Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Hoạ sĩ Bùi Xuân Phái - người giữ hồn phố cổ Hà thành

Hoàng Thuý Vân 19/03/2024 12:00

Thuở ấy, Bùi Xuân Phái chơi thân với nhạc sĩ Phú Quang. Họ cùng nhau đi khắp nẻo thành phố. Một người vẽ phố. Một người viết những bài ca về phố. Cùng nhau, cả hai chắt lọc và lượm nhặt những gì đẹp đẽ nhất, tinh túy nhất của đất Hà Nội, của người con gái phố, gánh hàng rong, xôi cốm, mùa thu và mùa đông, mùa xuân và mùa hạ…

Khi tôi còn bé, gia đình sống trong một ngôi làng nhỏ, tôi bị ám ảnh bởi việc vẽ những cây tre, hoa đào, công chúa, chiến binh và câu chuyện từ những cuốn sách ở lớp mầm non bằng cục gạch vỡ hoặc phấn mỗi ngày... Những bức tranh và hình ảnh này tràn ngập sân chơi xi măng và đất cát. Chạng vạng tối, người lớn tan làm đẩy xe trở về, nghiêng đầu ngắm nhìn những bức tranh này, thi thoảng tặc lưỡi, thi thoảng chép miệng… Đó là triển lãm tuổi thơ duy nhất mà tôi từng có.

Trở thành sinh viên, gia tài lớn nhất của tôi là những tấm thiệp tranh Picasso, Vincent Van Gogh, Claude Monet… và Bùi Xuân Phái mà tôi cắt ra từ những cuốn sách mỹ thuật ở trường trung học. Một triển lãm bé con. Lúc này, tôi bắt đầu đọc hiểu một thành phố mới: Hà Nội. Những bước chân đầu tiên dẫn tôi tới khu phố cổ Hà thành bắt đầu bởi cái tên quen thuộc Bùi Xuân Phái, suốt những năm tháng tuổi trẻ trên đất Thủ đô, len lỏi vào cuộc sống.

phai-1.jpg
Họa sĩ Bùi Xuân Phái. (ảnh tư liệu)

Họa sĩ của riêng một thành phố

Conrad, Nabokov, Naipaul - những nhà văn này đều được biết đến là những người đã tìm cách di chuyển giữa các ngôn ngữ, nền văn hóa, quốc gia, lục địa và thậm chí cả các nền văn minh. Claude Monet, Van Gogh hay Picasso cũng ngầm tuân theo chủ nghĩa xê dịch để tìm kiếm và khai quật những vỉa trầm tích nơi miền đất hứa. Việc xa nhà thúc đẩy trí tưởng tượng của rất nhiều nghệ sĩ.

Nhưng giống như Orhan Pamuk của thành phố Istanbul, James Joyce của thành phố Dublin hay Trương Ái Linh của thành phố Thượng Hải… trí tưởng tượng của Phái đòi hỏi ông phải ở cùng một thành phố, cùng một con phố, cùng một ngôi nhà và nhìn vào cùng một khung cảnh. Số phận của Hà Nội là số phận của Phái, ông gắn bó với thành phố này vì nó đã tạo nên ông của ngày nay vĩnh hằng.

Cùng với Tô Hoài, Nguyễn Huy Thiệp hay Đoàn Chuẩn, Phú Quang… Bùi Xuân Phái là cái tên mang nhiều dấu ấn đặc biệt và khó quên về Hà Nội nhưng khác với họ, kể từ khi chúng tôi sinh ra, ông đã không còn là cái tên thuộc về thời của chúng tôi nữa. Theo đuổi lĩnh vực nghệ thuật khác nhau, đa trường phái hội họa, cách biệt thế hệ những nghệ sĩ này vẫn giao nhau trong một đề tài lãng mạn và thi vị kinh điển: Hà Nội, cùng những câu chuyện, vẻ đẹp và giá trị trường tồn.

phai-2.jpg

Thuở ấy, Bùi Xuân Phái chơi thân với nhạc sĩ Phú Quang. Họ cùng nhau đi khắp nẻo thành phố. Một người vẽ phố. Một người viết những bài ca về phố. Cùng nhau, cả hai chắt lọc và lượm nhặt những gì đẹp đẽ nhất, tinh túy nhất của đất Hà Nội, của người con gái phố, gánh hàng rong, xôi cốm, mùa thu và mùa đông, mùa xuân và mùa hạ…

Nhưng Hà Nội trong tiếng đàn Phú Quang khác lắm Hà Nội trong bảng màu của Bùi Xuân Phái. Hà thành của Phái là hình hài của một lớp thời gian cổ kính, trầm mặc, yên ắng, của những ngôi nhà gối đầu lên vai nhau, của tầng lớp cần lao chật kín phường hội, bán buôn… Hà Nội của Quang lại đằm thắm, nết na, kín kẽ tựa người con gái Bắc Việt bên hoa huệ, mặc áo dài trắng, vén tóc đen trong tranh Tô Ngọc Vân.

Nhiều người khác cũng viết, đàn, vẽ, hò… về Hà Nội, như Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Vũ Thanh… Hà Nội là mảnh đất của điều gì đó hào hoa, tráng lệ. Còn trong tranh Phái, Hà Nội chỉ là cô đào hát chẩm trên thuyền, là một con ngựa đang gặm cỏ, là người phụ nữ đeo gánh hàng rong đi qua ngõ… Hà Nội của những gì bình thường, ấm cúng nhất.

Tranh của Phái là những thước phim không trình chiếu chỉ dành riêng cho Hà Nội, nàng thơ của riêng ông, Dao Ánh của riêng ông, là tá những bức thư tình dành cho con người, cảnh sắc, thiên nhiên phố cổ Hà thành. Tranh của Phái vì vậy bón mớm thêm trong lòng dân Bắc Việt tình yêu đất, yêu nước, yêu người, nghĩa đồng bào.

Phố Phái, phố thứ 37 - tô điểm vẻ đẹp buồn rầu của Thủ đô

Thập niên 50, 60, 70 là thời đại của văn học và thi ca, nhưng hơn thế nữa, nó cũng là thời đại của hội họa.

phai-3.jpg

Đến gần hơn với hội họa Bùi Xuân Phái, người ta sẽ đi qua một con ngõ nhỏ, tiếng dế râm ran khi trời đã nhá nhem tối, có mùi trạt cỏ mới xén, mùi nhựa mới rỉ, mùi khói bếp, mùi của bông khế và những quả ổi chín rục… Những tòa nhà hai tầng lợp ngói xám nối liền cả con phố nhỏ với nhau. Trên bức tường bong tróc, có thể mơ hồ nhìn thấy nét chữ của chỉ thị từ ​​năm nào đó xa lắc. Có thằng bé đứng vẽ bậy và tờ quảng cáo chi chít trên những cột điện. Có đám bồ câu trên mái nhà.

Người ta nói, "bản chất của mỹ thuật là đủ thuần khiết để nghiệm chứng cái gì đơn nhất". Cái hay ở Bùi Xuân Phái là ông biết cách biến những thứ bình dị hằng ngày trở thành sinh thể duy mỹ. Phái có thể không phải là một họa sĩ tuyệt bích nhất nhưng ông dùng màu bằng tất cả trái tim và cảm xúc.

Những cửa tiệm gà rán, tiệm bánh mì, những người thợ sửa xe đạp, những người bán hàng rong, những hiệu sách cũ, những người làm con dấu, cửa hàng băng đĩa, người viết thư tay… và tranh ông có cả những người ngoại quốc. Những mảng màu, sắc thái đã trình diện một Hà thành như là nơi cái cũ và cái mới giao thoa. Những bức tranh về chiến tranh, nghèo khổ, vẻ đẹp của sự điêu tàn…

Những cơn mưa, rửa sạch những viên sỏi bên vỉa hè, dưới gốc đa cổ thụ, những vỉa hè lát gạch đỏ và những ngôi nhà màu xám, màu vàng, mái ngói phủ rêu… Phố cổ trong tranh của Phái bao giờ cũng mở ra một buổi sáng lặng lẽ như bao ngày khác. Những người phụ nữ lần lượt đến bờ sông để giặt quần áo. Hàng chục chiếc thuyền gỗ lớn nhỏ neo đậu bên sông, những người đàn ông hối hả bốc dỡ các loại hàng hóa. Buổi tối, những chiếc thuyền sáng đèn, nghe ngân nga tiếng xẩm, chèo… tiếng hát hòa vào gió, kể những câu chuyện xuyên thời gian.

phai-4.jpg

Xem tranh của Phái về trước, ta lại nhớ mang mác cái hân hoan khi xem “Mùi đu đủ xanh” hay “Mùa hè chiều thẳng đứng” của Trần Anh Hùng sau này. Ngày đó là giữa những năm 1980, phim của Hùng có một cuộc tản bộ vui vẻ bên bờ sông, một bữa trưa thiên đường trên một chiếc bàn dài dưới tán cây, có những quả đu đủ đang rỉ nhựa trắng, rau xanh nóng hổi trong chảo nóng, quán cà phê bên vỉa hè… như trong tranh Phái. Nhưng cũng chưa bao giờ, chúng ta nhìn thấy sự nhộn nhịp của một phố thị lấp lánh đèn xe hay nghe thấy tiếng còi tàu. Tranh của Phái và phim của Hùng, vừa đẹp vừa man mác buồn.

Những ngôi nhà nhỏ ghé sát đầu nhau, nghiêng mình tạo nên mỹ cảm của thị giác nghệ thuật thuần túy, không xa hoa mà gần gũi. Hình ảnh làng quê mang đời sống và mặc lên chiếc áo ngàn năm tuổi, hòa với cảm thức hoài hương tạo nên thứ hội họa đẹp đẽ nhưng cũng kiệm lời đến xuyến xao.

Chúng tôi, một thế hệ những người trẻ, thế hệ lớn lên trong một thế giới không còn Bùi Xuân Phái nhưng vẫn còn Bùi Xuân Phái nếu ta hiểu theo nghĩa khác đi. Và người ta bảo rằng tình yêu là thứ vượt thời gian nên bằng hội họa, bằng hình hài phố cổ, chúng tôi vẫn được kết nối và lớn lên từ những mảng màu trầm ấm của phố Phái, những mảng màu ngọt ngào như nắng, chảy sóng sánh và vô tận./.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Hoàng Thuý Vân. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Hoàng Thuý Vân