và cũng chẳng biết từ khi nào nó đã đi vào trong tâm thức của biết bao người dân quê bên dọc đôi bờ mà nó từng đi qua.

Ngoại trừ sông Hồng, dòng sông mẹ, dòng sông kiến tạo, ở Hà Nội, nếu người ta xem sông Tô Lịch là dòng sông tâm linh của kinh thành Thăng Long một thủa thì sông Đáy lại được hiện lên trong vai trò của một dòng sông lịch sử, một dòng sông của thi ca. Bằng chứng cho điều vừa nói ấy vẫn đang còn hiện hữu rõ ràng trên dọc đôi bờ. Khởi đầu là nơi thượng nguồn, sông Đáy từng là chứng nhân cho một sự kiện vô cùng lớn lao của lịch sử nước nhà trong những năm đầu Công nguyên. Đó là nơi Hai Bà Trưng lập đàn, mở hội thề tụ nghĩa vào mùa xuân năm 40 và lật đổ ách thống trị của nhà Đông Hán. Trên bãi đá Trường Sa ở Hát Môn lời thề khởi nghĩa đền nợ nước trả thù nhà của Hai Bà Trưng cùng nghĩa quân từng vang vọng đất trời: “Một xin rửa sạch nước thù/ Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng/ Ba kêu oan ức lòng chồng/ Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này” khiến Thái thú Tô Định kinh hồn bạt vía; phải cắt tóc, cạo râu, vứt bỏ ấn tín, trà trộn vào đám tàn quân để trốn chạy thoát thân. Và cũng tại nơi đây, ba năm sau, dòng sông lịch sử này cũng đã mở rộng vòng tay đón Hai Bà Trưng trở về với đất mẹ. Tuy đất nước độc lập không được bao lâu nhưng sự kiện giải phóng sáu mươi lăm tỉnh thành trong vòng vài tháng của Hai Bà Trưng từng làm chấn động cả trời Nam và làm thành một dấu son đầu tiên trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Nó thể hiện tinh thần quật cường bất khuất của người Việt và mở đầu cho thời kỳ chống ngoại xâm. Sự kiện ấy sau gần hai ngàn năm vẫn còn làm cho Tổng thống Mỹ Doland Trump hết lời thán phục, ngợi ca trong lời phát biểu tại hội nghị Thượng đỉnh lãnh đạo doanh nghiệp APEC năm 2017: “Đó là vào năm 40 sau Công Nguyên khi Hai Bà Trưng thức tỉnh tinh thần của người dân trên đất nước này. Đó cũng là lần đầu tiên người dân Việt Nam đứng lên đòi độc lập và phẩm giá của mình”.

Theo dòng chảy, sông Đáy xuôi về xứ Nam, hẳn là trong suốt trường kỳ lịch sử dòng sông còn là chứng nhân của nhiều sự kiện trọng đại của đất nước trải qua các triều Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Tây Sơn … Nhưng thôi, tạm chưa kể đến, chỉ tính riêng trên đất Hà Nội, dòng sông ấy còn gắn liền với cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược của nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi lãnh xướng. Lịch sử còn ghi, khi đội tiền quân của Vương Thông bị lọt vào trận địa của quân ta ở Tốt Động, nghĩa quân Lam Sơn ở các vị trí mai phục từ nhiều hướng xông ra tấn công. Vì trời mưa, cánh đồng và đường đi ở Tốt Động vốn chiêm trũng nay càng trở nên lầy lội hơn, làm cho Minh bị sa lầy giữa đồng. Do bị tấn công bất ngờ trong điều kiện thời tiết và địa hình không có lợi nên các kỵ binh và bộ binh của giặc mất hết khả năng chiến đấu. Tiếp theo đội hậu quân của Vương Thông vừa vượt sông Đáy, chưa kịp tiến lên đã bị quân ta mai phục đánh cho tới tấp và phải chạy ngược lại. Nghĩa quân Lam Sơn vừa đuổi đánh đội hậu quân vừa cho người phá cầu Ninh Kiều để chặn đường tháo chạy. Kết quả giặc Minh hoảng loạn, dẫm đạp lên nhau mà chết. Số quân tử tại trận ước có khoảng năm vạn và số quân bị bắt sống cũng hơn một vạn. Sự kiện ấy trong “Bình Ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi có kể: “Ninh Kiều máu chảy thành sông, tanh hôi vạn dặm/ Tốt Động thây chất đầy nội, nhơ để ngàn năm”.

Chỉ kể vậy thôi, ý nghĩa lịch sử của dòng sông Đáy hẳn sẽ không bao giờ bị phai mờ trong tâm thức của mọi người dân Việt, nhất là người Hà Nội. Không chỉ là dòng sông của lịch sử, sông Đáy còn là con sông của muôn đời thi ca. Thời xưa, khi ngang qua dòng sông trong buổi chiều hôm, thi hào Nguyễn Du tức cảnh hạ bút và để lại một bức tranh làng quê êm ả, thanh bình: “Phù kiều tận xứ xuất bình điền/ Lịch lịch thanh sơn tại nhãn tiền/ Cổ kính tiều quy minh nguyệt đảm/ Triều môn ngư tống tịch dương thuyền/ Mang mang viễn thuỷ tam xuân thụ/ Lạc lạc nhân gia lưỡng ngạn yên/ Cực mục hương quan tại hà xứ?/ Chinh hồng sổ điểm bạch vân biên” (Thanh Quyết giang vãn diểu). Dịch nghĩa: “Hết chiếc cầu nổi là đến cánh đồng/ Trước mắt thắy rõ từng đợt núi xanh/ Dưới bóng trăng, bác tiều gánh củi về trên con đường mòn/ Lúc chiều tà, nhà chài đẩy chài ra khơi nhân khi triều lên/ Phía xa, nước sông mờ mịt lẫn bóng cây mùa xuân/ Khói bay từ mấy nóc nhà lác đác hai bên bờ sông/ Cố ráng mắt nhìn xem quê hương mình ở chỗ nào?/ Chỉ thấy vài chấm nhỏ, đó là những cánh chim hồng bay lên đám mây trắng” (Chiều ngắm cảnh sông). Sông Đáy cũng con sông có một khúc nằm giữa dãy núi Bài Thơ và dãy núi Bạt Gia để làm thành một vùng nước non sơn thủy hữu tình khiến cho Bà Chúa Thơ Nôm phải dừng bước, dạt dào cảm xúc để họa lên một bức tranh bằng thơ đầy tính hiện thực và cũng rất lãng mạng: “Hai bên thì núi giữa thì sông/ Có phải đây là Kẽm Trống không?/ Gió đập sườn non khua lắc cắc/ Sóng dồn mặt nước vỗ long bong/ Ở trong hang núi còn hơi hẹp/ Ra khỏi đầu non đã rộng thùng/ Qua cửa mình ơi nên ngoái lại/ Nào ai có biết nỗi bưng bồng” (Kẽm Trống). Và hẳn là người xứ Đoài chắc không ai mà lại chưa một lần nghe những ca từ ngọt ngào, êm ái, mượt mà như nhung như lụa trong bài hát “Dòng sông quê anh dòng sông quê em” của nhạc sĩ Đoàn Bổng. Cái ca từ ấy vốn được nhạc sĩ phổ lời từ bài thơ của Lai Vu. Lời thơ ấy có đoạn như sau: “Dòng sông Đáy quê em/ Sông trăng hay sông lụa/ Nong kén vàng như lúa/ Tròn vạnh một góc trời/ Là sông dâu, tằm ơi/ Sóng xanh như mắt trẻ/ Sao giống nhau đến thế/ Tiếng mưa như tiếng tằm ăn” (Dòng sông của anh dòng sông của em). Vẻ đẹp lãng mạn, dịu êm ấy của sông Đáy cùng những cánh đồng vàng màu lúa chín trong những đêm trăng vang tiếng sáo diều trước đó cũng đã được từng đi vào thơ Quang Dũng làm xao động và thổn thức nỗi lòng biết bao người đọc: “Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn/ Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng/ Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc/ Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng” (Đôi mắt người Sơn Tây). Và, sau này đến những năm cuối của thế kỷ XX, khúc sông Đáy chảy qua làng Chùa của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều lại hiện lên để làm một nguồn cảm hứng cho ra đời nhiều truyện ngắn, trong đó có truyện “Mùa hoa cải bên sông” (sau được chuyển thể thành kịch: “Khát vọng” của Tạ Xuyên, đặc biệt là dựng thành phim: “Lời nguyền của dòng sông” của đạo diễn Khải Hưng, từng đoạt giải vàng trong liên hoan phim truyền hình quốc tế tại Bỉ năm 1993). Đặc biệt trong bài thơ “Sông Đáy”, nhờ nguồn cảm hứng về dòng sông quê, Nguyễn Quang Thiều đã thể hiện sâu sắc nỗi niềm khắc khoải, khao khát được trở về với cố hương, trở về với năm tháng của tuổi thơ ngọt ngào bên mẹ: “Sông Đáy chảy vào đời tôi/ Như mẹ tôi gánh nặng rẽ vào ngõ sau mỗi buổi chiều đi làm về vất vả; … Sông Đáy ơi! chiều nay tôi trở lại/ Những cánh buồm cổ tích đã bay xa về một niềm tức tưởi … Sông Đáy ơi, sông Đáy ơi…chiều nay tôi trở lại/ Mẹ tôi đã già như cát bên bờ/ Ôi mùi cát khô, mùi tóc mẹ tôi/ Tôi quì xuống vốc cát ấp vào mặt/ Tôi khóc/ Cát từ mặt tôi chảy xuống dòng dòng”.

Vậy đấy, sông Đáy không chỉ là con sông một thời ăm ắp nước mát, ngọt ngào phù sa lắng đọng mà còn là con sông chất chứa những giá trị lịch sử và các giá trị văn hóa. Nó vừa là dáng hình của xứ sở và là nơi lưu giữ ký ức của dân tộc, của tuổi thơ biết bao người. Với tôi, dù nhà không ở bên sông nhưng nó cũng đã trở thành một miền ký ức của tuổi thơ bởi hành trình của dòng chảy ấy nằm giữa cung đường di chuyển của tôi theo mẹ mỗi khi đi, về từ quê nội sang quê ngoại và ngược lại trong những chiều ngày thứ bảy và chiều ngày chủ nhật hàng tuần. Trong miền ký ức của tuổi thơ tôi, con sông ấy có dòng nước trong xanh uốn lượn mềm mại qua những xóm làng như nước gương trong soi bóng những hàng tre với đôi bờ cát nặng phù sa, mênh mông trong gió. Từ bên này đê Sài Sơn (Quốc Oai) đi sang bên kia đê miền Sấu Giá (Hoài Đức), hình ảnh của con đường dải đá với những rặng nhãn cổ thụ sần sùi chi chít quả khi mỗi độ thu về sẽ chẳng bao giờ bị xóa nhòa hay lãng quên trong trí nhớ. Hồi ấy cây cầu bắc qua sông Đáy không bê tông cốt thép như bây giờ mà là cầu tre. Người ta ghép những thân tre lại với nhau để cho xe bò, xe đạp và người bộ hành đi qua. Mỗi lần nhiều người đi qua, cây cầu lại rung lên, nhìn xuống dòng sông, mặt nước trong xanh tươi mát lại sóng sáng, lặng lẽ đưa nước xuôi dòng. Thấp thoáng trên dòng trôi điểm xuyết một vài cánh bèo xuôi nước đung đưa duyên dáng trên mặt sông; vài ba chũm cá ở xa mạn cầu thi thoảng lại kẽo kẹt nâng lên hạ xuống vừa như rất nhẹ nhàng vừa như uể oải, khiến mặt nước xao động trong thoáng chốc, xóa tan cái vẻ bình lặng của dòng trôi. Cứ thế, theo mùa, dọc hai bên bờ đê khi thì xanh biếc bãi dâu, ruộng ngô, lúc lại óng ả mía vàng rung rinh trong gió. Ngày đó, bên đôi bờ sông Đáy có những bãi dâu lá xanh nhìn vút tầm mắt. Tôi nhớ, ở khu vực Sơn Đồng (Hoài Đức) có cả một xí nghiệp tơ tằm và ở Song Phương (Hoài Đức) có cả một nông trường chuyên nghề trồng dâu nuôi tằm để ươm tơ cung cấp nguyên liệu cho ngành dệt lụa. Cùng với những vườn trại trồng dâu của nhà nước, dọc hai bên sông cũng hình thành nên những làng chuyên trồng dâu và nuôi tằm để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy, xí nghiệp. Thế rồi, nghề trồng dâu chẳng hiểu sao lại bị mai một, xí nghiệp ươm tơ giải thể, người bên đôi bờ sông Đáy lại đổi sang nghề trồng mía. Và cũng lại có một thời mía xanh bờ bãi. Tôi lại nhớ cứ mỗi độ đông về, mỗi lần đi qua sông Đáy lại được nhìn những thân mía cao vút, vàng ươm, thẳng hàng, chạy dài theo từng luống, những lá mía như nhưng thanh gươm khua khua trong gió nhìn rất thích mắt. Thế đấy, hết nghề làm tơ, đôi bờ sông Đáy lại có nghề làm mật mía. Cuối năm, ngang qua Sấu Giá, mùi hương thơm nức, ngọt ngào của mật mía tỏa ra từ những lò nấu mật đầy quyến rũ. Cứ ngửi thấy cái hương thơm của mật quyện vào trong gió là người ta cảm thấy tết đang đến rất gần. Nhưng rồi nghề trồng mía cũng chỉ tồn tại một thời để rồi lại lùi sâu vào trong dĩ vãng. Thay cho màu xanh của dâu tằm, của ruộng mía, bãi ngô và mùi thơm của hương mật, khoảng hơn chục năm trở đây sông Đáy đỏ rực vườn cam, lúc lắc vườn ổi, trĩu trịt phật thủ, vàng ruộm bưởi đường… nhưng cũng tức ngực bởi mùi thuốc sâu… Và cái dòng nước hiền hòa trong xanh mát mẻ của tuổi thơ tôi cũng chẳng còn nữa. Thay vào đó dòng chảy bị thu hẹp lại, có chỗ giống như một con mương. Nước đen kịt, bề mặt có khi còn ngầu bọt, đóng váng dày đặc. Những cỏ dại, bèo tây thỏa sức vẫy vùng lan tỏa thay cho cua, cá, tôm, tép.... Và mỗi khi rét đến, đông về dòng chảy tắc nghẽn những phế thải của bã sắn, của bã dong riềng tuôn ra những làng nghề làm miến, làm bột. Theo đó những ngày trở trời, bên sông bốc lên một mùi nồng nàn, ngột ngạt; tỏa ra cả hàng cây số và trở thành nỗi ám ảnh cho bất kỳ ai phải đi ngang qua.

Buồn thay, thương thay, con sông thơ mộng, niềm tự hào của người Hà Nội (xứ Đoài) một thủa, từng vang bóng một thời với những ruộng ngô, đồng mía, bãi dâu… nay cứ đang chết dần, chết mòn; thậm chí có lúc còn trở thành nỗi sợ hãi cho cả miền hạ lưu và những xóm làng bên đôi bờ dòng sông đi qua bởi môi sinh của dòng chảy đang bị bức tử trở thành ô nhiễm. Nỗi niềm, nguồn cơn tức tưởi của sông Đáy từ đâu? Khách quan có thể do nguồn thủy sinh nội tại của sông còn hạn chế mà nguồn nước sông Hồng lại ngày càng bị hạ thấp không thể dẫn nước đổ vào sông Đáy. Nhưng sâu xa của những khách quan ấy hẳn là có liên quan rất nhiều đến việc khai thác cát mất kiểm soát trên dòng sông Cái đỏ ngầu phù sa; khiến cho lòng sông ngày càng bị hạ thấp, nhất là trong mùa cạn, dẫn đến nước sông Hồng khó có thể đi vào sông Đáy, lại càng làm cho lòng sông ngày càng bị bồi lắng, thu hẹp. Còn chủ quan, nguồn nước xả thải của các làng nghề, các cơ sở chăn nuôi, dọc hai bên bờ sông không qua xử lý, đổ thẳng vào sông Đáy cùng với chất thải các loại như những khối u di căn, đây đó đêm ngày vẫn đổ tràn xuống cả dòng sông. Như thế bảo sao sông không chết, sông không khỏi bốc mùi. Lắm hôm, đứng trên cầu Yên Sở (Hoài Đức), hay cầu Phùng (Đan Phượng), nơi ngày xưa tôi thường ngang qua, phóng tầm mắt nhìn ra xa, sông Đáy hiện lên có lúc thấy trơ đáy. Con sông chỉ còn là một dòng chảy rất nhỏ và nông cạn. Sông Đáy giờ đây không còn là con sông của một thời với những mỹ từ “sông trăng hay sông lụa” mà hiện lên trước mắt mọi người với dòng nước xám đen, lầm lì tưởng như muốn ngừng trôi, để mặc cho cỏ cây, hoa lá thỏa sức tung hoành; tỏa mùi khó chịu lan xa trong sự bất lực và bức xúc của không ít dân sinh dọc bên hai bờ dòng chảy.

Tôi vẫn thường nghe nói, sông Đáy được xem không chỉ là nguồn cung cấp nước phục vụ sản xuất và nhu cầu dân sinh mà còn có vai trò quan trọng trong việc tiêu nước cho lưu vực hai bên sông, đặc biệt là giải thoát lũ cho sông Hồng để bảo vệ vùng Thủ đô. Bởi thế đã không ít lần thấy báo chí đề cập đến việc Trung ương và Thành phố tìm cách “hồi sinh” cho sông Đáy. Thấy vậy thì mừng lắm. Chỗ này chỗ nọ trên dòng sông cũng thấy được nạo vét, cải tạo nhưng dường như hãy còn rất chậm. Đây đó những nhà máy xử lý nước thải đổ ra từ các làng nghề cũng đã được làm nhưng vẫn còn chưa kịp, chưa đủ cho nên sự ô nhiễm môi sinh của dòng sông vẫn còn đang hiện hữu. Rồi còn nghe nói, có những làng quê dọc hai bên bờ sông được quy hoạch thành những vùng du lịch, vùng sinh thái; thậm chí còn nghe nói có cả quy hoạch đắp đập sông Hồng để dâng mực nước trong lòng sông… Vậy thì, xem ra tương lai của sông Đáy vẫn còn đó rất nhiều hy vọng. Tương lai như thế xem ra có nhiều nhưng vẫn còn xa. Ô nhiễm và sông chết hiện hữu vẫn đang là điều khó tránh, nhỡn tiền. Hy vọng và mong rằng quy hoạch, kế hoạch sớm triển khai để dòng sông thơ mộng thủa nào lại trở về thành hiện thực. Nhưng xét cho cùng những quy hoạch và kế hoạch triển khai nằm ở tầm vĩ mô còn đây đó ở phần vi mô là nằm trong ý thức của cả chính quyền và cư dân dọc bên đôi bờ sông Đáy. Chính quyền có sâu sát, có quyết liệt, không ngại ngần xử lý vi phạm xả thải; người dân phải coi trọng sự sống của dòng sông như chính sự sống của chính mình để giữ gìn và bảo vệ cho nó thì tương lai của sông Đáy mới bền vững. Nghĩ vậy và tiếp tục hy vọng!

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Phan Ngọc Anh. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Phan Ngọc Anh