Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Hà Nội trong tôi qua nhạc Trịnh

Phan Ngọc Anh 13/03/2023 10:30

Hà Nội dường như đâu chỉ là tình yêu và nỗi nhớ của riêng người Hà Nội. Ai đó, không phải người Hà Nội đã từng một lần dạo gót qua ba sáu phố phường (phố cổ), trên những con phố cũ (những phố được hình thành vào khoảng cuối thế kỷ XIX đến năm 1954, chủ yếu ở phía Đông và phía Nam hồ Hoàn Kiếm đến đường Đại Cồ Việt; phía Tây kéo đến phố Kim Mã)...

ben-tuong-dai-vua-le-o-ho-guom.jpg
Tác giả bên tượng đài vua Lê ở Hồ Gươm

Hay một lần lặng ngắm những mặt hồ mênh mông sóng nước, bảng lảng mây trời của trái tim cả nước hẳn trong lòng không khỏi vương nhớ, luyến thương để rồi lại ước ao có một ngày được tái ngộ với một Hà Nội cổ kính, trầm tư nhưng không kém phần duyên dáng, mộng mơ. Thậm chí có người chưa một lần đặt chân đến Hà Nội hoặc chỉ nghe kể về tên một loài hoa của nơi ấy thôi nhưng trong lòng đã như thể có sẵn một Thủ đô nồng nàn trong dịu dàng đầy quyến rũ, lay động; thoáng mùi mà ngọt ngào, đắm say, ngây ngất. Và như thế, Hà Nội - thành phố nghìn năm tuổi với những với những mái nhà, hàng cây, con đường, bầu trời, mặt nước… xưa cũ cùng bao nét rêu phong “nằm kề bên nhau” trong nhẹ nhàng, dịu dàng mà thấm thía để gây thương nhớ trong trí tưởng tượng và cả trong những giấc mơ xa của biết bao nhạc sĩ, trong đó có Trịnh Công Sơn để bây giờ chúng ta có một thủ đô dấu yêu lúc nào cũng hiện về vẹn tròn trong những giai điệu và ca từ đầy trang nhã nhưng không kém phần sang trọng của âm nhạc khiến tâm hồn phải rung lên thổn thức.

Hà Nội trong nhạc Trịnh hẳn không phải là nhiều. Nhưng những gì của Hà Nội có trong nhạc Trịnh hẳn sẽ làm người nghe, nhất là người Hà Nội xa xứ không khỏi xốn xang, bâng khuâng trong nỗi nhớ thương da diết, khắc khoải đến khôn nguôi. Này nhé hãy lắng nghe trong “Nhớ mùa thu Hà Nội” ta sẽ thấy hình ảnh thủ đô hiện lên trong những nét bút tả thực qua các đường vẽ bằng những sắc màu đẹp đến nao lòng với những “cây cơm nguội vàng cây bàng lá đỏ”, “nằm kề bên nhau phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu”. Đó là hình ảnh, cảnh vật của những con phố thường ngày vốn rất bình dị và thân quen mà đôi khi ta dễ vô tình với nó. Hà Nội trong nhạc Trịnh không chỉ là bức tranh của cảnh vật hai bên đường phố mà còn có cả hương vị của mùa thu không thể lẫn vào bất cứ không gian nào khác được: “mùa hoa sữa về thơm lừng cơn gió”. Vẫn biết nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không phải là người Hà Nội, khi sáng tác ca khúc “Nhớ mùa thu Hà Nội” cũng chỉ là mới tiếp xúc với Hà Nội nhưng với tâm hồn tinh tế tài hoa của người nghệ sĩ; bằng sự am hiểu và thiết tha với mảnh đất “lắng hồn núi sông” mà hình ảnh của Thăng Long khiến “trời Nam thương nhớ” một thủa hiện lên như những thước phim quay chậm, thậm chí còn hơn thế. Bởi “hương sữa thơm lừng cơn gió” thì ngôn ngữ của điện ảnh cũng sẽ bất lực. Bức tranh mùa thu của thủ đô một ngàn năm tuổi trong khúc ca của Trịnh không chỉ có sắc màu và hương thơm của mùa thu, hoa sữa mà còn có cả hình ảnh và hương thơm của những người con gái làng Vòng “nhất sắc nhất lịch” với gánh cốm màu xanh ngọc để trong lá sen dịu dàng trên hè phố trong thoáng heo may mà chẳng thể nào ở đâu có được: “mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ, cốm sữa vỉa hè thơm bước chân qua”.

tren-pho-di-bo-ben-ho-guom.jpg
Trên phố đi bộ bên hồ Gươm

thế bức tranh thủ đô ở trong “Nhớ mùa thu Hà Nội” còn được Trịnh Công Sơn khéo léo di chuyển “ống kính” sang một không gian tuyệt diệu khác cũng đậm chất Hà Nội không kém gì “phố”: Hồ Tây. Có thể nói thần thái của Hồ Tây đã được nhạc sĩ bắt “vía” để đưa vào trong bài hát. Trịnh Công Sơn đã thâu tóm được cái “thần” của Hồ Tây lúc chiều thu, khi mặt trời sắp tàn để đưa vào bài hát. Dưới con mắt tinh tế của một tâm hồn nhạy cảm và rất mực nghệ sĩ như Trịnh hẳn chỉ cần vài ba nét chấm phá thôi cũng đủ cho Hồ Tây không thể nào sắc nét hơn được nữa. Đó là những cảnh: “mặt nước vàng lay bờ xa mời gọi”, “màu sương thương nhớ”, “bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời”. Thế thôi, vài ba hình ảnh chấm phá được nảy lên từ những ca từ giàu chất tạo hình cũng đủ gợi cho người nghe về hình ảnh của một hồ Dâm Đàm trong ánh chiều vàng thắm phản chiếu mặt nước lấp lánh cùng với chấp chới cánh chim sâm cầm đang giục giã gọi nhau di trú về phương Nam. Chỉ vậy thôi, một Hà Nội kín đáo, trong lành, không khói bụi, chẳng ồn ào mà mềm mại, nhẹ nhàng, thanh bình, sâu lắng với một khoảng trời mênh mông, thoáng đãng bên một bầu dưỡng khí tươi mát đến quá đỗi khi cuối độ thu vàng hiện lên một cách ám ảnh, da diết.

Nếu ở ca khúc “Nhớ mùa thu Hà Nội” người nhạc sĩ đất Huế làm cho chúng ta rung động bởi những cảnh sắc của thiên nhiên để thưởng thức hương sắc của Hà thành thì ở một sáng tác hiếm hoi về Hà Nội khác, “Đoản khúc thu Hà Nội”, Trịnh Công Sơn còn gợi lên ở người nghe một nhịp sống cũng có phần chầm chạp, lặng lẽ như những gì vốn có của Hà Nội trong những nhẹ nhàng, ấm áp của một sắc thu đầy tâm trạng: “mùa thu tràn nỗi nhớ” để cho ta một “cảm thứ mùa” và thêm gắn bó, yêu thương cái thành phố ngàn năm tuổi này hơn. Mùa thu vốn đã nhẹ nhàng, heo may cùng sự mơ màng của tiết trời đất Bắc dễ làm cho cảnh sắc phố phường trở nên mong manh, đôi lúc có vẻ như rất mơ hồ, khó nắm bắt: “Hà Nội mùa thu Hà Nội gió/ Xôn xao con đường xôn xao lá/ Nhoà phố mong manh nhoè phố mưa/ Chợt nắng long lanh chợt nắng thưa”. Đúng là cảnh sắc đất trời của mùa thu Hà Nội, không lẫn đi đâu được. Cảnh sắc ấy dường như khá yên tĩnh, mong manh, mơ màng với những lá, nắng, gió, mưa rất dịu nhẹ trên những con phố “mái ngói thâm nâu” hẳn đã làm cho người nghệ sĩ không phải chỉ có say sưa, đắm chìm theo từng nhịp chuyển động có vẻ không rõ rệt của đất trời ấy mà còn thể hiện một tâm trạng có cái gì đó cũng như đang dùng dằng, rất khó nắm bắt để rồi cuối cùng phải bật lên tiếng những lòng như một sự thú nhận: “Bởi vì mùa thu tôi ở lại/ Hồng má môi em, hồng sóng xa / Vì một bàn tay không ngần ngại / Tặng hết cho tôi một phố chờ/ Sẽ thêm một đời nhớ trăng Hà Nội Thu ơi”.

Mùa thu Hà Nội vốn đã đẹp. Mùa thu ấy lại được khúc xạ qua tâm hồn của những nghệ sĩ thì lại càng đẹp. Cái đẹp của đất trời dường như được kết tinh, chắt lọc đến một ngưỡng nhất định trong tâm hồn đa sầu đa cảm rồi lan toả theo những giai điệu âm nhạc mà đến với người nghe. Bởi thế một Hà Nội hiện lên vừa man mác, trữ tình vừa sang trọng, đài các. Hà Nội trong nhạc đẹp và lay động. Ám ảnh và dư ba. Cứ như thế mỗi nhà nhạc sĩ yêu quí Hà Nội lại dựng lên một bức tranh Đông Đô – Thăng Long – Hà Nội riêng trong lòng người nghe nhạc. Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn cũng vậy, không phải là ngoại lệ. Chỉ với hai ca khúc viết về mùa thu của thủ đô ngàn năm văn hiến thôi nhưng ông đã khắc hoạ trọn vẹn cảnh sắc, thần thái của thành phố dấu yêu, để lại có lẽ không phải chỉ riêng tôi một Hà Nội thâm trầm, dịu dàng, cổ kính, giăng mắc một màu sương mà gây thương nhớ đến vô cùng. Tưởng nhớ Trịnh Công Sơn sau hai mươi hai năm rời cõi tạm, xin gửi đến ông một tấm lòng biết ơn và tri âm của một người Hà Nội.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Phan Ngọc Anh. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Phan Ngọc Anh