Thành phố và tôi
Tôi được sinh ra ở Nghệ An mười chín tuổi, tôi ra Hà Nội thực hiện đam mê dang dở hồi học cấp hai, tôi học yêu một thành phố mà tôi tương tư suốt thời thơ ấu.
Khi tôi còn trẻ, lý tưởng của tôi là trở thành một người lái tàu, mặc đồng phục và đi bất cứ nơi đâu tôi muốn. Mỗi lần tôi nhìn thấy một chuyến tàu đi vào sân ga ở gần quốc lộ, nhiều người lạ bước xuống, bước ra khỏi nhà ga với mùi hương của những nơi xa xăm: “Khi mình lớn lên, mình sẽ giống như họ, đi thật xa.”, nghĩ về điều đó tôi luôn cảm thấy mình thật hạnh phúc.
Đến Hà Nội lần đầu tiên, tôi ngơ ngác nhìn thế giới bên ngoài qua ô cửa kính xe buýt, có rất nhiều xe máy, hàng hoa ban tím, cây hoàng yến, gánh hàng rong, con đường dài, cây cầu cao tốc, những con cún lông xốp, những tòa nhà cao tầng, mây xanh, cục bưu chính, tiệm in ấn, hòm thư và những hiệu máy ảnh… Những kiến trúc cổ như chia tách nhau bằng màu sắc, vụt ngang qua khiến đôi mắt tôi mù mờ và thiếp đi lúc nào không hay.
Khi lần nữa thức dậy, trời vẫn đương hơi tối nhưng xe đã dừng và ngủ ngoan trong bến như một chú mèo mệt nhoài rúc vào góc bếp. Tôi chợt nhận ra những đồng ngô, ruộng khoai tây và đống lạc phơi khén nắng đã xa vô vàn. Ôm lấy tôi là những trảng xi măng phủ trắng khắp bề, tiếng người la hét và tiếng động cơ xe không lúc nào dứt. Trong những ký ức ban đầu, Hà Nội của tôi là âm thanh của những tiếng còi xe.
Trở về nhà, lúc đi qua chợ, ngó lũ trẻ bán đậu đen, thảo mộc, bánh mì, hạt khô hay táo đỏ nhìn theo chiếc taxi; tôi tự nhiên thấy mình lạ lẫm với một niềm kiêu hãnh bé con đang nhen lên trong lồng ngực. Tôi dòm vào túi bóng đựng mấy hộp bánh cốm, mơ muối và mứt mận đỏ mà hai chị em đã mua về làm quà. Có lúc, tôi nhìn thấy mấy thằng chăn hươu trên cánh đồng ở gần trường tiểu học với một đám khác lóc chóc những cún và diều giấy, tôi cứ tưởng là lũ bạn trong ngõ và muốn gọi to tên chúng. Nhưng đâu nào phải, cô bé "tôi” ôm niềm an ủi sẽ được đón chờ bởi một thứ gì đó gần gũi hơn phía trước và yên lặng suốt cả quãng đường, ngắm những cụ bà tóc quăn đọc sách ngủ quên trước cửa nhà, những cô bé hái hồng xiêm trong vườn, những con ngỗng bơi dọc bờ kênh và mấy thanh niên bá cổ nhau dưới gốc bàng…
Sáu năm sau, tôi chính thức đặt chân tới Hà Nội với tư cách là cô sinh viên trường báo. Thành phố này là điểm giao của những giấc mơ, nơi những người trẻ như chúng tôi, những công nhân như ba tôi… tìm đến với mơ ước được dựng xây cuộc sống trên mười ngón tay, được trở thành ai đó lớn lao trong đời.
Hà Nội của sáu năm sau trong ký ức, tôi vẫn ngồi trong xe bus và nhìn thành phố từ ô cửa sổ, ánh đèn đặc quánh tỏa xuyên sương khói, bụi bặm của ngày đầu thu. Đây là Hà thành, Thủ đô của chúng tôi nhưng không phải là nhà.
Đôi khi, tôi có mơ ước thành phố này sẽ sớm rũ bỏ lớp rong rêu bên ngoài để trở mình là một thành phố Tây phương sầm uất, sôi nổi, hào sảng, khí thế. Nhưng cũng có khi tôi mong mỏi thành phố này mãi mãi thuộc về bóng dáng xưa cũ của nó, là chính nó, là một Hà Nội đậm chất phương Đông. Những lúc như thế, tôi lại cảm thấy bên trong mình như có hai đứa trẻ đang đánh nhau, chúng quần thảo giữa đống hổ lốn của cảm xúc, nỗi nhớ và tri giác, một đứa đòi làm phi hành gia, đứa kia chỉ muốn làm gã điền nông trồng khoai chăn ngỗng…
Vào những ngày đông giá, khi đài phát thanh rỉ rả kể những câu chuyện xấu đẹp đang ươm mầm lòng thành phố, làm sao kể cho hết được nỗi phiền muộn xa vắng mà tiếng những người phát thanh rơi lại, loảng xoảng vỡ trên những con đường bê tông phủ bóng cây ban, bay theo những ống khói, bám vào những chuyến xe bus lang thang theo lộ trình vòng quanh thành phố, từ góc này qua góc nọ hay mốc meo và mọc nấm giữa hàng buổi chiều không ánh nắng. Tôi mê mẩn những thanh âm lặng lẽ chen chân vào những tháng ngày bình yên ấy, như một gã trộm đêm lẻn vào nhà nọ trong một buổi tối không trăng. Âm thanh mang hình dáng gì khi chúng có hình dáng?
Thành phố nhỏ, có vô số điều nổi tiếng. Nhưng tôi nhớ nhất hai thứ: gốm Bát Tràng và xôi cốm mùa thu. Từng hạt nếp xanh được gói bằng lá sen khô, khi mở ra có mùi thơm phức. Cứ đi dọc con đường Xuân Thủy, Lý Thái Tổ thể nào cũng gặp đầy những cụ bà, phụ nữ dưới mái hiên cũ kỹ cuối ngõ, hay chong gánh bên vỉa hè trước những ngôi nhà chất đầy quần áo trẻ con bên những chiếc chõng tre cũ màu nâu sậm phơi nắng, người thì nói cười, người thì chợp mắt, mùi cốm non thơm lừng như rớt lại sau từng gót chân.
Những nghệ sĩ như Văn Cao, Phú Quang, Bùi Xuân Phái… đã dâng tặng thành phố này một vẻ đẹp buồn rầu và cũ kỹ. Từ đó, người ta có thể dễ dàng tận hưởng dư hương, thanh âm, màu sắc của những con ngõ nhỏ, có thể thưởng ngoạn những cây bàng lá xanh, những câu chuyện của nhiều thế hệ lớn lên trên Bắc Việt, về những người đàn bà giấu màn đêm trong mái tóc… chỉ cho chúng ta thấy vẻ đẹp của thành phố ở những nơi mà họ cảm thấy mình là người bản địa lẫn kẻ nhập cư. Hình như, để nhìn rõ diện mạo của thành phố này, chúng ta luôn phải nhìn bằng hai con mắt, con mắt phương Tây và phương Đông, con mắt lịch sử và hiện đại, con mắt của người trong cuộc và ngoài cuộc…
Người ta bảo rằng mỗi thành phố lớn đều cần một nhà văn vĩ đại để viết nên linh hồn và câu chuyện của nó, để thực sự cho phép chúng ta nắm bắt được bản chất của thành phố. Dublin có James Joyce, Istanbul có Orhan Pamuk, Praha có Kafka, Lisbon có Pessoa, Bắc Kinh có Lão Xá, Thượng Hải có Trương Ái Linh… và khi nghĩ về một Hà Nội được xây cất bằng chữ nghĩa, tôi nghĩ tới nhà văn Thạch Lam.
Những cửa tiệm gà rán, tiệm bánh mì, những người thợ sửa xe đạp, những người bán hàng rong, những hiệu sách cũ, quán cà phê, quán bún ốc, chả cá, những người làm con dấu, người bán đồ gốm, cửa hàng băng đĩa, người viết thư tay… và ông nói về cả lăng kính của những người ngoại quốc. Những lăng kính đã trình diện một Hà thành như là nơi cái cũ và cái mới giao thoa, nơi cư dân hãnh diện nhìn thành phố bằng hai con mắt Đông phương và Tây phương. Họ nói về chiến tranh, nghèo khổ, vẻ đẹp của sự điêu tàn… Và những hình dung mà bấy lâu người du khách mơ màng về thành phố của thế kỷ trước là hình hài của một bông lúa cúi rạp, bị đả thương, bị xâm lấn và ngoi ngóp tái sinh lần nữa trong vinh quang.
Ở tuổi đôi mươi, tôi đam mê chụp những bức ảnh đầu tiên về thành phố, nhất là những cung đường quanh khu phố cổ, tôi luôn cảm thấy man mác và tự hỏi rồi thành phố này sẽ bón mớm trong tôi bao nhiêu nỗi buồn. Chúng ta yêu một điều gì đó vì nó khiến chúng ta mỉm cười, nhưng nếu nó khiến ta buồn, vậy ta có còn yêu nó nữa không?
Chúng tôi yêu một thành phố, chẳng hề vì nơi đó hoàn hảo, mà đơn giản chỉ vì thành phố đó giống như chúng tôi, cố gắng, nỗ lực để tiệm cận tới sự hoàn hảo hơn ngày hôm qua một chút. Tôi cảm kích thành phố này giống như lòng cảm kích của tôi cho xứ Nghệ đã vun nắn nên hình hài của tâm hồn chúng tôi./.
Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Hoàng Thuý Vân. Thông tin về cuộc thi xem tại đây. | |