Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Chỉ còn những mùa nhớ

Lê Mai Anh 17:07 07/12/2023

Ngày trời trở lạnh, mở mắt ra bỗng thấy mùa đông sà vào bên cửa sổ. Mùi hoa sữa phảng phất đâu đó trong không gian khiến tôi thoáng ngỡ ngàng. Chút tàn dư của thu tưởng đã nhường chỗ cho những cơn gió mùa đầu tiên thì nay vẫn rón rén mỉm cười nơi hàng hoa hiếm hoi dưới phố. Trên vỉa hè, những chiếc lá bằng lăng nửa vàng, nửa đỏ chao đảo rồi lặng lẽ buông xuống, lạo xạo dưới chân người đi đường.

ganh-hang-rong6.jpg
Trên vai của những người như mẹ tôi không chỉ là thúng hàng đầy mà còn gánh cả cuộc sống cơ cực và tương lai của bầy con nhỏ. (ảnh: internet)

Hà Nội bắt đầu vào đông, tiết trời hanh hao và se sẽ gió.

Thành phố tấp nập, phồn hoa này vốn không phải nơi tôi sinh ra. Tôi cũng không còn nhớ chính xác lần đầu tiên đặt chân tới đây tự bao giờ. Tôi chỉ mường tượng hình ảnh bé nhỏ của mình bám chặt sau lưng áo bố, gọn lỏn trong cái ôm của mẹ. Cả gia đình leo lên con xe Cup đã cũ mèm, mỗi lần nổ máy lại kêu bình bịch, hào hứng tiến về Hà Nội hệt như một giấc mơ tới xứ sở diệu kì.

Hà Nội là Thủ đô hoa lệ. Người ta hay ví von hoa cho người giàu có, còn lệ cho những người nghèo khó. Khi đó tôi còn quá nhỏ để hiểu được những triết lý ấy. Tôi chỉ nghĩ về Hà Nội với sự háo hức và yêu thích chân thật của một đứa trẻ. Nơi đây có tất thảy những thứ mà ở vùng quê nghèo nhỏ bé, tôi chưa từng được chiêm ngưỡng.

Sau này khi lớn lên, có một khung cảnh lặp đi lặp lại trong giấc mơ của tôi là những hình ảnh đầu tiên đặt chân tới Hà Nội. Đứa trẻ vùng quê như tôi dễ bị choáng ngợp bởi sự xa hoa của thành phố xinh đẹp này. Nơi đây phố xá lúc nào cũng đông đúc. Xe cộ ồn ào, người người như mắc cửi vội vã trên đường. Những tòa nhà cao vút, rộng lớn đến mức khách đi đường cố ngửa mặt lên để nhìn tầng cao nhất lắm khi rơi cả mũ. Dọc các vỉa hè, hàng quán bày biện vô vàn thức đồ hấp dẫn, lạ mắt.

Chân loẹt quẹt đôi dép lê, tay nắm chặt vào sợi dây thừng trên gánh hàng rong của mẹ nhưng mắt tôi vẫn không rời những thứ lạ lẫm đó. Tôi ao ước được lại gần, với tay vào các đồ vật lấp lánh sau lớp cửa kính hay ngồi xì xụp bên bát phở nghi ngút khói trong cửa tiệm gần đó.

Đi qua vài ngã phố, sau khi đã thấm mệt, mẹ đưa tôi vào một quán cóc ven đường để nghỉ chân. Gọi là quán nhưng thực tế chỉ là chiếc bàn nhỏ với mấy cái ghế nhựa kê cạnh vỉa hè. Cô bán hàng đon đả rót những chén nhân trần nóng hổi, hỏi han xem hôm nay mẹ tôi đã bán được nhiều hàng chưa, không quên đưa cho tôi chiếc kẹo lạc giòn tan, béo ngậy. Thỉnh thoảng có những cô, bác trạc tuổi mẹ quảy gánh hàng nặng trĩu đi qua buông vài câu chuyện phiếm hay dừng lại, chia nhau chút bánh trái để ăn buổi trưa.

Những người cùng mưu sinh trong thành phố này đều có sự gắn kết lạ kì. Họ hồn hậu, chân phương và tới từ các vùng quê khác nhau. Trên vai của những người như mẹ tôi không chỉ là thúng hàng đầy mà còn gánh cả cuộc sống cơ cực và tương lai của bầy con nhỏ.

Những ngày hiếm hoi tôi được theo mẹ đi làm không nhiều. Thường thì sáng sớm, mẹ sẽ gửi tôi ở nhà một bà cụ gần đó và chiều muộn sẽ đón về. Bà Hòa không phải họ hàng, thân thích gì với gia đình tôi. Bà là cán bộ công chức đã về hưu. Chồng qua đời đã lâu, con cái lại định cư bên nước ngoài nên bà sống cô quạnh trong căn nhà nhỏ gần khu trọ gia đình tôi ở. Thấy mẹ tôi tính tình chăm chỉ, chịu khó nên bà cụ tốt bụng thường xuyên quan tâm, hỏi han. Đôi khi bà cho tôi gói xôi, tấm bánh hay những gói kẹo chíp chíp xanh đỏ hấp dẫn. Bà trông tôi mỗi khi bố mẹ tôi quá bận rộn, giúp đỡ từng bữa ăn mỗi khi gia đình tôi chật vật, khó khăn. Lâu dần, bà trở thành người thân tín, quan trọng với cả nhà.

Trong suy nghĩ của tôi, bà Hòa là điển hình của những người Hà Nội xưa. Vẻ bề ngoài nhã nhặn, thanh lịch và cách nói chuyện có học thức, đối nhân xử thế rất chân tình của bà khiến mọi người xung quanh đều kính nể. Tôi vẫn nhớ căn nhà với những đồ vật cũ kĩ nhưng sạch sẽ và ngăn nắp của bà, nhớ chiếc bàn trà phảng phất hương hoa nhài, nhớ giọng trầm ấm của cô phát thanh viên trong chiếc đài bà mở mỗi sáng.

Tháng ngày đó, bà Hòa ân cần chỉ bảo cho tôi mọi điều hay lẽ phải trong cuộc sống, dặn dò tôi phải ngoan ngoãn và biết thương yêu, nghe lời bố mẹ. Tất nhiên, những bài học đầu tiên về sự lễ phép, khiêm tốn và lịch sự với mọi người mà bà dạy, mãi sau này tôi mới nhận ra. Còn lúc ấy, trong suy nghĩ trẻ thơ của tôi, bà chỉ là một người lớn tuổi rất tốt bụng, còn tôi giống như một em bé ngoan và hiểu chuyện mà thôi.

Đa số dân tỉnh lẻ như gia đình tôi mưu sinh ở nơi này đều rất khó khăn, vất vả. Khi đã trưởng thành và làm việc lâu năm ở Hà Nội, tôi có cơ hội gặp gỡ thêm nhiều người. Dẫu tuổi tác và ngành nghề khác nhau nhưng người ở đây luôn có một phong thái thanh lịch rất riêng biệt. Họ làm tôi nhớ nhiều về người bà đáng kính hồi nhỏ. Và tôi tin rằng, người Hà Nội gốc đều tử tế và tốt bụng như thế.

Chiều nào, tôi cũng đứng ở cửa nhà bà Hòa, nhìn ra đầu ngõ, nơi mẹ sẽ quảy gánh hàng rong tất tả trở về. Tôi sẽ nhảy cẫng lên, reo mừng khi thấy mẹ từ xa. Mẹ cười hiền hậu xoa đầu tôi rồi không quên lấy túi quà trong thúng hàng để vào tay tôi. Thường quà của mẹ là cái bánh khúc nhân đậu xanh còn ấm, một túi cốm nhỏ thơm phức, vài cái kẹo dâu thơm ngọt hoặc những con vật bằng nhựa đủ màu sắc. Khi ấy tôi lại vui vẻ nhảy chân sáo theo mẹ về nhà, không quên kể cho mẹ nghe những câu chuyện lặt vặt tôi đã trải qua trong một ngày dài.

Tôi nhớ hoài những buổi tối mùa đông, cả nhà quây quần trong căn phòng trọ nhỏ. Tiếng gió lùa trên mái tôn loạch xoạch, rít từng hồi lạnh buốt qua khe cửa. Bữa tối, mẹ múc từng thìa canh đậu nóng hổi, thơm mùi cà chua và hành lá vào chiếc bát nhỏ của tôi. Vị ngọt ngào, thanh đạm của món ăn này tuyệt vời hơn tất cả những thứ sau này tôi được thưởng thức. Bởi trong ngày tháng cơ hàn đó, dù Hà Nội có khắc nghiệt thế nào, chúng tôi vẫn có thể sum vầy, ấm cúng bên nhau.

Giống như số đông những người lên đây để lập nghiệp, bố mẹ tôi bám trụ lại Hà Nội không lâu rồi chuyển về quê sinh sống. Nơi đây chắc chắn đã để lại cho bố mẹ rất nhiều kỉ niệm. Những giọt mồ hôi, nước mắt và cả hạnh phúc của hai người đều đã in dấu khắp mọi nẻo đường, ngõ phố của Hà Nội. Tuy nhiên, thành phố này có đẹp và tốt thế nào thì mãi mãi cũng không phải là chốn có thể trú ngụ đến hết cuộc đời.

Tôi vẫn nhớ Hà Nội qua những bức ảnh, đồ vật mang theo khi về quê.

Đây là công viên Thủ Lệ, cả gia đình đi chơi nhân dịp một ngày cuối tuần bố mẹ nghỉ làm. Trong bức ảnh, cô bé mũm mĩm là tôi đang cười toe toét, cái miệng nhỏ xinh không dám khép lại vì sợ trôi mất màu son bác thợ ảnh vừa tô cho. Đây là bố mẹ tôi khoác vai nhau cười thật tươi, đứng cạnh đài phun nước khi ghé thăm Lăng Bác. Chiếc áo khoác màu đỏ ấm sực tôi mặc mấy năm tiểu học này là mẹ mua cho trong một cửa hàng bán đồ cũ ở phố Đông Các. Nhiều lần, tôi mở lại chiếc tủ đầy ắp những sách rồi tưởng tượng ra cảnh bố tôi mỗi chiều đi làm về, quần áo còn lấm lem dầu máy, dừng xe lại bên lề đường chọn những quyển sách trong một cửa hiệu trên phố Đinh Lễ, mang về để tôi đọc.

Tôi đã ước rằng mình lớn thật nhanh, học hành giỏi giang rồi trở lại Hà Nội. Một ngày nào đó, tôi sẽ đưa bố mẹ đi ăn khắp những cửa hàng ngon nhất thành phố. Tôi sẽ mua những thứ lấp lánh, đẹp đẽ trong các cửa hiệu hằng ao ước khi còn nhỏ. Tôi sẽ trở thành một người thành công, sống cuộc đời đẹp đẽ giống như đã được dạy.

Tháng năm không đợi chờ ai…

Khi tôi đủ trưởng thành và chạm tay tới ước mơ thì mẹ dấu yêu đã không còn ở bên tôi nữa. Một ngày chớm đông khi tôi trở lại, Hà Nội đã đổi thay rất nhiều. Cầm trên tay những món đồ dư sức mua, gọi những món ăn hấp dẫn từng ao ước mà lòng chẳng thấy hào hứng như ngày nào. Tôi không tìm được dấu tích xóm trọ cũ, khu vực này nằm trong diện giải tỏa cách đây vài năm. Trước mắt tôi là một trung tâm thương mại đồ sộ, hiện đại cao rợp trời. Tôi cũng không còn cơ hội gặp lại được người bà hiền hậu và đáng kính ngày xưa.

Thỉnh thoảng, chạy xe qua đường Đại Cồ Việt, tôi lại đưa mắt tìm kiếm quán nước ven đường, chờ đợi những gánh hàng rong hiếm hoi đi qua. Phố xá vẫn ồn ào, hàng ngày có cả nghìn lượt người lặng lẽ bước qua nhau. Chẳng ai dừng lại đôi chút để ngẫm nghĩ và hoài niệm về cảnh cũ, người cũ.

Những lúc cô đơn và áp lực bởi bộn bề cuộc sống, kí ức của tôi lại hiện về những ngày thơ ấu đẹp đẽ bên bố mẹ giữa lòng Hà Nội. Tôi thèm được bé lại, bàn tay bé xíu bám vào gánh hàng của mẹ, lang thang khắp các con phố.

Người ta bảo cuộc đời ngắn quá mà cũng dài quá. Cứ đi mãi, đi mãi vẫn không hết những nỗi nhớ… Để mỗi khi mùa đông trên phố về gõ cửa, trong lòng lại thổn thức khôn nguôi./.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Lê Mai Anh. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Lê Mai Anh