Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Ký ức không phai về Hà Nội

Nguyễn Tất Đạt 15:45 24/05/2024

Tôi tới Hà Nội lần đầu cách đây hơn 20 năm, khi còn học tiểu học. Tôi nhớ cảm giác háo hức vào đêm trước ngày xuất phát, nằm mãi không thể ngủ. Vì lẽ đó, trên chuyến xe đi Hà Nội, tôi nằm thiếp đi lúc nào không biết.

photo_2024-04-02_16-10-24.jpg
Cửa Lăng Bác đón tôi bằng cảm giác lành lạnh của điều hòa, mọi người kính cẩn và chậm rãi trước giây phút gặp vị Cha già dân tộc...

Hà Nội khi ấy với tôi là một thế giới lạ lẫm, hay theo lời nói của người lớn: “Đi lên phố”. Đường phố Hà Nội nhiều hàng quán, tán cây xanh rợp trời, xe cộ đi lại như mắc cửi. Còn tôi lúc ấy chỉ mong được đến lăng Bác, vì mẹ đã hứa như vậy khi tôi được điểm 10.

Chỉ mấy tiếng sau, mong ước của tôi đã thành sự thật. Nhìn từ xa, tôi thấy những người mặc trang phục dân tộc, thấy các bác lớn tuổi mặc quân phục xanh, trên ngực đeo đầy huy chương và thấy những chị mặc áo dài cùng xếp vào hàng người dài tới vài trăm mét.

Đứng giữa dòng người thăm Lăng, bước từng bước nhỏ, tôi bỗng ngoan hơn hẳn, không dám chạy đi chạy lại hay nói to, sợ “mấy chú quân phục trắng” mắng. Cửa Lăng Bác đón tôi bằng cảm giác lành lạnh của điều hòa, mọi người kính cẩn và chậm rãi trước giây phút gặp vị Cha già dân tộc.

Tôi nhớ như in khoảnh khắc được mẹ đưa vào. Tôi thấp quá, không nhìn được Bác, chỉ thấy bước chân của người đi trước. Tôi níu níu tay mẹ, nói khẽ. Mẹ hiểu ý, bế tôi lên ngắm Bác trong vài giây ngắn ngủi trước khi cùng dòng người ra ngoài Lăng.

Sau này lớn lên, tôi đã quên nhiều kỉ niệm, nhưng chuyến đi Hà Nội thì không.

Nhiều năm sau, tôi quay lại Hà Nội nhưng với một tâm thế mới: tôi đi học. Đối với tôi, Hà Nội khi ấy vẫn lạ lẫm, với những con người không quen, với những con đường chưa từng đi và khung cảnh chưa từng thấy.

Để “làm quen” với Hà Nội, tôi bắt đầu tìm hiểu về nơi này.

Tôi chọn đọc về Hà Nội trên báo nước ngoài. Và tôi bất ngờ.

Hà Nội là Thủ đô lâu đời nhất Đông Nam Á với hơn 1.000 năm tuổi, hiện lên trong mắt thế giới như biểu tượng hoàn mỹ của giá trị truyền thống Việt Nam. Trang Seasia của Indonesia tôn vinh Hà Nội là thành phố có người sinh sống liên tục lâu nhất trong lịch sử khu vực. Bách khoa toàn thư Baidu của Trung Quốc – nơi có hơn 400 triệu lượt đọc và tìm kiếm mỗi ngày – ca ngợi Hà Nội là thành phố của danh lam thắng cảnh, mệnh danh Hà Nội là “xứ sở di tích văn hóa ngàn năm”. Báo CNN của Mỹ từng mở một chiến dịch truyền thông dành riêng cho Hà Nội để chứng minh thành phố này mang nét đẹp độc nhất và là địa điểm phải đến thăm trong mọi lịch trình.

Tôi tìm đọc về khởi nguồn của Hà Nội, và không gì phù hợp hơn “Chiếu dời đô” của Vua Lý Công Uẩn.

Hà Nội khi ấy vẫn còn tên là Đại La. Nhà vua viết rằng thành Đại La “ở vào nơi trung tâm trời đất; được thế rồng cuộn hổ ngồi”. Rồng là thần cai quản mưa gió, bảo hộ tưới tiêu, rồng chính là sông. Hổ là chúa sơn lâm, bảo vệ đất thiêng, hổ chính là núi. Đại La là thắng địa có hổ canh gác, có rồng nuôi dưỡng. Mỗi lần đọc câu này và ngắm nhìn địa thế Hà Nội trên bản đồ, tôi lại thêm ngưỡng mộ quyết định dời đô năm xưa.

Tôi tin rằng vua Lý Công Uẩn và Thiền sư Vạn Hạnh - bằng mắt quan sát và tài trị nước hiếm có - từ hơn 1.000 năm trước đã phát hiện ra kết cấu phong thuỷ quý hiển của đất nước.

Phong là gió, thủy là nước. Ở đâu có gió, ở đó cuồn cuộn sinh khí. Gió thổi qua các dải núi hình rẻ quạt từ Đông sang Tây, cuối cùng lại đồng quy về Hà Nội. Ở đâu có nước, ở đó có sự sống. Nước tụ thành sông, sông lớn sông nhỏ lại tụ về động mạch chủ là sông Hồng. Nhờ khí hậu ôn hòa, cây cối tốt tươi, gia súc béo khỏe, người Hà Nội quanh năm không lo thiếu cơm gạo. Từ Hà Nội, muốn đi tới đâu cũng thuận tiện, dễ dàng. Người dân nhờ thế mà dễ bề sinh sống, buôn bán, lập nghiệp.

Vậy mới thấy, nhận định của Vua Lý Công Uẩn rằng Hà Nội là “kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời” quả không sai.

Tôi tò mò về ngày Hà Nội thoát khỏi gông cùm ngoại xâm, và bài “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao đã ghi lại không khí lịch sử một cách trọn vẹn.

8wou5j7l.png
70 năm sau, Hà Nội đã thay da đổi thịt, nhưng tình yêu hòa bình không thay đổi... Ảnh: Đỗ Hà Minh Tuấn.

Nếu coi “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn đánh dấu ngày Hà Nội trở thành thủ đô của đất nước, thì bài hát “Tiến về Hà Nội” lại là dấu mốc ngày Hà Nội tái sinh. Năm 1954, sau 9 năm kháng chiến, Việt Nam đã buộc Pháp phải kí hiệp định Geneva và rút quân khỏi Hà Nội.

Ngày 10/10, cả trăm nghìn người dân Hà Nội tay cầm cờ, tay cầm hoa vẫy chào đoàn quân tiến vào thủ đô. Tiếng loa phóng thanh vang vọng bài “Tiến về Hà Nội” làm bầu không khí thêm sục sôi, phấn khởi: Hà Nội từ nay mãi mãi độc lập.

Tôi càng bất ngờ khi biết về sự ra đời của bài hát này: nó không ra đời sau sự kiện lịch sử ấy, mà đã được hoàn thành trước đó tới 5 năm. Nhạc sĩ Văn Cao không chứng kiến khung cảnh Hà Nội rợp cờ hoa, không thấy các Trung đoàn tiếp quản Thủ đô tiến vào từ 5 cửa ô. Ông chỉ tưởng tượng hình ảnh hòa bình trong đầu, giữa những năm tháng bom đạn vẫn đang giày xéo quê hương.

Điều khiến tôi xúc động hơn cả là một câu nói về Hà Nội.

Trong một bữa cơm tối cuối năm 1948, đồng chí Lê Quang Đạo đã nắm tay nhạc sĩ Văn Cao, nói rất xúc động trước các nhạc phẩm của ông như Làng và Trường ca Sông Lô. “Vậy nếu cậu yêu Hà Nội, nhớ Hà Nội thì hãy sáng tác cho Hà Nội một bài hát vừa hùng tráng, vừa trữ tình nhé,” đồng chí Lê Quang Đạo nói.

Nhạc sĩ Văn Cao ôm trăn trở, trên đường về vừa ngắm nhìn ánh trăng sáng lấp ló sau bụi tre xanh, vừa ngân nga những nốt đầu tiên của bài nhạc bất hủ.

Sau này, khi được hỏi làm sao có thể viết được bài hát trước ngày giải phóng những 5 năm, nhạc sĩ Văn Cao đáp: “Giấc mơ ngày đất nước hòa bình độc lập ám ảnh tâm trí tôi… Bài "Tiến về Hà Nội" được viết trong những đêm dài gian khó của kháng chiến, chỉ mơ một ngày toàn thắng để nhân dân hưởng hòa bình độc lập, vợ chồng, cha con, anh em được đoàn tụ, yên vui...”.

70 năm sau, Hà Nội đã thay da đổi thịt, nhưng tình yêu hòa bình không thay đổi.

Để quen với Hà Nội, tôi chọn đi dạo quanh phố phường để tận hưởng bầu không khí an yên.

Năm 1999, Hà Nội vượt qua 70 ứng cử viên khác để được đề chọn là một trong năm thành phố được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”. Những năm tiếp theo, Hà Nội lại được lựa chọn cho các sự kiện quốc tế: APEC Việt Nam năm 2006, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới năm 2015, Thượng đỉnh Mỹ - Triều năm 2019.

Để có quyền làm chủ nhà cho các sự kiện này, Hà Nội phải đảm bảo được sự an toàn tuyệt đối cho các chính khách. Nhưng dường như, chính các nguyên thủ thế giới lại chứng tỏ ít có nơi nào an ninh tốt như Hà Nội.

Tôi tự hào khi thấy hình ảnh Tổng thống Argentina Mauricio Macri thưởng thức cà phê vỉa hè, Tổng thống Pháp Francois Hollande đi dạo trong khu phố cổ và Tổng thống Mỹ Barack Obama ngồi ăn bún chả cùng người dân đã gửi đi những câu chuyện không lời về sự yên bình của Hà Nội.

10 năm sau ngày lên Hà Nội nhập học, không biết từ lúc nào Hà Nội đã trở nên quen thuộc, thành một phần không thể thiếu trong tâm trí tôi. Tôi bắt đầu cuộc sống mới tại thành phố này, tiếp tục dõi theo những bước phát triển mới của thủ đô.

Những năm gần đây, Hà Nội càng nhận được thêm nhiều sự chú ý của cộng đồng thế giới, cả về kinh tế và văn hóa.

Tôi bắt gặp nhận định trên chuyên trang du lịch TripAdvisor: “Thời gian trôi qua càng khiến Hà Nội trở nên quyến rũ. Thủ đô của Việt Nam đã bảo tồn Phố Cổ, di tích lịch sử và kiến trúc thời Pháp thuộc, đồng thời vẫn tạo điều kiện cho sự phát triển hiện đại”.

GRDP năm 2023 của Hà Nội ước tăng 6,27%, gấp 1,43 lần mức chung cả nước. Vào một buổi sáng sớm bất kì, người ta đều có thể cảm nhận nền kinh tế thủ đô đang chuyển mình. Dưới ánh ban mai, các quầy hàng rộn rã tiếng bếp núc, trò chuyện. Trên đường phố, người dân hối hả đi làm, đan xen nhau trong một điệu valse của những chiếc bánh xe – như National Geographic từng mô tả. Không khí ấm áp và nồng đượm mùi thịt nướng, xen lẫn hương thơm mát từ hoa tươi ngoài chợ.

Đó là nơi mà CNN, trong chiến dịch quảng bá thành công vượt sự mong đợi, gọi là “Trái tim Việt Nam” và “Cái nôi di sản”. Đó là Hà Nội mà tôi - cũng như nhiều người khác - dù đi đâu cũng luôn hướng về. Đó là thủ đô đất nước, nơi tôi thấy một Việt Nam hùng cường./.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Nguyễn Tất Đạt. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Nguyễn Tất Đạt