Nhớ Hà Nội qua những cuộc gọi vội
Lớn lên với bát phở gà thơm phức và tiếng còi xe máy mỗi giờ tan tầm, cô du học sinh người Việt òa khóc giữa lòng thành phố New York tráng lệ. Có lẽ, vì chẳng quen. Có lẽ, vì nhớ nhà. Có lẽ, vì “miền đất hứa” vốn là nơi để những ước mơ cất cánh bay xa, nhưng miền đất quê hương ta mới là nơi những ước mơ mỏi cánh bay trở về.
17 năm là một người nhỏ bé trong cuộc đời này, được ôm ấp bởi vòng tay của Thủ đô ngàn năm văn hiến, chẳng bao giờ tôi nghĩ đến việc phải nhìn thật lâu và thật sâu vào những điều giản dị của Hà Nội, cho đến khi thực sự phải đi xa.
Những cuộc gọi điện lúc nửa đêm vẫn về đều đặn với gia đình, dù là lúc đêm khuya hay sáng sớm do lệch múi giờ. Chị nói nhớ đủ điều.
“Con nhớ cái mùi Hà Nội”. Lạ thật. Cái mùi mà con người ta vẫn còn nhớ được. Vì cái mùi Hà Nội cứ thế đã thấm vào từng thớ da, thớ thịt của những người con Hà Nội lớn lên mang theo bao nhiêu ký ức. Đó có chăng là mùi thơm của hàng bún riêu đầu ngõ, sáng bố mẹ đưa con tạt qua xì xụp một bát để kịp giờ đi học. Đó có phải là mùi hoa bưởi, hoa sữa thơm rực cả một góc đường từ năm này qua năm khác mà vẫn nhiều người đi qua mua về cho thơm nhà. Có phải không nếu mùi mưa ngai ngái của những cơn mưa rào mùa hạ cũng khơi dậy mạch trào ký ức của những người con xa nhà.
“Con nhớ cái màu Hà Nội”. Ai làm ra màu của bức tranh Hà Nội? Cho dù anh có là họa sĩ tài ba nhất, sử dụng những gam màu tuyệt đẹp nhất để phác lên, e rằng Hà Nội là bức tranh của người dân Hà Nội. Những người nghệ sĩ thực thụ ấy cho bức tranh cái màu, và nhẹ nhàng thổi hồn cốt Hà Nội bằng chính sự xuất hiện của họ. Những gánh hoa rong chở cả “mùa xuân” trên chiếc xe đạp cũ - màu của nhựa sống ngập tràn khắp nẻo phố phường. Những căn nhà phố cổ san sát nhau tấp nập người qua lại - màu của sự sầm uất và nhộn nhịp của dấu tích “kẻ chợ”. Những tà áo dài thướt tha trên bục giảng, dưới sân trường, chụp ảnh bên đầm sen Hồ Tây, trên phố đi bộ dịp Tết - màu của sự tinh khôi tuổi trẻ hay đằm thắm tuổi đã nhuốm màu thời gian.
“Con nhớ cái tiếng Hà Nội”. Những đứa con xa nhà hồ hởi, vồ vập, vồn vã khi gặp một người Việt Nam, nhất là khi họ cất lên tiếng nói đồng hương với mình. Ngôn ngữ như “đài phát thanh” của cuộc sống nơi đó. Hà Nội với tiếng ve kêu lẳng lặng trong hè vì vắng đi âm thanh đùa nghịch của bọn học sinh nghịch ngợm. Hà Nội với tiếng rao hàng rong, rao đồng nát, rao ép các loại giấy tờ mà cứ thế đi vào trong tiềm thức của mỗi người dân, dù đang đứng chờ đèn đỏ hay đang trong quán trà đá ven đường. Hà Nội với tiếng chợ, tiếng đời của người mua kẻ bán tấp nập, người nào quen thì tặng thêm cho bìa đậu hay củ hành. Hà Nội là tiếng mẹ bảo con đi học sáng sớm, là tiếng bố dạy con tập xe đạp hay làm bài tập, là tiếng bà kể chuyện “xưa xửa xừa xưa” đến chục lần vẫn nhớ, là tiếng ông hỏi “Có thiếu tiền không thì ông cho đi ăn quà?”.
“Con nhớ, là con nhớ nhà mình lắm”. Con đi và đi thật xa. Người Việt Nam đi đến đâu thì vẫn mang cái hồn của người Việt, và khao khát tìm sự đồng điệu ở những chốn xa xôi. Dù bước chân có đi không ngừng nghỉ, nhà là nơi để mình quay về. Nhà là đất nước, nhà là Hà Nội, nhà là nhà với mẹ với bố và ông bà cô cậu. Nhà với tất cả cái mùi, cái màu và cái tiếng của Hà Nội, ôm ấp và vỗ về con nên người. Trái tim con sẽ mãi mãi thổn thức vì nét đẹp của Hà Nội dù thân thể con đang đặt chân lên những miền đất mới.
Hà Nội chậm rãi thay áo mới, nhưng “tấm áo voan” của vẻ xưa cũ đấy, chưa bao giờ bị rũ bỏ. Như các cô học sinh chụp kỷ yếu thì nhất định phải có bộ áo dài trắng. Như đến Hà Nội thì phải qua Hồ Gươm chụp ảnh với Tháp Rùa với cầu Thê Húc ở xa xa, xong vòng qua ăn kem Tràng Tiền cho biết vị. Như cùng món bún chả nhưng ăn ở đây nhạt vị, ăn ở đây vừa đậm đà vừa được uống trà đá miễn phí. Nhắm mắt và mở mắt, ta thấy dòng chảy thời gian chạy thật nhanh. Ấy vậy mà vẻ cổ kính và xưa cũ vẫn mãi chậm trôi ở nguyên đó, để những đứa con xa nhà phải gọi về nhà, và nhớ Hà Nội qua những cuộc gọi vội./.
Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Phạm Linh Nhi. Thông tin về cuộc thi xem tại đây. |