Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Nhớ Bưởi

Nguyễn Xuân Trường 10:31 26/08/2024

1. Chúng tôi về Bưởi, khi Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô thành lập vào năm cuối thập niên 60, thế kỷ XX. Các phòng nghiên cứu công nghệ của Viện làm việc trong các dãy nhà cấp bốn của Xí nghiệp giấy Dân Việt, Hợp tác xã giấy Đông Thành, còn phòng thiết kế làm việc tại chùa Hồ Khẩu, xưởng cơ khí đặt ở căn nhà tranh tre gần cổng làng.

do4.jpeg
Không gian trưng bày, tìm hiểu lịch sử nghề truyền thống giấy dó tại điểm đến văn hoá phường Bưởi. (ảnh minh hoạ)

Ngoài những công việc nghiên cứu thuộc các đề tài, dự án cấp Bộ và Nhà nước, nhóm cán bộ kỹ thuật chúng tôi được giao nhiệm vụ cơ giới hóa việc rửa đãi bột giấy và xeo giấy dó của Hợp tác xã giấy Đông Thành. Đó là nhiệm vụ không dễ dàng, song thiết thực và hấp dẫn. Điều đó khiến chúng tôi thêm quyết tâm thực hiện với một kế hoạch tỉ mỉ và thận trọng.

Với sự giúp đỡ của lãnh đạo và những người thợ của HTX, chúng tôi đã hiểu và biết được quá trình sản xuất giấy từ cây dó. Tiếp theo chúng tôi tìm hiểu và ghi chép tại chỗ các thao tác cụ thể của những người thợ rửa đãi bột giấy và xeo giấy với các dụng cụ, trang bị sử dụng, các yếu tố ảnh hưởng đến lao động, các vật tư, nguyên liệu, phụ liệu tham gia vào quá trình sản xuất… Qua đó chúng tôi thấy rõ, rằng rửa đãi bột giấy khá vất vả, nặng nhọc và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe công nhân, còn xeo giấy đòi hỏi sự lành nghề, khéo léo và sự tập trung cao trong thao tác, để một trăm, một nghìn tờ giấy dó có độ mỏng đều và khối lượng một mét vuông tờ giấy như nhau.

2. Ở Bưởi lâu nay giấy dó được làm theo phương pháp thủ công tại các làng nằm ven Hồ Tây, bên sông Tô Lịch, từ Hồ Khẩu, Yên Thái, Võng Thị… đến làng Cót, Nghĩa Đô. Nghề làm giấy bắt đầu từ việc thu mua cây dó về bóc lấy vỏ. Vỏ dó được rửa sạch, ngâm nước và ngâm vôi cho mềm, rồi cho vào nấu trong các vạc để vỏ chín đều.

Sau đó, vỏ được vớt ra rá và đưa đi giã trong các cối đá. Không kể nắng, mưa, sớm, trưa, chiều, tối người thợ giã dó nhịp nhàng, cần mẫn. Bột giấy dó nhuyễn sau khi giã, đưa đi rửa đãi để làm sạch và phân loại. Thao tác rửa đãi bột giấy tương tự như vo đãi gạo, trong các rá to đường kính cạp lên tới một mét và to hơn. Người thợ đứng trong dòng sông Tô Lịch, để cái rá bột giấy lên hai bắp đùi, khom lưng, một tay giữ cặp rá, một tay đảo bột cho tan đều. Dưới tác động cộng hưởng cử động của cặp đùi và tay nâng cạp lên xuống, cái rá bột dập dềnh, lắc lư trong dòng nước. Tức thì các tạp chất và một phần bột nhỏ, mịn thoát ra qua các khe nan rá, bột xơ sợi dài ở lại trong rá. Mỗi mẻ rửa đãi diễn ra khoảng mươi phút đồng hồ.

Bột sau đó đưa sang kéo tàu. Đó là động tác khuấy trộn bột cho đều trong bể chứa với nước và chất nhớt của gỗ mò. Nghe tiếng soàn soạt kéo tàu và tiếng nước bột khoắng trong bể, người thợ biết bột dó nở, tan thế nào thì dừng khuấy đảo bột, và cấp bột để xeo giấy. Người thợ xeo giấy bằng liềm đồng hay liềm trúc (là các tấm lưới với các sợi dây đồng hay nan trúc đan vào nhau xung quanh là khung gỗ). Sau một ngày xeo xong một bể bột thể tích một phẩy hai mét khối. Các tờ giấy sau khi xeo xếp lên nhau thành từng chồng, rồi tiến hành nén ép thành từng chồng cho nước thoát ra đến độ khô nhất định. Từng tờ giấy, hay một xếp giấy được can phơi là thao tác tì miết giấy lên bề mặt phẳng tường nhà để hong khô. Khi trời nắng, giấy khô nhanh. Từng tờ hay xếp giấy tự bong ra khỏi bề mặt phẳng hoặc được người thợ bóc, tách tờ nhẹ nhàng. Sau chọn lựa, giấy dó thành phẩm được đếm, bọc thành từng gói, có gói trăm tờ, có gói nghìn tờ với kích thước định trước tùy theo yêu cầu tiêu thụ.

3. Sau thời gian tìm hiểu thực tế sản suất giấy dó và tham khảo tài liệu kỹ thuật, chúng tôi đã thiết kế, thử nghiệm các cơ cấu khác nhau để rửa đãi bột giấy dó. Cuối cùng máy rửa đãi đã ra đời và đưa vào sản xuất thành công ở HTX giấy Đông Thành đầu năm 1971. Các thao tác khuấy đảo, làm sạch, phân loại bột được cơ giới hóa hoàn toàn. Bột giấy đã rửa đãi bằng máy đáp ứng các yêu cầu xử lý tiếp theo: kéo tàu, xeo giấy, ép uốn, can phơi…

Điểm nổi bật của máy rửa đãi là việc sử dụng, bảo quản, tu sửa…thuận tiện và dễ dàng, phù hợp với trình độ và trang thiết bị ở các cơ sở làm giấy vừa và nhỏ. Máy được thiết kế, chế tạo tại HTX giấy Đông Thành từ các vật tư thông dụng. Máy rửa đãi hoạt động ổn định, phục vụ tốt sản xuất là minh chứng của sự hợp tác hiệu quả nghiên cứu khoa học và sản xuất. Kết quả này được ghi nhận và
đánh giá cao của lãnh đạo và các xã viên HTX, được các cấp quản lý thành phố quan tâm, chỉ đạo. Một đoàn cán bộ thành phố do đồng chí Bí thư Thành ủy dẫn đầu đã về thăm chúc mừng và động viên HTX Đông Thành.

Trong các việc được giao, còn việc cơ giới hóa xeo giấy dó chưa kịp làm vì chúng tôi phải đi sơ tán xa Hà Nội. Nhớ Bưởi, chúng tôi lại nhớ những người thợ và các vị lãnh đạo HTX giấy Đông Thành với không khí làm việc hăng say thời chống Mỹ, cứu nước.
Họ đã duy trì và phát triển sản xuất giấy dó, một sản phẩm lưu giữ sự thông minh và tâm hồn người Hà Nội qua nhiều tháng năm của lịch sử. Những con người ấy và lao động của họ là nguồn cảm hứng cho sự sáng tạo trong nghiên cứu và triển khai của các cán bộ kỹ thuật ngành giấy nước ta. Nhớ Bưởi, chúng tôi lại nhớ câu ca dao mà ở Kinh đô Thăng Long xưa, Hà Nội ngày nay hầu như ai cũng thuộc:

“Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ”./.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Nguyễn Xuân Trường. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Nguyễn Xuân Trường