Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Hà Nội mùa đông lịch sử

Vũ Thảo 09:00 02/05/2024

Đêm Hà Nội những ngày tháng 12, không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ thấp nhất ở mức 7-8 độ C, tôi trằn trọc trở mình trong chăn đệm êm ấm, rưng rưng lắng nghe những ca từ xúc động trong bài hát “Cảm xúc tháng Mười” vang lên từ ngôi nhà kế bên. Ngoài kia gió rít từng cơn thổn thức, những cảm xúc nghẹn ngào thôi thúc tôi dậy mở máy tính, xem lại những thước phim tư liệu về 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô của Hà Nội năm 1946. Từ hiện tại bình yên, tôi đã được trở về với mùa đông lịch sử của thành Rồng - một mùa đông giá buốt nhưng rực lửa.

grab837fetreo_co_16899288064351486375282.jpg
Thăng Long hôm nay lại bình yên như chưa hề có bóng quân xâm lược... (ảnh minh hoạ)

Gần 20 vạn quân Tưởng theo đuôi quân Đồng minh tràn qua biên giới phía Bắc vào Hà Nội, lấy cớ tước vũ khí của quân đội Nhật nhưng toan tính cướp chính quyền của ta, gây vô số tội ác với đồng bào Hà Nội khi đó. Ngày 23/9/1945, Pháp chính thức nổ súng tấn công Sài Gòn. Máu đồng bào Nam bộ lại đổ. Bối cảnh đất nước ngặt nghèo, hai loại giặc tìm mọi cách xâu xé trong khi đó nạn đói, nạn dốt hoành hành ghê gớm. Đảng ta quyết định hòa với Pháp để đuổi Tưởng về nước. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì kẻ thù quyết cướp nước ta lần nữa. Đó cũng là lúc Đảng ta, đứng đầu là chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục lãnh đạo nhân dân chiến đấu chống kẻ thù xâm lược.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19 tháng 12 năm 1946 của Bác như lời hịch của non sông đã lay động hàng triệu người Việt Nam: “...Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước...”. Cả dân tộc đồng lòng đứng lên đi theo Đảng, theo Bác Hồ.

Hà Nội năm tháng ấy là một mùa đông đặc biệt vì sục sôi, rực lửa chiến đấu. Chúng ta không muốn chiến tranh, chúng ta khao khát hòa bình vì chúng ta đã phải chịu quá nhiều đau thương, nhưng nếu người Pháp buộc chúng ta làm chiến tranh, chúng ta sẽ làm. Cả một Hà Nội ngùn ngụt tinh thần chiến đấu. Nhân dân Hà Nội cùng với bộ đội và tự vệ dựng lên chiến lũy ở ngã tư các phố sẵn sàng ra trận. Các chiến lũy bằng đồ đạc của gia đình, được người dân khiêng ra đường, ngổn ngang và kiêu hãnh đón đợi giặc. Bờ tường các con đường mặt phố đục thông nhau để tạo các con đường ngầm phục vụ cho chiến đấu.

Chiều ngày 19/12/1946, mệnh lệnh của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ban ra, giờ chiến đấu đã đến, cả Hà Nội sẵn sàng bước vào cuộc chiến cam go. Đúng 20h03 phút, từ pháo đài Láng, đại bác của chúng ta gầm vang nổ hiệu lệnh tấn công vào các mục tiêu của quân Pháp ở Hà Nội. Thời khắc ấy người Hà Nội của chúng ta đứng dậy, kết tinh trong mình sức mạnh và tinh hoa của cả một dân tộc vĩ đại.

Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân Thủ đô đã giam chân địch trong thành phố trong 60 ngày đêm, bảo vệ an toàn cho Trung Ương Đảng, Chính phủ, giúp cả nước vững tin bước vào cuộc kháng chiến trường chinh anh dũng. Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến chủ nghĩa yêu nước bùng cháy dữ dội để trở thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng ngay trên từng con phố, các ngõ hẻm các ngôi nhà ở Hà Nội như vậy. 60 ngày đêm khói lửa người Hà Nội kiên cường chiến đấu với kẻ thù xâm lược. Nhưng rồi đêm cuối cũng đã đến.

Đêm cuối cùng ấy khi Trung đoàn Thủ đô rút qua gầm cầu vượt sông Hồng, phía sau là tiếng súng truy kích của kẻ địch, người Hà Nội vẫn hẹn ngày trở lại, bao nhiêu cảm xúc chất chứa giục giã những người chiến sĩ trẻ mạnh mẽ tiến về phía trước, bỏ lại đằng sau cây cầu những con đường góc phố rưng rưng. Những cảm xúc ấy được ghi lại một cách chân thực trong bài thơ “Cảm xúc tháng Mười” của nhà thơ Tạ Hữu Yên”:

Đêm, cái đêm rút qua gầm cầu

Anh đã hẹn ngày mai trở lại

Sóng sông Hồng vỗ bờ hát mãi

Đỏ niềm tin là khúc khải hoàn ca

Người Hà Nội một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện, lâu dài, gian khổ, hy sinh lớn nhưng vô cùng anh dũng. Trên con đường trường chinh dài dằng dặc ấy, trong tiết trời mùa đông buốt giá năm ấy, không chỉ là bi tráng, còn có lòng tin son sắt, lòng yêu nước cuộn chảy của những người con Hà Nội tràn đầy lý tưởng vào con đường cách mạng để rồi làm nên một Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự công phá dũng mãnh vào thành trì của chủ nghĩa thực dân, cũng là một hồi cáo chung về sự sụp đổ tất yếu của chủ nghĩa thực dân trên phạm vi toàn thế giới.

Ngày 10/10/1954, các cánh quân của Quân đội nhân dân Việt Nam từ 5 Cửa Ô tiến vào tiếp quản Thủ đô, Hà Nội hoàn toàn được giải phóng. Đoàn quân năm xưa giã từ Hà Nội giờ đây rầm rập trở về trong rừng cờ hoa đón chào của người dân Hà thành, trong những đôi mắt mẹ già rưng rưng gọi thầm tên các con.

Hôm qua và hôm nay. Chiến thắng và đau thương. Chiến tranh và hòa bình. Có những người trở về, có những người đã ngã xuống. Hòa bình thấm đẫm máu bao thế hệ cha anh.

Hôm nay xấp xỉ nửa thế kỷ đã đi qua nhưng nỗi đau của chiến tranh vẫn còn đó, nỗi đau da cam còn đó. Những người lính hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho dân tộc, đến khi đất nước độc lập, trở về với hình hài không còn nguyên vẹn cộng thêm nỗi đau thấu tâm can khi con mình lây nhiễm chất độc da cam. Những đôi mắt trũng sâu đã khóc cạn bao đêm, những bàn tay run run vì vết thương do bom đạn vẫn gồng mình cõng những đứa con mấy chục tuổi đầu mà ngây ngô như đứa trẻ. Nỗi đau ấy lặng lẽ nhưng buốt nhói. Chiến tranh không phải trò đùa.

Đến nay vẫn còn hàng trăm ngàn tấn bom, mìn, đạn pháo, vật liệu nổ vùi lấp rải rác dưới lòng đất ở các địa phương. Bom mìn tồn sót sau chiến tranh đã cướp đi những người cha người mẹ, những mái ấm gia đình của biết bao trẻ thơ. Còn đó những em bé đỏ hỏn gào khóc đợi mẹ về cho uống dòng sữa ngọt lành, những mái đầu xanh ngơ ngác đeo vành khăn trắng, không biết vì sao mình bỗng nhiên thành đứa trẻ côi cút giữa cuộc đời.

Ngoài kia, còn biết bao người chiến sĩ đã nằm xuống nhưng chưa được trở về nhà vì không tìm thấy hài cốt. Các anh các chị có nhìn thấy cha mẹ già héo hon ngóng chờ con hay những đồng đội không ngại trèo đèo lội suối đi tìm bạn mình trong hương khói nghẹn ngào. Những đôi mắt mẹ cha đục ngầu đã không còn nước mắt để khóc. Có lẽ tâm nguyện lớn nhất của cha mẹ trước khi nhắm mắt xuôi tay là được thấy các con trở về nhà, mẹ sẽ ru lại cho các anh chị nghe bài ca ầu ơ những ngày thơ bé. Mảnh đất quê hương vẫn kiên nhẫn qua từng mưa nắng, mong mỏi ấp ôm các anh chị vào lòng, bảo bọc những đứa con kiên cường ấy trong tình thương nỗi nhớ thiết tha.

Thăng Long hôm nay lại bình yên như chưa hề có bóng quân xâm lược, chưa hề nghe tiếng còi báo động trên nóc Nhà hát Lớn, chưa từng đỏ lửa căm thù. Mùa đông hôm nay giá buốt như mùa đông năm 1946 nhưng không có tiếng súng. Tôi nghĩ về chính mình, về những bài giảng môn Chủ nghĩa xã hội khoa học và Tư tưởng Hồ Chí Minh mình đang giảng dạy trên bục giảng Trường Đại học Dược Hà Nội với bao trăn trở, day dứt. Sứ mệnh của những người gieo hạt khi đất nước đã hòa bình nhưng những vết thương của chiến tranh còn nhức nhối sẽ thế nào? Tôi phải làm gì để lịch sử không bị lãng quên, làm thế nào để những thế hệ sinh viên của tôi khi đi dạo quanh Hồ Gươm yên ả hay khi ngước lên bầu trời xanh thăm thẳm trên cột cờ Hà Nội vẫn nhớ nghiêng mình trước lịch sử để biết sống cuộc đời ý nghĩa hôm nay.

Tôi lẩm nhẩm đọc lại câu nói của Bác kính yêu: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Là một người may mắn sinh ra trong thời bình, được thừa hưởng những thành tựu của sự nghiệp đổi mới, tôi nhận ra mối liên kết vô hình mà bền chặt của bản thân với những trang sử hào hùng của dân tộc. Hôm nay xem lại những thời khắc hạnh phúc và đau đớn của mảnh đất ngàn năm văn hiến nơi mình sống, tôi có cơ hội được trở về với lịch sử hào hùng của dân tộc.

Hà Nội đã đi qua máu và nước mắt để đổi lại những khoảnh khắc bình yên và tươi xanh mỗi buổi tôi đến trường. Tôi nghe trong cơn gió ngoài kia những lời thầm thì của quá khứ, của mùa đông đặc biệt 1946. Hôm nay, Việt Nam đã khép lại quá khứ, mở cửa tương lai cho hợp tác quốc tế, thế hệ tôi cùng dân tộc đi trên những cây cầu hữu nghị, nhưng tôi sẽ không bao giờ quên hố sâu dưới chân cầu ấy, không bao giờ quên những người đã ngã xuống, để thấm thía cách sống cho hiện tại và tương lai. Hòa bình này là hòa bình máu./.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Vũ Thảo Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Vũ Thảo