Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Hà Nội 70 mùa thu yêu dấu

Phạm Thanh Liễu 30/06/2024 07:36

Tháng mười, mùa thu đã đến! Trời xanh êm và gió mát trong lành. Lòng tôi thấy yêu thương quá đỗi. Yêu thương mùa thu Hà Nội, nhất là những ngày thu tháng mười; có một kỷ niệm vô cùng tươi đẹp: Ngày 10 tháng 10 - Ngày giải phóng Thủ đô. Năm nay Hà Nội tưng bừng kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô, người Hà Nội cũng háo hức đợi chờ.

e7d9fn5m.png
Thấm thoát Hà Nội yêu dấu của tôi cũng đã được 70 mùa thu cùng với bao sự đổi thay kỳ diệu...

Tôi nhớ lại ngày giải phóng đầu tiên của Thủ đô Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 1954, lúc đó tôi mới lên tám tuổi, được theo mẹ ra phố đón đoàn quân bộ đội từ chiến khu về giải phóng Thủ đô. Mẹ cho tôi mặc bộ quần áo mới, tay cầm lá cờ đỏ sao vàng xinh xắn ra vẫy chào các chú bộ đội. Nhiều cô gái Hà Nội đẹp xinh trong tà áo dài ôm hoa tặng cho các chú bộ đội. Mẹ tôi vui tươi cười nói: “Con gái ơi! Hòa bình rồi, các anh bộ đội cụ Hồ đã về giải phóng thủ đô, cuộc sống được tự do sung sướng, không còn ách nô lệ của thực dân Pháp nữa. Hòa bình rồi có ăn cháo cũng thật là sung sướng”.

Gia đình tôi là một gia đình nghèo ở trong ngõ nhỏ của Thủ đô, bố tôi làm công nhân hỏa xa ở ga Hà Nội, mẹ tôi ở nhà nội trợ nuôi dạy đàn con lít nhít, mẹ tôi lại không biết chữ. Khi Thủ đô Hà Nội được giải phóng và có nhiều lớp học bình dân học vụ mở ra, mẹ tôi được đến lớp học xóa mù chữ. Chỉ một thời gian ngắn, mẹ đã biết đọc, biết viết, mẹ tôi mừng lắm, và tôi cũng được mẹ tôi cho đến trường học lớp vỡ lòng. Tôi còn nhớ buổi họp phụ huynh đầu tiên, mẹ đi họp thấy cô giáo chủ nhiệm dạy tôi rất trẻ và xinh, mẹ tôi ngạc nhiên quá, về nhà mẹ cứ khen tấm tắc: “Con gái mà được làm cô giáo thì giỏi quá! Nhà cô ấy phúc đức quá”. Rồi mẹ quay sang tôi trìu mến nói: “Con cố gắng học giỏi để mai kia làm cô giáo nhé, để mẹ cha được sung sướng nở mày nở mặt với láng giềng”.

Tôi nghe lời mẹ, cố gắng học hành chăm chỉ để đến mùa thu năm 1963 tôi đã đỗ vào trường Sư phạm Hà Nội. Sau hai năm học tập, đến mùa thu 1965 tôi đã trở thành cô giáo thỏa nguyện được ước mơ của mẹ.

Thế rồi, thấm thoát Hà Nội yêu dấu của tôi cũng đã qua 70 mùa thu cùng với bao sự đổi thay kỳ diệu. Một Thủ đô Hà Nội còn nghèo nàn lạc hậu từ những năm đầu mới giải phóng - Hà Nội ngày nay đã lớn mạnh không ngừng, nhiều công trình được xây dựng khang trang, to đẹp. Nhiều nơi như hồ Bảy Mẫu ở khu phố Hai Bà Trưng, hồ Thành Công ở khu phố Ba Đình trước ngày giải phóng chỉ là nơi hoang vu vắng vẻ, nhờ sức người Hà Nội, gái trai mười tám, đôi mươi tham gia gánh đất, gánh gạch, trong đó có cả tôi, cũng tham gia xây dựng, cải tạo hồ Bảy Mẫu thành công viên Thống Nhất to đẹp nhất nhì Thủ đô. Bên cạnh Công viên Thống Nhất là trường đại học Bách Khoa của Hà Nội ra đời. Nơi đào tạo hàng nghìn kỹ sư tài giỏi phục vụ xây dựng đất nước.

Trước đây nghĩa trang Hợp Thiện ở phường Vĩnh Tuy rộng hàng chục hécta cũng đã được nhân dân Hà Nội góp công, góp sức xây dựng thành nhà máy dệt mùng 8 tháng 3 - Nay đã thành một khu chung cư cao cấp, khu đô thị Times City, nơi đáng sống của nhiều cư dân Hà Nội. Nơi có nhiều cây xanh, bóng mát, vườn hoa nở bốn mùa, có trường học và bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế.

Hà Nội đã qua 70 mùa thu yêu dấu. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, cuộc sống của người Hà Nội ngày càng no ấm, được ăn gạo ngon và mặc đẹp, ai cũng được học hành, không một ai bị bỏ lại phía sau. Vào tháng 3 năm 1973, đế quốc Mỹ phải rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam. Nhân dân Hà Nội đã làm theo lời kêu gọi của Bác Hồ và Đảng cộng sản Việt Nam đứng lên, đồng lòng xây dựng Hà Nội ngày càng đàng hoàng to đẹp. Năm 2008, Hà Nội mở rộng địa giới hành chính lên thành 30 quận, huyện, thị xã. Được xây mới nhiều cây cầu bắc qua sông Hồng và mới đây xây dựng được tuyến đường sắt đô thị trên cao - Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội giúp cho nhân dân đi lại thuận tiện, giao thông được thông suốt, an toàn, xanh, sạch đẹp.

Cứ mỗi mùa thu đến, tưởng nhớ đến mẹ, tôi càng thêm yêu Hà Nội, thêm yêu mái trường xã hội chủ nghĩa của chúng ta; Nơi nuôi dưỡng tôi trở thành cô giáo, đã dạy dỗ hơn một nghìn em học sinh trong hơn 36 năm dạy học.

Dù có đi đâu, lòng tôi luôn nhớ về Hà Nội nhất là mùa thu Hà Nội, trong tôi luôn vang lên bài hát với những ca từ của nhạc sỹ Hoàng Hiệp viết về Hà Nội: “...Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội/ Hà Nội của ta Thủ đô yêu dấu/ Một thời đạn bom/ Một thời hòa bình.”./.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Phạm Thanh Liễu. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Phạm Thanh Liễu