Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Có một Hà Nội rất khác trong tôi

Trần Thị Minh 21/05/2024 11:55

Đó là một con ngõ cụt có gần hai chục hộ, nằm san sát đối mặt vào nhau qua một con đường ngõ lát gạch đỏ rộng hơn hai mét. Cư dân phần lớn đều còn trẻ hoặc trung tuổi, chỉ có vài cụ ông, cụ bà sống với con cháu. Lớp trẻ ban ngày mải miết đi làm ăn, tối về mới tập trung đông đủ. Nhưng cũng có người vì công việc mà quanh năm suốt tháng xa nhà. Thi thoảng lại về dăm bữa nửa tháng cho con cái đừng quên mặt, cho vợ đừng quên hơi rồi lại ra đi. Đứng tần ngần trước cửa, hôn nựng nịu con yêu rồi thở dài rảo bước vội, cứ như sợ cái tiếng bi bô cùng cái “thơm” yêu lên má vẫn còn vương mùi sữa của con sẽ níu kéo bước chân mình lại.

130131curves2cmuq_qiye.jpg
Ban ngày, con ngõ vắng hiu, chiều về lại ồn ã nhộn nhịp. Trong lúc bố mẹ quay vào cơm nước thì bọn trẻ nô đùa rộn rã... (ảnh minh hoạ, nguồn: internet)

Cư dân trong ngõ cũng giống như cư dân của các thành phố lớn, do ảnh hưởng hoàn cảnh và điều kiện nên chín người mười phương. Gốc gác Hà Nội tại đây chỉ có dăm hộ, còn đa phần ở các tỉnh khác chuyển đến hoặc các huyện ngoại thành chuyển lên. Nào là Ba Vì, Sơn Tây, Mỹ Đức. Rồi Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Nghệ An. Ngay cả tận Quảng Nam xa tít tắp cũng đóng góp một hộ... Lí do định cư ở đây cũng gần giống nhau đều phù hợp với công ăn việc làm nên chuyển đến cùng con cháu. Cuối ngõ có mấy bà, mấy cô thuê chung phòng trọ hôm nào cũng đi từ lúc trời còn tang tảng đến tối mịt mới về. Người thì ra chợ đầu mối lấy hoa quả, rau cỏ, gà vịt, thịt thà rồi kẽo kẹt đạp xe đi bán rong khắp các đoạn đường, con ngõ xa chợ. Người thì làm thuê theo giờ cả ngày không hết việc. Nhìn chung dù làm nghề gì, thu nhập đều khá hơn ở quê. Nhiều ông, bà đến ở lâu dài để trông cháu “Chúng học xong lại kiếm được việc ở đây nên chúng ở lại. Nói thật là ở Hà Nội này kiếm việc dễ hơn ở quê, ở đây cũng dễ sống. Mình theo về trông con cái cho chúng. Ôi! Thời buổi này cứ đâu có công ăn việc làm thì ở đó mà lập nghiệp. Quê giờ ít ruộng đất lắm!”. Đó là tâm sự của những người nhiều tuổi có thêm vai trò “canh ngõ”. Họ thuộc lớp cha mẹ nên được cả ngõ kính trọng và có chút được nhờ. Bởi các ông bà ở nhà suốt ngày. Mấy ông sáng nào cũng trầm ngâm bên bàn cờ tướng đầu ngõ. Mấy bà trông cháu, cửa mở cả ngày. Vậy nên cấm có người lạ nào vào ngõ qua được mắt mấy “cảnh sát trưởng” này. Lớp trẻ cứ yên tâm đi làm cả ngày mà chẳng phải lo kẻ gian cậy cửa.

Chín người mười quê và nghề nghiệp chẳng ai giống ai, từ công an, bộ đội, rồi cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, đến kinh doanh tự do, cựu người mẫu… nhưng lại gắn bó thân thương đến lạ lùng. Ở lâu nhưng cái nét chân chất địa phương vẫn còn đậm đà. Nhà này đến bữa thiếu gì lại ới sang nhà kia xin xỏ. Bà Hà Nội gốc dạy cho lớp trẻ cách làm món bún thang, xôi xéo, bánh trôi tàu. Mùa cận tết, mấy nhà đua nhau làm dưa hành chua ngọt bởi sự tận tình chỉ bảo của một bà giáo nghỉ hưu từ Nam Định chuyển lên. Ai về quê, lúc lên lại có quà cho cả ngõ dù chỉ là nắm rau, nải chuối, vài bắp ngô... thật là vui vẻ. Có việc gì cần bàn bạc, chỉ hô lên một tiếng mọi người đã tập trung đủ. Biểu quyết bằng một tràng pháo tay, khi thực hiện cứ răm rắp mà làm. Từ chuyện nhỏ như bảo ban nhau quét dọn, sơn tường đến việc lớn hơn như lát gạch đỏ, làm cửa cho ngõ; từ chuyện vui như tổ chức mùng 8/3, trung thu, tất niên đến việc buồn như đám hiếu, thăm người nằm viện… đều thống nhất thực hiện. Thi thoảng vào tối thứ 7, trẻ con được nghỉ học, một nhà lại mang bộ loa ra nổi nhạc. Ôi lúc đó cứ gọi là bốc mạnh. Thanh thiếu niên, trẻ con, đến cả cái đứa trẻ lên hai cũng cố bon chen nhún nhảy. Không khí cả ngõ tưng bừng như đang tổ chức một sự kiện gì…

vvv.jpg
Ngõ nhỏ tổ chức sinh nhật cho một cháu bé

Ban ngày, con ngõ vắng hiu, chiều về lại ồn ã nhộn nhịp. Trong lúc bố mẹ quay vào cơm nước thì bọn trẻ nô đùa rộn rã. Tiếng chí chóe, khóc lóc đôi lúc cũng làm sốt ruột người lớn nhưng cũng chỉ là lướt qua… Và khi cơm nước xong, mấy cái ghế được xếp trước cửa trở thành bàn tròn thế sự của cánh mày râu đủ chuyện tây, tàu, chính trị, xã hội… Từ khoảng 10 giờ tối trở đi, con ngõ nhỏ im ắng lạ thường. Mọi người rút vào khoảng riêng tư của gia đình. Con ngõ trở nên rộng rãi hơn. Màu đỏ dìu dịu từ những chiếc đèn lồng khiến cho nó lung linh huyền ảo. Lúc đó chỉ cần rảo bộ chưa đầy trăm mét ra ngoài kia là phố xá vẫn đang đông đúc. Nhưng trong này thời gian như đã ngưng đọng trước cửa ngõ rồi.

Dạo trước, dịch Covid hoành hành, kể cả khi có lệnh giãn cách xã hội, sáng nào mọi người cũng đứng trong nhà mình í ới thông báo tin tức cập nhật mới nhất về dịch bệnh trong và ngoài nước. Sau đó là những tiếng thở dài khi nghe tin dịch bệnh trên thế giới, nhưng cũng rất tin tưởng vào chính phủ và dân tộc mình sẽ chiến thắng dịch bệnh. Niềm tin ấy chỉ thể hiện qua ánh mắt lấp lánh niềm vui phía trên chiếc khẩu trang thường trực suốt ngày. Bàn nước đầu ngõ đìu hiu nhớ những nước cờ xe, pháo, mã. Mọi người trong nhà, đôi khi nghe tiếng trẻ khóc lại thở dài chép miệng “Bọn trẻ quen chân chạy. Giờ bị nhốt trong nhà nên cuồng cẳng đòi ra ngoài ấy mà”. Mãi rồi cũng đến ngày hết giãn cách, lại chuẩn bị đón ngày Quốc Khánh, cờ Tổ quốc treo đỏ ngõ, tiếng nô đùa của con trẻ gợi không khí xiết bao đầm ấm, thanh bình…

Mở cánh cửa sổ phòng làm việc, ngắm xuống con ngõ nhỏ, mà trái tim cứ xuyến xao lâng lâng một cảm xúc rất lạ. Con ngõ nhỏ chân chất, giản dị quá đỗi! Thân thương quá đỗi khiến cư dân của nó đi đâu cũng nghĩ và nhớ về như một mái ấm…

Phải chăng đó là một góc bình dị lắng đọng những yêu thương giữa thành phố náo nhiệt này.

Phải chăng đó cũng là một Hà Nội rất khác trong tôi…

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Trần Thị Minh. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Trần Thị Minh