Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Hoài niệm về tàu điện xưa

Nguyễn Văn Thế 15:13 16/05/2024

Hình ảnh những chuyến tàu điện chở khách hồi xưa: bây giờ chỉ còn trong hoài niệm. Nghe nói, tàu điện do người Pháp đưa sang, có hơn 100 năm (có nhà ga, sửa chữa cho tàu khá lớn, ở đường Hoàng Hoa Thám bây giờ)...

z4624614357392_0fd69891d5a667c6243bc4cd050b2abd.jpg
Hồi đó, tàu đa phần là kéo theo 1 toa, nhiều là 2 toa, giá vé 1 lượt cũng chỉ có 5 xu... (ảnh minh hoạ)

Thực ra, khi chính quyền ta về tiếp quản Thủ đô, cũng vẻn vẹn có mấy tuyến chính đường tàu điện: Tuyến từ Nhà Thương Vọng - Bệnh viện Bạch Mai bây giờ, đi Yên Phụ, tuyến bờ hồ, đi Cầu Giấy, có lẽ tuyến dài nhất là tuyến Bờ hồ đi Hà Đông… Tàu điện chạy với tốc độ cũng vừa phải, chừng 20km/h, do phải đi qua nhiều phố cổ, có tuyến lại đông phương tiện tham gia giao thông, cùng hành tiến với tàu điện, như ô tô, xe đạp… Gọi là tàu điện, tất nhiên tàu chạy được do lấy điện ở hệ thống dây dẫn, được giăng và chạy theo lộ trình của tàu qua, thường thì đầu tàu có 1 cần, gắn với bánh xe để hút vào dây điện ở phía trên (thỉnh thoảng có hôm tàu chạy, do sự cố làm rơi cả cái bánh xe, nên tàu phải dừng lại, để người ta cho cái bánh xe hút trở lại chỗ cũ).

Hồi đó, tàu đa phần là kéo theo 1 toa, nhiều là 2 toa, giá vé 1 lượt cũng chỉ có 5 xu, người phụ tàu, chuyên bán vé được đựng trong một cái cặp da bò, trông rất gọn và bắt mắt, khuôn khổ của chiếc vé có hình chữ nhật xinh xinh, màu trắng, trên vé có in số thứ tự khá đẹp. Trong khoang tàu, người ta cũng thường bố trí những hàng ghế dọc bằng loại gỗ tốt, ghế được làm cong cong, để người ngồi không bị trôi ra ngoài. Người điều khiển tàu điện cũng rất nghệ sĩ, phía dưới có cái vòng quay như kiểu lái tàu thủy, phía trước mặt có cái mâm cặp, để điều khiển tốc độ tàu, khi tàu chạy cứ phát ra tiếng leng keng, thật vui tai. Các bà các chị đi chợ rau vẫn thường chọn tàu làm phương tiện đi lại, gánh rau được treo ra ngoài theo đến các chợ. Vui nhất là các em học sinh lên tàu trong các dịp lễ Tết, cháu thì lên bờ hồ ăn kem Tràng Tiền, cháu thì đi lên vườn thú, cháu nào cũng quàng khăn đỏ, đứng ở cửa lên xuống như khoe với phố phường là… mới được "kết nạp vào đội". Để ý, các bến tàu hồi đó nó chỉ là điểm đến dừng trả khách, không được cắm biển, người đợi tàu cứ đứng ven đường, nhìn lên dây điện thấy rung rung là tàu sắp tới, cũng có người phải đi làm sớm bằng tàu điện (Như bà Tỏ, người ở làng Vọng, cứ 4 giờ sáng là thấy bà có mặt ở bến xe điện để đi lại trên nhà máy điện Yên Phụ, hồi đó chưa thấy bán vé tháng, nên cứ phải mua vé ngày).

Ngày ấy, mỗi lần đi tàu là một dịp thật vui, được nghe hát sẩm, "sẩm tàu điện" được nghe người bán tạp hóa giao hàng, sướng cả cái lỗ tai: Kim băng cài túi, cúi xuống không rơi… Thuốc bổ tùy, béo người, uống vào đẹp da.

Thế đó, kí ức về tàu điện cứ theo mãi không chỉ với người Hà Nội, một dấu ấn xưa thật khó quên về đất Thăng Long kinh kỳ, họ nhớ tàu, lại dựng mô hình để chụp hình, thật vui./.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Nguyễn Văn Thế. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Nguyễn Văn Thế