Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Nỗi niềm vào thu

Giang Phong 11:31 07/06/2024

Vào mùa thu này, Hạ đã bước vào tuổi 39. Ba mươi chín tuổi với một người đàn bà mà chưa có chồng, ta thường gọi là gái ế, gái lỡ thì, là kịch khung của nhỡ nhàng.

4acomthu.jpg
Cốm làng Vòng, được làm từ nếp cái hoa vàng, là loại lúa non, không được non quá, cũng không được là bánh tẻ, đúng như thế lúa mới được cắt về...

Vì sao Hạ phải chịu hẩm hưu thế? Tại số? Tại trời? Hay tại tính nết? Hay nhan sắc không ai muốn nhìn xấu xí, không phải thế. Ở cái làng Vòng này, Hạ là cô gái xinh nhất trong 4 thôn Vòng, gồm Vòng Tiền, Vòng Trung, Vòng Hậu, Vòng Sơ? Hạ là con gái thôn Vòng Hậu. Cô được kế thừa sắc đẹp của mẹ.

Mẹ Hạ, có sắc đẹp nổi tiếng đất Hà thành. Chả thế mỗi lần quẩy cốm vòng vào nội thành, đi trong các phố cổ, chả mấy chốc đã bán hết gánh cốm trong ngày, vì rằng cốm làng Vòng Hậu ngon, vì rằng người bán cốm xinh đẹp. Người ta thường kể, mẹ Hạ quẩy gánh cốm đi trước, anh họa sĩ lặng lẽ bước theo sau, để trộm ngắm sự thướt tha, nền nã của thắt đáy lưng ong, đẫm trong sương thu, hương thu, hương cốm… rồi anh họa sĩ muốn được ngắm gương mặt búp sen của mẹ Hạ, anh vượt chặn bước đi của mẹ Hạ.

- Ơ… bà ngơ ngác nhìn họa sĩ, - ông…

- Vâng, tôi muốn mua cốm.

Mẹ Hạ đặt gánh cốm xuống, bà bốc cốm đặt vào lá ráy xanh mát, để giữ cho cốm khỏi khô, và không phai mầu ngọc bích của cốm. Đôi bàn tay thoăn thoắt, gói buộc như múa trên màu sắc thoang thoảng hương thu.

Anh họa sĩ cầm gói cốm trả tiền, rồi ríu rít với mẹ Hạ:

- Em đẹp lắm. Tôi là họa sĩ, tôi muốn mời em là người mẫu cho tôi vẽ.

Mẹ Hạ thẹn thùng cúi mặt, giấu gương mặt búp sen:

- Không được, thưa ông, tôi phải đi bán hàng – rồi bà đứng dậy quẩy quanh lên vai.

Họa sĩ lập cập, hốt hoảng, như sợ báu vật rơi mất:

- Tôi… tôi sẽ mua cả gánh cốm này…

Mẹ Hạ bước đi…:

- Không được thế đâu, các phố, các ngõ đang chờ tôi…

Rồi mẹ Hạ bước đi khoan thai, nền nã. Anh họa sĩ cứ nhìn theo ngơ ngẩn…

Hạ giống mẹ, đẹp như mẹ, nhưng sắc sảo, hiện đại hơn của thời mở cửa. Sắc đẹp của mẹ Hạ, là sắc đẹp của cổ kính, không phai tàn, còn Hạ, là sắc đẹp gần gũi với đời thường, sang trọng, thanh lịch của đất kinh kỳ, nhưng cũng vồn vã, níu gọi của thời cơ chế thị trường.

Những chàng trai đến xin cầu hôn, là những người chững chạc, đứng đắn, đã từng trải trong cuộc sống và đáng tin cậy cho những người đàn bà nào được làm vợ họ. Đó là ông Đại tá pháo binh về hưu, là nhà nghiên cứu ngôn ngữ, chỉ còn vài tháng nữa là được nghỉ theo chế độ, là ông giáo dạy sử ở trường phổ thông trung học. Họ đều là những người đàn ông đứng đắn, có người mải nghiên cứu, quên cả yên bề gia thất, có người muốn tục huyền để giữ tiếp tổ ấm cho các con. Thậm chí có anh chàng họa sĩ kém Hạ 10 tuổi, còn trinh nguyên mê mải theo đuổi Hạ nhưng không thành.

Hạ không phải là gái ế…

Chỉ có người dân thôn Vòng Hậu là hiểu được sự thật cao thượng này của Hạ.

Khi mẹ Hạ ở phút cuối lâm chung, Hạ hỏi mẹ, mẹ còn dặn con điều gì nữa? Mẹ Hạ nói, mẹ thanh thản rồi. Mẹ đã truyền nghề làm cốm của nhà ta, của làng ta cho con, thế là mẹ yên tâm,… con giữ lấy nghề tổ. Đừng để thất truyền… rồi mẹ lặng lẽ thanh thản ra đi…

Câu ca dao xưa, nói về đặc sản của các vùng miền, họ vẫn thường nhập tâm:

Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì.

Tương Bần, húng Láng, còn gì ngon hơn.

Cốm làng Vòng, được làm từ nếp cái hoa vàng, là loại lúa non, không được non quá, cũng không được là bánh tẻ, đúng như thế lúa mới được cắt về.

Hương cốm, thơm, ngọt vị, lên sắc, cùng với hương hoa sữa, với gió heo may, và những câu hát mùa thu Hà Nội hòa quyện với nhau làm nên một mùa thu Hà Nội lãng mạn, một nét văn hóa đã khắc sâu vào tâm hồn người kinh kỳ…

Đúng thời điểm, cắt lúa non đem về, đem hạt giã đến 7 lần. Nhưng đến lần thứ 5 thì phải phân loại, thành 3 loại cốm: cốm rót, cốm non, cốm già. Sau đó mới giã riêng từng loại. Giã nhẹ tay quá cốm không tróc vỏ, giã mạnh quá, nát cốm. Công việc này hết sức tinh tế, khó khăn. Phải cầm tay chỉ việc. Sai vụ này, lại phải chờ một năm sau khi vào thu mới lại bắt đầu rút kinh nghiệm từ vụ năm trước.

Được cốm rồi thì gói lá ráy xanh và mát, giữ cho cốm khỏi khô và không phai màu xanh ngọc bích. Lớp ngoài bọc lá sen, có hương thơm thoang thoảng. Rồi gánh cốm quẩy đi bán ở các phố, các ngõ… thư thái thanh cao, trong trẻo của mùa thu Hà Nội.

Nghề làm cốm theo truyền thuyết có từ thời vua Lý Thái Tổ.

Truyền thuyết kể rằng… thời ấy lũ lụt, lúa ngập các cánh đồng. Có một chàng trai đã ngâm mình trong nước cắt lúa mang về, tuốt những hạt rang lên và giã ra cho người mẹ già ăn, để qua cơn đói trong nạn hồng thủy. Cách làm này thành cốm, có vị thơm ngon, dẻo. Chàng trai loan truyền cách làm này cho dân làng làm theo… nghề làm cốm ra đời từ sự khốn cùng ấy. Tương truyền lan đến kinh thành nhà Vua. Vua mời chàng trai vào cung làm thử. Và đến mùa thu sau, dân làng Vòng Hậu, làm mẻ cốm đầu tiên, dâng lên Vua. Vua ăn khen ngon, và ban khen dân làng Vòng có đặc sản độc đáo…

Truyện của Hạ, cô gái làng Vòng lỡ dở, cô không thể đi lấy chồng, bỏ làng theo chồng được. Cô chịu lỡ dở để giữ lấy nghề tổ, truyền được nghề tổ cho người trong gia đình, cho người trong làng, thì mới yên lòng yên dạ.

Cốm làng Vòng, vẫn còn giữ được thương hiệu như ngày nay là đặc sản văn hóa của đất Hà thành, Thủ đô văn hiến ngàn năm có công đóng góp giữ gìn và phát triển của người dân làng Vòng xưa và nay.

Nghĩ về Hà Nội, người dân trong nước, những Việt kiều ngoài nước và những sinh viên, cán bộ sang Việt Nam làm việc, đều nhắc đến cốm làng Vòng./.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Giang Phong. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Giang Phong