Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Dạo phố đêm Hà Nội, hoài niệm tuổi thơ gian khó

Phạm Minh Chánh 30/10/2023 16:37

Như bao người trưởng thành khác, đời sống của tôi có phần tẻ nhạt khi phải xoay vòng bởi công việc hằng ngày. Đôi lần, thấy mỏi mệt vì nhịp sống tất bật ở Sài Gòn, tôi thường tìm về Hà Nội, để hoài niệm về khoảng thời gian ấu thơ.

3-16831185848981909193195.jpg
Quay trở về Hà Nội lần nào, lòng tôi cũng hoài niệm da diết về những tháng ngày gian khó đã qua... (ảnh Dân trí: Khu nhà tập thể A1 Giảng Võ năm 1988)

Với tôi, Hà Nội không chỉ là vùng đất gắn liền với nhiều kí ức mà còn là nơi bản thân luôn mong muốn được quay trở lại mỗi khi lòng mình cảm thấy chông chênh.

Ra Hà Nội lần này tôi bỗng thích dạo phố lúc đêm khuya. 12 giờ đêm, đường bắt đầu vắng vẻ, quán xá đóng cửa dần, bản thân tôi ngồi ở quán cà phê nào cũng bị lịch sự mời về, nên đành lang thang suốt trên phố. Dọc các dãy phố, những ngôi nhà đóng cửa im lìm, và ở rất nhiều con đường, lá cây rụng dày như những tấm thảm.

Thu mình lặng lẽ trong chiếc ô tô từ Yên Tử về Hà Nội lúc 12 giờ đêm, dạo qua những con đường vắng, tôi khẽ khàng nhớ đến hình ảnh ông ngoại vốn là công nhân vệ sinh chuyên dọn dẹp đường phố vào những đêm khuya. Đứa trẻ non nớt là tôi khi ấy theo ông đi làm giữa màn đêm tĩnh lặng luôn cảm thấy mỏi mệt, dù chỉ đơn thuần là ngồi ở một góc đường giữ chiếc xe chở rác và dụng cụ vệ sinh cho ông.

Thế mà ông tôi, dù tuổi đã ngoài sáu mươi, tóc bạc gần nửa mái đầu, vẫn kiên nhẫn quét từng nhát chổi, dọn dẹp cho kỳ sạch những vết bẩn trên các góc phố. Thậm chí, có những đêm mùa đông, thời tiết ngoài trời giá lạnh đến se sắt, ông vẫn miệt mài với công việc. Cũng bởi, công việc tuy nhọc nhằn nhưng đủ giúp ông nuôi lớn các cháu đang tuổi ăn học. Những mùa đông dài trong suốt khoảng đời tuổi thơ, tôi thường ngồi lặng lẽ nhìn ông miệt mài ra khỏi nhà, hình dung ra cảnh ông đưa từng nhát chổi quét thật nhanh trên từng dãy phố hẹp, cảm tưởng như cả thế giới này dẫu có nhiều chuyện khó khăn đến đâu vẫn có ông luôn kiên nhẫn chống chọi cùng chúng tôi.

Thế nhưng, đó cũng chỉ là câu chuyện của ngày hôm qua. Ông tôi sau những cơn đau kiệt cùng vì căn bệnh ung thư, đã lặng lẽ rời bỏ chúng tôi. Nhiều năm trôi qua, mỗi khi thấy tâm mình chênh chao giữa cuộc đời đầy biến động, tôi lại quay trở về Hà Nội, lang thang qua những con đường mình đã đi cùng ông trong suốt khoảng đời niên thiếu, thấy lòng mềm đi một nỗi niềm rất riêng.

Một đêm khuya tĩnh lặng, ngồi dưới gốc cây ở Triệu Việt Vương, nhấm nháp ly cà phê, tận hưởng chút lành lạnh của đất trời, nghe lỏm hai cô quét dọn trong tiệm tạp hóa kế bên, nói về những niềm vui giản dị của cuộc sống hiện tại, về những kế hoạch, ước mơ cho tương lai. Thi thoảng, tôi chầm chậm tản bộ ngang qua Ngô Quyền, Lò Đúc, ngẩn người vì những thảm lá xà cừ phủ kín vỉa hè, tràn xuống lòng đường. Nhớ những lần ông tan ca muộn, hai ông cháu tôi đèo nhau trên chiếc xe đạp cọc cạch của ông cũng chạy ngang góc phố này, băng qua thảm lá xà cừ, tôi hân hoan thủ thỉ biết bao câu chuyện lớn bé trong đời. Ông tôi cứ thế khoan thai đạp xe, lắng nghe tiếng tíu tít phía sau yên xe của cháu, môi mỉm cười nhẹ trong gió. Đôi lần ông lĩnh lương sớm, dư ra được chút ít tiền, ông cháu lại dắt díu nhau ra quán quen, mua ít cái bánh giò, vài nhúm lạc rang về cho cả gia đình nhâm nhi. Dẫu chỉ là ít quà bánh đơn sơ nhưng với bọn trẻ con chúng tôi khi ấy là một niềm hạnh phúc vô bờ.

Ba mẹ tôi ly hôn nhau khi chúng tôi còn nhỏ. Cũng vì hoàn cảnh khó khăn, mẹ phải đi làm xa, nên từ nhỏ chị em đã sống với ông bà ngoại. Theo lời bà tôi kể lại thì ngày trước nhà ngoại tôi cũng thuộc hàng khá giả trong phố cổ. Nhưng rồi khoảng thời gian sau này, gia đình liên tiếp xảy ra những biến cố, sự mất mát tang thương này dẫn đến ông bà tôi ngày một suy sụp tinh thần lẫn vật chất. Ông tôi, dẫu tuổi đã già, vẫn cố gắng làm việc miệt mài để nuôi các cháu.

Bệnh của ông tôi ngày ấy là bệnh ung thư dạ dày. Chúng tôi nghĩ ông mắc bệnh này là do năm tháng ông đã làm việc quá sức, đến quên cả trời sáng.Tôi còn nhớ, những cơn đau kiệt cùng vì ung thư đã hành hạ ông tôi thức suốt đêm. Thế nhưng, hoàn cảnh gia đình tôi khi ấy có thuốc thang gì đắt tiền cho ông ngoại uống đâu ngoài mấy viên thuốc hột mua ngoài hiệu thuốc đông y. Ông tôi, dù đau đớn đến đâu, vẫn nhắc đi nhắc lại: "Bọn mình cố tiết kiệm, để dành tiền cho các cháu đi học...". Sự hi sinh của ông bà dành cho chị em tôi trong suốt những tháng ngày cơ cực ấy luôn mãi ghi khắc trong trái tim tôi.

Chiều muộn ở Hà Nội, khi thời tiết ngoài trời trở nên dễ chịu hơn, tôi chầm chậm dạo bước lên ngôi chùa cổ gần nhà, nơi đặt di ảnh của ông bà. Đến chùa đôi khi tôi chỉ ngồi im lặng, nghe biết bao kỉ niệm thời thơ ấu lại trở về trong tâm trí. Tiếng chuông chùa ngân vang trong không gian vắng lặng, khiến tôi có cảm tưởng như tiếng chuông mõ và giọng đọc đều đều của bà ngoại tôi lại trở về. Nhìn di ảnh hiền từ của ông bà, nghe vài tiếng chuông chùa vang vọng trong gió, tôi khẽ ngước ra ngoài nhìn quanh hồ Tây. Sau vòm cây si cổ thụ, mặt hồ trong xanh, bình yên như được bao phủ bởi một lớp sương mỏng. Vài ông bà lão thong thả đi tản bộ. Dăm đứa trẻ gương mặt sáng bừng, được cô giáo dẫn đi tham quan, ngửa mặt đón gió hồ đầy khoan khoái. Nhìn gương mặt bừng sáng của bọn trẻ trong lớp áo phao đỏ tươi, tôi mơ hồ nhận thấy cả một khoảng đời tươi đẹp bên cạnh ông bà của chính mình.

Quay trở về Hà Nội lần nào, lòng tôi cũng hoài niệm da diết về những tháng ngày gian khó đã qua. Tuổi thơ đã trôi đi, không thể níu kéo, chỉ còn lại mình tôi cô đơn, hoài tiếc thương biết bao kí ức trong quá khứ. Sớm nay trời Sài Gòn oi nồng đến kỳ lạ, lại thấy lòng mình rưng rưng mong chờ một chuyến bay về thủ đô, vùng đất nhiều hoài niệm tuổi thơ./.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Phạm Minh Chánh. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Phạm Minh Chánh