Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Dưới chân tượng đài Ngô Quyền

Nguyễn Đình Trọng 08:58 03/06/2024

Trong chuyến công tác tại Trường Sĩ quan Pháo Binh, tranh thủ thứ bảy được nghỉ tôi đi tham quan thị xã Sơn Tây - nơi được coi là trung tâm văn hóa xứ Đoài. Sau một ngày khám phá những địa danh nổi tiếng như làng cổ Đường Lâm, đền Và, chùa Khai Nguyên, kết thúc tại thành cổ Sơn Tây.

fa5bxhqq.png
Lăng Ngô Quyền tại Đường Lâm.

Ngồi nghỉ tại vỉa hè của nhà hàng Hoa Sữa, nhìn sang bên kia đường là vườn hoa trung tâm thị xã. Hôm đó, tôi rất ấn tượng và bị cuốn hút từ đầu cho đến cuối bởi các bạn trẻ trường Trung học phổ thông Sơn Tây, họ đang tập văn nghệ ở ngay dưới chân tượng đài vua Ngô Quyền. Tiết mục của các bạn ấy là liên khúc gồm những bài hát cách mạng được sắp xếp theo chủ đề tư tưởng rất rõ ràng, diễn tiến theo dòng lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Tôi đoán có thể đây là tiết mục các bạn ấy sẽ biểu diễn trong dịp lễ kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô, hoặc có thể là một nội dung học tập các môn văn học, lịch sử thể hiện dưới dạng sân khấu hóa, một phương pháp học tập được các thầy, cô giáo ở nhiều nhà trường áp dụng hiện nay.

Việc lấy cảm hứng từ lịch sử, cuộc đời của những nhân vật anh hùng dân tộc làm bối cảnh, chất liệu sáng tác trong văn học, nghệ thuật, âm nhạc, điện ảnh không phải là mới. Nhưng tôi đặc biệt ấn tượng với các bạn trẻ Sơn Tây bởi vì tiết mục do chính các bạn tự lên chương trình, xây dựng kịch bản, lựa chọn âm nhạc, tự giác luyện tập với thái độ rất nghiêm túc mà không phải do cô giáo, thầy giáo hay một đạo diễn nào hướng dẫn, chỉ đạo.

Khánh Ngân (theo cách gọi của các bạn trong nhóm nhảy) - cô gái có mái tóc tém rất cá tính, khuôn mặt trái xoan, làn da trắng hồng, đôi môi hình trái tim và đôi mắt rất sắc sảo. Trong trang phục áo trắng ngắn, bó sát lấy thân người, quần đen ống rộng chít gấu, tôn lên vẻ thanh lịch, duyên dáng, mạnh mẽ của một vũ công. Bạn ấy là chỉ huy của nhóm nhảy này. Khánh Ngân vừa dàn dựng chương trình, vừa làm mẫu và uốn chỉnh từng cử chỉ cho các bạn.

Bằng ngôn ngữ hình tượng của cơ thể kết hợp với âm nhạc, các bạn trẻ đang hóa thân và cố gắng tái hiện hình ảnh những anh hùng gắn liền với những chiến công hiển hách của dân tộc. Mở đầu tiết mục là hình tượng vua Ngô Quyền, người con kiệt xuất, niềm tự hào của quê hương Sơn Tây nói riêng và cả dân tộc Việt Nam nói chung, đang uy nghi đạp lên đầu ngọn sóng, tay để trên đốc kiếm, mắt nhìn về phía Biển Đông dõi theo nhất cử, nhất động của kẻ thù. Chắc các bạn ấy muốn nhắc nhớ về chiến công oanh liệt trên sông Bạch Đằng năm 938, chấm dứt hơn một ngàn năm bắc thuộc, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam.

Khi giai điệu âm nhạc thay đổi, những vũ công nghiệp dư lại hóa thân thành những chiến binh Tây Sơn thần tốc từ Nam ra Bắc đại phá quân Thanh, rồi những chiến sĩ tự vệ thành với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, sẵn sàng ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch trong cuộc chiến bảo vệ Hà Nội những ngày đầu toàn quốc kháng chiến năm 1946. Chính Khánh Ngân là người hóa thân thành nữ dân quân sao vuông trong bài hát “Bài ca Hà Nội” của nhạc sĩ Vũ Thanh. Ánh mắt tươi sáng, nét mặt hiên ngang trong khí thế của những ngày Hà Nội sục sôi đánh Mĩ.

Sau mỗi lần tập, các bạn lại tự rút kinh nghiệm, tự sửa động tác cho nhau, rồi cùng bàn bạc cách biểu đạt trạng thái tâm lý, tình cảm, khí phách của những nhân vật lịch sử sao cho sát nhất, đúng nhất với hoàn cảnh khi đó. Và chính các bạn ấy cũng không biết mình đã hóa thân vào những nhân vật lịch sử của dân tộc một cách tự nhiên nhất, chân thật nhất và hiệu quả nhất từ lúc nào.

Tiết mục văn nghệ là sự kết hợp giữa truyền thống với hiện đại. Những bài hát cách mạng được phối lại theo giai điệu trẻ, kết hợp những điệu nhảy tân thời, làm cho nội dung tưởng chừng khô cứng của lịch sử dân tộc được tái hiện một cách sinh động, mềm mại, sâu lắng.

Sự độc đáo trong ý tưởng, tươi trẻ trong cách thể hiện và thông điệp truyền tải sâu sắc, cộng với tinh thần luyện tập nghiêm túc, các bạn trẻ ở Sơn Tây đã khơi dậy được ngọn lửa tự hào về truyền thống của một Hà Nội ngàn năm văn hiến, của dân tộc Việt Nam anh hùng. Không chỉ có tôi mà rất nhiều người có mặt ở đó cũng cảm thấy tự hào và ấn tượng sâu sắc với các bạn ấy.

Việc làm của các bạn là cách thể hiện sinh động nhất lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, là biểu hiện của lòng biết ơn, trân trọng những công lao đóng góp của lớp lớp thế hệ tiền nhân trong công cuộc dựng nước đi đôi với giữ nước hàng ngàn năm qua.

Hiện nay với quyết tâm chấn hưng văn hóa rất cao của Đảng và Nhà nước ta, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, sự mạnh dạn đổi mới phương pháp dạy và học các nội dung lịch sử, văn học trong hệ thống các nhà trường và quan trọng hơn là sự nỗ lực cố gắng đến từ chính các bạn trẻ. Tôi hoàn toàn có cơ sở tin tưởng rằng truyền thống văn hiến của người Hà Nội sẽ được tiếp nối từ đời này qua đời khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Truyền thống đó sẽ ăn sâu vào trong lối sống, nếp nghĩ, cốt cách, tâm hồn người Hà Nội, tạo lên nét đặc trưng, sự khác biệt riêng có không thể trộn lẫn của người dân Thủ đô hào hoa, thanh lịch những cũng rất đỗi anh dũng, kiên cường. Truyền thống văn hiến đó đang được chính các bạn trẻ tiếp nối như mạch nguồn vô tận ngay dưới chân tượng đài vua Ngô Quyền. Và chính các bạn trẻ đó đã trở thành một phần rất đẹp của Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại./.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Nguyễn Đình Trọng. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Nguyễn Đình Trọng