Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Những người gieo hạt âm thầm

Vũ Thị Thảo 11:54 31/01/2024

Tôi đến Thành ủy Hà Nội học lớp Bồi dưỡng đảng viên mới K48 khi đất trời Hà Nội đã sang thu, khắp phố phường vương đầy hoa sữa. Vượt qua chặng đường ùn tắc và khét lẹt khói bụi, tôi đi học với tâm thế của một cô học trò nhỏ dại đến từ Trường Đại học Dược Hà Nội, vừa hồi hộp vừa vui sướng vì mình có cơ hội học để tâm hồn được lớn lên. Tôi không biết rằng lớp học ấy sẽ thay đổi tôi rất nhiều, từ nhận thức đến hành động, giúp tôi nhận ra chính mình trong tình yêu quê hương đất nước thiết tha.

hanoimoi.com.vn-uploads-images-tuandiep-2020-03-14-_thanh-uy-tc.jpg
Thành uỷ Hà Nội (ảnh: Hà Nội mới)

Từ cổng bước vào Thành ủy Hà Nội, tôi ngạc nhiên với khung cảnh an lành của những hàng cây, những khoảng không rộng lớn và yên bình. Hà Nội xô bồ dường như ở lại sau lưng tôi, chỉ còn lại cỏ cây và bầu trời trong trẻo. Lòng tôi khẽ rung lên những tình cảm đẹp đẽ, tôi có cảm giác thân thương như đang trở về ngôi nhà và khu vườn xanh ngắt ở quê mình. Trước hội trường là cây ngọc lan xòe tán rộng, hương hoa dịu dàng mang lại tâm tình dễ chịu cho mỗi học viên khi bước vào lớp.

Bài học đầu tiên của chúng tôi do cô Trương Thị Dung dạy về Đảng bộ khối. Tôi rất ngỡ ngàng vì lần đầu tiên được nghe những kiến thức về Đảng vô cùng gần gũi, thực tế, dễ hiểu của cô. Cô cũng lồng ghép những ví dụ sinh động và kỷ niệm đáng nhớ của mình khi bước chân vào nghề để chúng tôi hiểu tầm quan trọng của việc hiểu đúng, hiểu sâu, hiểu đến tận cùng những điều về Đảng. Tôi nhìn thấy trong đôi mắt sáng và kiên định của cô lòng nhiệt huyết với nghề, sự say mê của một người gieo hạt cần mẫn. Hết buổi học, gương mặt cô vẫn bừng bừng năng lượng, có lẽ nguồn năng lượng ấy đến từ trái tim nhiệt huyết và ấm áp của cô, khiến bài giảng của cô luôn có lửa. Tôi mong những khóa sau cô Dung tiếp tục giảng dạy để truyền cho nhiều thế hệ trẻ kiến thức đáng quý và bản lĩnh vượt lên trước mọi khó khăn của cô. Tôi cũng nhớ mãi hình ảnh cô khi cô rảo bước ra điểm xe bus để trở về mái ấm riêng của mình. Sau một ngày làm việc nhiều mỏi mệt, cô vẫn rạng rỡ từ trong đáy mắt đến nụ cười. Một người phụ nữ mạnh mẽ nhưng cũng dịu dàng như vậy cứ neo lại trong tâm trí tôi, khiến tôi nghĩ mãi trên chặng đường trở về nhà.

Tôi còn được học cô Phúc An với những bài giảng nhẹ nhàng nhưng sâu lắng. Cô giảng về chuyên đề độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội rất cuốn hút khiến tôi dù hết sức tập trung ghi chép vẫn sợ sẽ bỏ lỡ điều gì. Tôi thấy mình thật nhỏ bé trước những người đồng nghiệp giỏi giang và vô cùng chuyên nghiệp như cô. May mắn cho tôi khi được học cô để tôi học hỏi và bồi đắp thêm kiến thức chuyên ngành cho những bài giảng của mình chỉn chu hơn, sống động hơn. Phương pháp cô An dạy dễ hiểu nên các học viên khác dù không phải những người học chuyên về lý luận chính trị cũng hiểu và chăm chú theo dõi. Cô An rất quan tâm đến học viên, luôn lắng nghe lớp và tương tác với lớp một cách cởi mở, chân thành. Khi cô kết thúc bài giảng của mình với lớp, tôi và nhiều học viên khác đều cảm thấy hụt hẫng và tiếc nuối. Tôi mong rằng sau này tôi có thêm các cơ hội khác để được nghe cô An giảng tiếp.

Chúng tôi còn ấn tượng với thầy Phạm Ngọc. Giọng thầy sang sảng đầy nội lực, phong cách của thầy vừa sâu sắc vừa vô cùng dí dỏm khiến hội trường sôi nổi hẳn lên. Thầy dạy về đường lối phát triển kinh tế xã hội của Đảng say sưa, thầy đưa những kiến thức thực tế vô cùng gần gụi. Nghe thầy giảng, một cách rất tự nhiên, chúng tôi đều bắt đầu nhận ra sợi dây liên kết chặt chẽ của chính mình với vận mệnh dân tộc. Nếu mỗi đảng viên trẻ chúng tôi không nỗ lực thay đổi tư duy, đánh thức khát vọng trong mình thì làm sao kinh tế đất nước có thể cất cánh bay lên, từ đó chúng tôi nhận thức rõ hơn những điều mình cần làm để góp phần thay đổi diện mạo của đất nước. Tôi nhớ mãi câu nói truyền cảm hứng của thầy, rằng thế giới đang bùng nổ cuộc cách mạng khoa học công nghệ, nếu thế hệ trẻ chúng tôi không nỗ lực sẽ để lỡ con tàu 4.0 của thời đại. Thầy cũng nói về vấn đề giáo dục, môi trường, văn hóa với bao trăn trở và khao khát. Có lẽ thầy gửi gắm nhiều hy vọng ở thế hệ đảng viên trẻ chúng tôi, mong mỏi chúng tôi có trách nhiệm với chính mình và gắn kết chặt chẽ với cộng đồng xã hội. Chúng tôi mong thầy giữ gìn được sức khỏe của mình để tiếp tục là bệ phóng tinh thần nâng đỡ những tâm hồn còn non nớt của chúng tôi trên hành trình trưởng thành và sống có ý nghĩa.

Cô Hồng đọng lại trong ấn tượng của chúng tôi là người cô có giọng nói truyền cảm, ấp áp. Cô giảng về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh hay vấn đề hội nhập quốc tế đều lắng đọng nhiều cảm xúc. Tôi không biết tôi đã rơi nước mắt từ lúc nào, có thể từ những câu chuyện cô kể về mẹ Thứ một lần biệt chồng, chín lần tiễn con, hai lần tiễn cháu. Cũng có thể là chuyện về nghĩa trang Trường Sơn bốn bề là mộ, nghĩa trang Quảng Trị khốc liệt đến nỗi mỗi hình hài của các chiến sĩ hy sinh đều không thể chắp vào nguyên vẹn nên người ta phải rải một lớp đất lên trên chiến trường và xây một đài tưởng niệm, làm ngôi mộ gió chung cho tất cả những chiến sĩ đã nằm xuống trên mảnh đất yêng hùng. Cũng có thể tôi đã khóc khi nghe cô kể về những gian khổ Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã đi qua, nỗi đau thấu tâm can khi tận mắt Bác chứng kiến mẹ mình đã mất còn em út đỏ hỏn nằm bên mẹ với tiếng khóc xé lòng; hay câu chuyện cô kể về mong muốn của Người trước lúc Người đi xa, khi Người muốn nghe một đôi khúc dân ca có lẽ Người đã nhớ mẹ của mình rất nhiều.

Chúng tôi còn được học về nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng và công tác xây dựng Đảng ở cơ sở của cô Nguyễn Tố Quyên. Dù lịch trình làm việc của cô dày đặc, cô vẫn cố sắp xếp thời gian để dạy các đảng viên mới như chúng tôi những kiến thức quý báu. Cô cũng là người tâm lý khi cố gắng tích cực hóa không khí học tập, giúp chúng tôi đỡ mệt mỏi sau những ngày học nối liền nhau để bắt đầu bài học với tâm thế vui tươi, tập trung. Có lẽ cô cũng như các thầy cô khác của Thành Ủy Hà Nội, luôn ưu tiên hàng đầu và chú trọng công tác giảng dạy để các đảng viên trẻ có nhận thức và hành động đúng đắn, góp phần tích cực vào sự nghiệp vững chắc của Đảng.

Người thầy cuối cùng trong khóa học ý nghĩa của lớp 48 của chúng tôi là thầy Hải đáng kính. Tôi thực sự ngưỡng mộ thầy khi thầy giảng về Đảng mà không hề khô khan như người ta vẫn tưởng. Thầy Hải giảng nhẹ nhàng tự nhiên như hơi thở của cuộc sống, vừa sâu sắc vừa dễ đi vào lòng người. Giọng thầy từ tốn, nhỏ nhẹ, không hề lên gân khi nhắc về mục đích, bản chất của Đảng cũng như vị trí, vai trò của mỗi người Đảng viên. Tôi nghĩ mãi sao thầy có thể giảng vừa chuyên nghiệp vừa gần gũi như vậy, rồi tôi ngẩn người nhận ra thầy đã đem cả con người mình vào bài giảng. Thầy cũng đã nêu một tấm gương sáng về đạo đức, về cách ứng xử và cách sống để mỗi Đảng viên chúng tôi noi theo. Bất giác tôi nhớ đến lời dạy của Bác “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” và thấy rõ tầm quan trọng của việc noi gương. Tôi sẽ chẳng thể nào quên những lời khuyên, lời bộc bạch chân thành của thầy dành cho thế hệ trẻ chúng tôi: Nguyên nhân khiến con người ta mơ hồ chỉ là trong những năm tháng rẽ ra ta phải làm việc phấn đấu nhiều thì lại nghĩ quá nhiều, làm ít nên loanh quanh luẩn quẩn mãi trong cái vòng đó; nếu ta không tự sửa mình sẽ là gánh nặng cho gia đình, cơ quan, không thể là người dẫn đầu được. Lời thầy dạy tôi giữ mãi trong tâm, thầy đã thắp lên cho chúng tôi ngọn hải đăng rực rỡ để tuổi trẻ của chúng tôi tin tưởng hướng về.

Tôi cũng biết ơn cô Thi và cô Thủy, hai cô chủ nhiệm lớp bề ngoài luôn tỏ ra nghiêm khắc nhưng thật ra là những người tình cảm và luôn quan tâm đến từng học viên, lắng nghe những tâm tư và khó khăn của các học viên trong lớp để kịp thời hỗ trợ. Sự chỉn chu và cầu toàn từ những điều nhỏ của các cô khiến tôi nhận ra mình đang được trải nghiệm trong môi trường văn hóa ứng xử rất nhân văn của Thành Ủy Hà Nội, ở đó mỗi thầy cô đều chăm chỉ, nhiệt huyết, đem hết cả năng lực và tâm can cống hiến cho nghề, cho hiện tại và tương lai của đất nước.

Kết thúc khóa học, tôi lưu luyến không nỡ ra về. Bước chân ra ngoài lớp tôi còn ngoái lại thêm lần nữa nhìn lại hội trường và cây ngọc lan quen thuộc. Có lẽ các thầy các cô của lớp 48 nói riêng và các thầy cô khác của Thành Ủy Hà Nội nói chung cũng giống như cây hoa ngọc lan này, dù đất đai có cằn cỗi hay thuận lợi, cây vẫn cần mẫn cắm rễ sâu vào lòng đất, chắt chiu từng giọt nước và dinh dưỡng để dâng cho đời những bông hoa ngát hương thơm. Dù đất nước còn đứng trước nhiều khó khăn và thế giới nhiều biến động, các thầy cô Thành Ủy Hà Nội vẫn kiên định với con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn, vẫn sát cánh cùng Đảng và Nhà nước bảo vệ nhân dân, bảo vệ thành quả cách mạng. Bài giảng của các thầy cô đã thực sự chạm vào trái tim mỗi học viên chúng tôi, khiến chúng tôi nhận ra tình yêu quê hương đất nước trong mình được đánh thức, được dung dưỡng, vun bồi, từ đó mỗi Đảng viên mới chúng tôi đều nỗ lực sống có ý nghĩa cho bản thân, cho gia đình và xã hội./.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Vũ Thị Thảo. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Vũ Thị Thảo