Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Cái ngày tôi chia xa Hà Nội

Lê Ngọc Sơn 06/06/2024 10:04

Tôi dừng xe chống chân đợi trong dòng người hối hả giờ tan tầm. Đường tắc. Tháng sáu, hơn năm giờ chiều, trời vẫn còn nóng hầm hập. Mồ hôi chảy thành dòng và bụi bám dính lấy da người. Mồ hồi ướt đẫm manh áo sơ mi mỏng và hơi nóng từ mặt đường nhựa bốc lên bỏng rát mặt. Khói từ những ống bô xả xám xịt, khét mùi, đậm đặc. Còi xe inh ỏi, ngột ngạt quá, tôi thấy như mình đang khó thở.

be16ec44af042b67a5c8ecc8b6b434ab.jpg
Tôi chợt nhớ về bài hát “Hà Nội và tôi” với lời ca da diết sao hợp với lòng mình tới vậy. Tôi rời đi mà trong lòng bao tiếc nuối... (Ảnh minh họa)

Đó là hồi tôi mới tốt nghiệp đại học. Năm năm trời từ tỉnh lẻ lên Thủ đô học tập, gắn bó thời sinh viên sôi nổi với mảnh đất Thủ đô. Những cơn mưa rầm rập, mưa xối xả cuối tháng chín, đứng đợi dưới hàng hiên lớp học. Đi qua mùa thu, qua những cơn mưa bất chợt, đi qua tháng năm tuổi trẻ, tự nhiên thôi, tình cảm với mảnh đất này vun lên ngày một.

Những ngày trời vào thu. Tháng Tám bộn bề những ước hẹn. Có nắng vàng rộm. Có hương cốm thơm bùi. Những vòng xe đi qua mùa phượng cháy. Tiếng ve tắt lịm. Chợt thu sang nhuộm nắng vàng mật ong. Tôi nhớ thuở nào đạp xe trên phố. Nhẹ đôi vai chưa vương vấn bụi trần. Vòng xe quay đều. Nhằn nhặn nhấm từng hương vị góc phố. Hương vị trong trẻo ngọt bùi của thơ ngây, của những ngày đầu bỡ ngỡ. Chưa biết chi. Ấy vậy mà tràn ngập muôn ngả sắc thu. Vàng óng ả. Tôi ngập tràn. Tôi chới với. Tôi yêu. Dồn dập. Một mùa thu trong trẻo. Đẹp thế. Muôn lối. Nhớ mãi không thôi. Cảm xúc về mùa thu Hà Nội năm 2004 hồi tôi còn là sinh viên năm thứ nhất Đại học Bách khoa Hà Nội khi đạp xe ngang qua góc phố ngã tư Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch còn vương vấn như mới ngày hôm qua.

Ở Hà Nội có các bạn của tôi, có những cơ hội tuyệt vời mà đất quê không thể cho tôi. Và có hứa hẹn về một tương lai mà sự quyết tâm ở thời điểm đó trong tôi có thừa. Thế mà chỉ vì một lần tắc cứng đường hít khói bụi tôi đã có ý quay đầu? Có phải lần đầu tiên thưởng thức đặc sản này đâu. Ý nghĩ này hẳn đã âm thầm chảy nhẹ nhàng ẩn khuất trong tôi lúc nào không rõ.

Thời sinh viên dài dằng dặc, bước chân vào, chưa nghĩ tới ngày ra. Thế nhưng năm năm ngẫm lại, như cơn gió thoảng. Nhanh quá. Bất chợt bảo vệ tốt nghiệp, bất chợt uống những cốc bia với bạn cùng lớp ngày chia tay. Bất chợt thay đổi hết nếp sống bao nhiêu năm trời. Bất chợt, tôi viết đơn xin việc và đi rải khắp các nơi. Không một lời hứa hẹn, không một nơi nhận trước.

Nhớ tới năm cuối đại học, tôi cũng như bao bạn tham dự các buổi giới thiệu tuyển dụng của các công ty thời đó. Nào là Intel, Unilever, P&G… Hồi đó chỉ có những gương mặt “siêu sao” mới lọt tới vòng cuối của các công ty này. Tuy nhiên hầu hết do yếu tiếng Anh nên không thể vượt qua vòng phỏng vấn với chuyên gia nước ngoài. Nhớ lại thật buồn khi mà toàn bộ sinh viên khóa tôi học mà không một ai được Intel tuyển chọn để đi làm thực tập sinh cho họ.

Tôi nghĩ các thầy cô đã trang bị một kiến thức chuyên môn tốt. Bằng chứng là rất nhiều bạn vượt qua vòng thi kỹ thuật. Đề thi khá khó và phải nhờ bạn bên cạnh nhắc cho tôi mới qua được. Nhưng tới vòng phỏng vấn với chuyên gia thì để nghe được họ nói gì đã là khó, chứ nói gì tới trình bày và thể hiện khả năng của mình. Bây giờ thì các bạn sinh viên hẳn đã là khác rồi, bởi tôi thấy mới lớp mười mà các cháu đã ôn thi IELTS.

Quê tôi miền Trung, đất xứ Thanh nổi tiếng hiếu học, học giỏi để thoát nghèo. Thoát rồi thì thường ít người trở lại. Vì trở lại thì có đâu cơ hội mà thoát nghèo! Đất giờ đã khác, người ở các tỉnh khác, kể cả Thủ đô cũng về đây để “thoát nghèo”. Nhưng số này ít, cơ hội vẫn nằm ở các thành phố lớn, chủ yếu là ở Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Những điểm sáng trên bản đồ vệ tinh Việt Nam về đêm là hai đầu đất nước và các thành phố lớn ven biển. Ban đêm rực rỡ cũng là nhịp sống của đô thị và ở đó là nơi tập trung công việc, tinh hoa và ồn ào của đất nước. Có lần chen chân vào phố bia Tạ Hiện về đêm mới thấy được cái hối hả của mọi người tận hưởng cuộc sống.

Tôi rời căn gác trọ, xuống nhà xách chiếc xe hòa vào dòng người đang lao đi xuôi ngược trên đường. Buổi chiều có một công ty hẹn phỏng vấn. Tôi tìm thấy công ty này đăng tuyển dụng trên một tờ báo mục việc cần người. Ông sếp còn trẻ, văn phòng cũ kỹ. Đưa tôi tờ báo dưới gầm bàn rồi bảo dịch ngược dịch xuôi. Nói chuyện một hồi thì ông ấy bảo em cứ về đi. Có lẽ cái bằng đỏ của tôi làm ông sếp lấn cấn. Lại một nơi nữa xôi hỏng bỏng không.

Cái sự hăm hở kiếm việc của tôi sau khi ra trường dần xẹp xuống khi va chạm vào thực tế ảm đạm của thị trường lao động. Năm đó là 2009. Kinh tế cắm đầu lao dốc sau mấy năm bùng nổ. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu với “khoảnh khắc” Lehman Brothers tuyên bố phá sản.

Một công ty đang tuyển chân vẽ CAD. Chả có liên quan gì tới ngành tôi học, ngành tự động hoá. Tôi võ vẽ biết tý chút. Cùng cực tôi cũng rải đơn. Rải buổi sáng thì chiều được gọi luôn, hí hửng tưởng ngon rồi. Thế nhưng bên đó nghĩ sao chỉ hỏi dăm ba câu lại thôi. Cái nhiệt tình hăm hở của tôi trái ngược hoàn toàn với cái dửng dưng của nhà tuyển dụng. Hi vọng phồng lên rồi xẹp xuống, trong một buổi chiều. Buổi chiều hôm ấy sao buồn bã thế.

Có lẽ nào tôi phải rời Hà Nội để tìm cho mình một cơ hội. Tôi chợt nhớ về bài hát “Hà Nội và tôi” với lời ca da diết sao hợp với lòng mình tới vậy. Tôi rời đi mà trong lòng bao tiếc nuối.

Hà Nội ơi! Hà Nội ơi !

Cái ngày tôi chia xa Hà Nội

Giờ ra đi mới thấy lòng tiếc nuối

Những kỷ niệm một thời nông nổi

Cứ thôi thúc hoài, khắc khoải nơi trái tim./.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Lê Ngọc Sơn. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Lê Ngọc Sơn