Làng tôi: Quê chị Dậu
Nhân vật chị Dậu của nhà văn Ngô Tất Tố là một nông dân sống dưới thời thực dân phong kiến nghèo đến cùng cực của cảnh nghèo, tại cái làng cũng túng bấn nghèo đói không kém. Đó là làng Lộc Hà. Nay mặc dù Lộc Hà (thuộc Đông Anh, Hà Nội) đã mang bộ mặt mới, dân trong vùng vẫn gán cho cái tên “Quê chị Dậu”. Biệt danh “Quê chị Dậu” giúp mọi người nhớ đến sự túng bấn, nghèo đói, mù chữ một thuở của làng.
Sau 1954 làng Lộc Hà thoát khỏi ách thực dân, phong kiến. 100% trẻ con trong làng được đi học, Mỗi năm học có 2 học kỳ. Tôi không nhớ vào năm nào các cháu có thêm “Học kỳ 3”.
Mở đầu “Học kỳ 3” là ngày Quốc tế thiếu nhi mồng 1 tháng 6. Đây là học kỳ đặc biệt. Học sinh tạm xa trường, xa lớp, xa phấn trắng bảng đen, tạm biệt sách vở thân yêu bước vào những ngày hè vui chơi thoải mái, múa hát rộn ràng, đắm mình vào khung cảnh các buổi tối ở nhà văn hoá, ở sân đình dưới ánh đèn cao áp lung linh sáng hơn trăng rằm, xua tan hết những áp lực, căng thẳng của bài vở. Trong ngày hè các em chơi mà vẫn học, học mà vẫn được chơi.
Ngày cuối tuần nào cũng vậy, các em tham gia hoạt động xã hội, vệ sinh đường làng, chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ dưới sự dìu dắt, hướng dẫn của các anh các chị phụ trách ở từng xóm. Dịp hè được tham gia các họat động bổ ích, từ đó các em tích lũy được nhiều kỹ năng sống chuẩn bị mai sau bước vào đời.
Dịp cuối hè, kết thúc học kỳ 3, các anh chị phụ trách tổ chức hội diễn văn nghệ, các đội báo cáo kết quả rèn luyện trong những tháng hè vừa qua.
Tối ấy vui lắm. Ngay từ chiều khi hoàng hôn buông xuống, những tia nắng cuối ngày còn cố hắt lên bầu trời, tiếng trống ếch đã vang lên nâng bước đàn em thơ tung tăng về sân đình, về với tuổi thần tiên.
Từ các ngõ xóm những bím tóc, những chiếc nơ hồng, nơ xanh xinh tươi như những cánh bướm vô tư hồn nhiên, những bước chân tung tăng trên đường làng ùa về điểm hẹn với bao ước mơ của tuổi thơ.
Tôi đưa mấy cháu nhỏ ra sân đình. Thoắt cái chúng đã lẫn trong đám bạn bè cùng trang lứa, hoà vào đêm hội diễn. Ngồi trên ghế đá góc sân đình ngắm các cháu vui chơi nói cười ríu rít trong tiếng trống ếch rộn ràng, tiếng đàn réo rắt, tiếng hát du dương, nhịp múa uyển chuyển. Tôi buồn rầu nhớ lại tuổi thơ của mình năm xưa...
Thuở ấy chưa xa lắm, tôi và các bạn bằng tuổi các cháu bây giờ sống trong khung cảnh đất nước bị phong kiến, thực dân đô hộ, cái đói, cái nghèo, cuộc sống lạc hậu, lam lũ đã nhấn chìm tuổi thơ thế hệ chúng tôi. Bọn tôi đã chẳng được học hành, lại không được vui chơi, múa hát như đám trẻ bây giờ giữa sân đình như hôm nay.
Hồi ấy tôi tuy bé nhưng cũng đã biết tại sân đình này tiếng trống thu thuế dồn dập vang lên liên hồi như tiếng sấm dội xuống làng, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, phụ họa cho tiếng tù và ảm đạm, tiếng quát tháo đinh tai nhức óc, tiếng bước chân rầm rập của bọn cai lệ đến tận từng mái tranh xơ xác thúc sưu đòi thuế.
Ngày cũng như đêm, tiếng chó sủa khắp làng gây nên không khí ngột ngạt, thê lương trùm lên kiếp người nông dân khốn cùng dưới ách bọn phong kiến thực dân.
Trước Cách mạng tháng 8, cảnh “ Nửa đêm thuế thúc trống dồn” đã vùi người nông dân Việt Nam nói chung, dân Lộc Hà nói riêng vào cuộc sống đêm dài tối tăm mù mịt, tủi nhục, buồn đau, sưu cao thuế nặng. Mọi người thì thầm với nhau:
Có làm mà chẳng có ăn
Có ngày mà sống tối tăm mịt mù
Tôi nhớ mãi bữa ấy. Nơi sân đình trống thúc sưu đòi thuế từng hồi vang lên như sấm rền. Bố tôi rầu rầu lê bước ra khỏi nhà. Cả nhà rầu rĩ. Tôi sợ sệt nép vào ông nội. Một hồi lâu bố thất thểu về ông tôi hỏi “Đóng thuế xong có dư đồng nào không bố nó?”. Bố buồn rầu “Dạ thưa thầy phải nộp cho cả chú Ba nữa, nên hết sạch thầy ạ”. Bà nội nấc nghẹn kêu lên “Trời ơi nó bắt nộp thuế cho cả người chết. Quân cướp ngày”. Mẹ lau nước mắt thảng thốt “Tiền bán chỗ thóc làm quần quật cả năm giời hết sạch. Rồi sống bằng gì?”.
Lát sau bố nghẹn ngào “Khổ thân nhà bác Dậu không có tiền nộp thuế nên bị chúng nó trói gô giữa sân đình mặc dầu bác đang ốm xanh như tầu lá”.
Bỗng có những giọt nước nong nóng rơi trên má tôi. Ông nội tôi một con người cứng rắn vậy mà phải bật khóc. Ông bảo: “Trong làng mình rồi biết bao người sẽ bị trói ngoài sân đình như nhà bác Dậu”. Mãi sau này khi lớn lên tôi mới hiểu giọng nấc nghẹn của bà nội, tiếng kêu thảng thốt của mẹ hôm ấy.
“Con giun xéo mãi cũng phải quằn”. “Tức nước vỡ bờ” dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đạị, cuộc Cách mạng tháng Tám nổ ra, cả dân tộc Việt Nam vùng lên đánh đuổi thực dân Pháp và đập tan lũ phong kiến giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ ngàn đời.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954. Hòa bình lập lại, đất nước tạm thời chia làm hai miền. Quê tôi ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Chúng tôi được cắp sách đến trường. Tôi được học đoạn trích trong tiểu thuyết “Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố, mô tả tình cảnh gia đình “chị Dậu”, cảnh bác Dậu trai bị trói như bố tôi kể hôm bố thất thểu đi nộp thuế về. Qua đoạn văn được học, tôi biết bác Dậu gái đã phải bán đàn chó con lẫn đứa con gái cho nhà Nghị Quế mà vẫn không đủ tiền nộp thuế chỉ vì phải nộp thuế cho cả chú em chồng chết từ lâu như cảnh nhà tôi.
Đã bao năm trôi qua, tôi đã già, đất nước cũng đã trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ và hai lần đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ lừng lẫy địa cầu, cuộc sống tối tăm dưới ách thực dân phong kiến không còn nữa trên toàn đất nước. Dân làng Lộc Hà tôi cũng vậy. Xưa nghèo nàn túng quẫn, nay đã đổi thịt thay da.
Những con đường đất nhỏ hẹp quanh co chạy khắp làng, mỗi khi mưa xuống lầy lội trơn như đổ mỡ ngày xưa, giờ bị chôn vùi dưới những con đường trải bê tông, trải nhựa rộng thênh thang với những hàng cột điện, đêm đêm đèn tỏa sáng như ban ngày, đến tận các ngõ hẻm.
Khắp làng đường rộng thênh thang khá thẳng là nhờ dân làng có ý thức học tập, noi theo gương đạo đức Bác Hồ “Chí công vô tư”, “Mình vì mọi ngươi”, đã sẵn sàng hiến tặng đất ở, đất vườn cho tập thể làm đường… Khiến bộ mặt của làng đẹp đẽ, phong quang, không còn cảnh nắng thì bụi mù, mưa thì nước đọng, bùn lầy níu chặt chân người. Một tấm gương điển hình là anh Ngô Tất Trung đã hiến cho làng 40 mét vuông đất để làm đường.
Đến giờ làng tôi không còn lấy một mái nhà tranh vách đất. Những mái nhà đó đã đi vào dĩ vãng. Khắp làng nhà tầng mọc lên san sát. 100% số hộ có nhà ngói và biệt thự. Các gia đình có ô tô, xe máy nhiều không đếm xuể. Đường làng phong quang rộng rãi. Ô tô lớn bé đi vào tận sân đình nơi bác Dậu bị trói năm xưa.
Nay làng đã có trạm bơm và hệ thống mương thủy lợi dẫn nước về đồng. Nhiều chân ruộng trước đây chỉ cấy một vụ, bông lúa xác xơ như bông cỏ may, giờ cấy hai vụ. Lúa chắc hạt trĩu bông, năng suất tăng cao. Nông đân đã có của ăn của để. Bóng dáng chị Dậu năm xưa đã bị chôn vùi vào quá khứ.
Tất cả trẻ em trong làng đều được cắp sách đến trường từ mẫu giáo, tiểu học, đến trung học cơ sở và trung học phổ thông. Thật vinh hạnh, trường tiểu học của xã Mai Lâm, huyện Đông Anh mang tên nhà văn Ngô Tất Tố. Một ngôi trường có bề dầy thành tích với danh hiệu trường chuẩn quốc gia, đã góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước, thực hiện điều Bác Hồ mong ước từ lâu đưa nước ta “Sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Ngày trước mỗi làng trong vùng có một nghề, người dân đã đúc kết “Chạ Thái (thôn Thái Bình) chuyên nấu bánh đúc cháo kê, Chạ Lộc (thôn Lộc Hà) chuyên nghề làm ruộng, Chạ Lê (thôn Lê xá) chuyên nghề đánh thừng”. Nhưng nay cùng với sự đổi thay của đất nước, của xã hội, của Thủ Đô, các nghề xưa của từng Chạ đã bị các nghề mới hiệu quả kinh tế cao hơn thay thế. Đời sống người dân trong các Chạ thay đổi nhiều so với trước, ngày càng sung túc hơn. Chạ Lộc Hà cũng vậy.
Thật ngỡ ngàng khi biết làng Lộc Hà – “Quê chị Dậu” xưa kia nghèo đói, túng quẫn, nay nhờ ơn Đảng, ơn Bác Hồ đã trở thành một trong những làng quê giàu có ở huyện Đông Anh.
Chiều chiều đi tập thể dục trên đường bê tông quanh làng, tôi ngắm những vạt ngô xanh mướt mát, những vạt lúa vàng ươm trĩu bông ôm lấy làng, hứa hẹn một mùa bội thu, ấm no... Tôi bâng khuâng nhớ lại ngày xưa đâu có cảnh này.
Tôi mừng vui trước sự thay đổi đến chóng mặt của làng tôi hòa nhịp cùng sự đổi thay của đất nước, của Thủ Đô. Nay mai huyện Đông Anh lên quận, chắc chắn “Quê chị Dậu” sẽ thay đổi nhiều hơn nữa.
Có thay đổi này là nhờ ơn Đảng quang vinh, ơn Bác Hồ muôn vàn kính yêu./.
Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Ngô Hương Lan. Thông tin về cuộc thi xem tại đây. | |