Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Hà Nội tình yêu của tôi

Nguyễn Minh 20/02/2023 15:17

Nhà văn Thạch Lam với trang văn nổi tiếng “Hà Nội ba sáu phố phường” đã miêu tả phố cổ Hà Nội với nét đẹp cổ kính, thâm trầm giữa lòng thủ đô hoa lệ. Hà Nội trong bài hát “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” là nỗi nhớ khôn nguôi “Hà Nội mùa này lòng bao nỗi nhớ. Ta nhớ đêm nao lạnh đôi tay…”. Còn trong ý thơ của Hoàng Minh Tuấn là niềm thương day dứt về mảnh đất thân yêu “Hà Nội ơi! Tôi nhớ mãi muôn đời!” Để thấy Hà Nội đẹp và đáng yêu đến nhường nào qua lăng kính nghệ sĩ!

maxresdefault.jpg

Dù là nhà văn, nhà thơ hay nhạc sĩ thì Hà Nội qua con mắt nghệ thuật của họ đều thơ mộng, đẹp đẽ với nhiều hương sắc riêng. Và với mỗi người dân đất Việt hay bạn bè quốc tế, họ đều gửi trọn tình yêu đặc biệt dành cho mảnh đất thủ đô mỗi lần mình đặt chân qua.

“Hà Nội” – chỉ hai tiếng giản dị thôi mà sao đong đầy nhiều cung bậc cảm xúc đặc biệt đến vậy? Đó là tấm chân tình và niềm tự hào vô bờ bến của mỗi con tim đang dồn dập nhịp đập trong lồng ngực mỗi người. Tôi tuy là người con trai miền biển, không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng trong tôi hừng hực niềm khát khao cháy bỏng được sống, lao động và học tập nơi thủ đô yêu dấu.

Mẹ tôi là người Hà Nội, mảnh đất Vân Đình (Hà Tây cũ), nơi có con sông Đáy chảy qua. Vì thế, tôi coi Hà Nội là quê hương thứ hai của mình. Tôi lớn lên bằng những lời ru, bài hát và những câu chuyện kể hấp dẫn của mẹ về đất và người Hà Nội. Tôi yêu cuộc sống bình dị, giản đơn của những con người thuần hậu, chất phác nơi đây. Chúng khiến tim tôi như thắp lửa, rừng rực cháy trong hồn.

Từ nhỏ, mỗi lần được về quê ngoại chơi tôi đều đặc biệt thích thú. Tôi cùng đám bạn hàng xóm chơi đủ mọi trò từ trèo me, trèo sấu, hái ổi,… đến chơi trò trốn tìm, bắn bi, nhảy dây,… Đặc biệt, tôi vô cùng hạnh phúc khi được bà ngoại nấu những món ăn miền quê Hà Nội như: canh sấu trứng cà chua, canh chuối, canh cà pháo,… Bà hay ngồi trong căn phòng nhỏ nhai trầu bỏm bẻm và xem chương trình hài mà tiếng cười giòn giã như trẻ thơ. Hay hình ảnh ông ngoại yêu văn thơ hay tụ tập những bạn văn chương làm thành hội yêu thơ của làng.

Tuổi thơ của tôi trải qua những tháng ngày đẹp đẽ vì có Hà Nội với những người thân yêu hằn sâu nơi kí ức. Bà ngoại tôi tảo tần sớm khuya nuôi dạy một bầy con thơ vất vả, nhọc nhằn nên thỉnh thoảng bà hay trở mình vì đau xương khớp. Điều đó khiến tôi không khỏi chạnh lòng và xót xa. Còn ông ngoại biết tôi yêu thơ văn và muốn nối nghiệp mình đã vô cùng hạnh phúc gom góp từng cuốn sách cũ, chắt chiu từng áng văn, bài thơ và kinh nghiệm sáng tác dành cho đứa cháu nhỏ. Đặc biệt là, ông dạy tôi học làm người, sống có tâm – có đức,… Tôi nhớ nằm lòng những lời chỉ bảo tận tâm của ông và tự dặn lòng mình phấn đấu thành đạt, sớm khuya miệt mài học tập, phấn đấu đỗ đại học trên Hà Nội, sau này làm vẻ vang dòng họ.

Với lũ trẻ quê mùa ngày ấy như tôi, được học trên Hà Nội là hãnh diện và sung sướng lắm! Do đó Hà Nội trở thành mục tiêu sống còn của những tâm hồn chưa một lần vấn vương bụi bặm. Chúng tôi phấn đấu học hành hăng say lắm! Hà Nội trở thành niềm tin, hi vọng và mục đích, ước vọng cao cả. Tôi vẫn nhớ lần thi đại học năm đó mình được đến thăm lăng Bác. Bao nhiêu háo hức, mong chờ, hồi hộp và cảm xúc vừa yêu thương, tự hào, kính trọng như vỡ oà, tôi dành lòng thành kính dâng lên vị cha già dân tộc.

Rồi cái ngày định mệnh ấy cũng đến. Tôi đỗ đại học. Nhưng tôi biết, người hạnh phúc nhất là ông ngoại. Ông gọi điện chúc mừng tôi trong tiếng nghẹn ngào. Tôi biết những giọt nước mắt ý nghĩa ấy như lời chào mừng đến Hà Nội, ông dành cho tôi như từ lâu lắm. Cái ước vọng trở thành sinh viên Hà Nội của tôi đã thành hiện thực. Những tháng ngày miệt mài trên giảng đường Văn khoa mới tươi đẹp làm sao! Và cũng từ đó, sau những buổi học trên lớp, tôi lại rong ruổi đạp xe trên các tuyến phố, khám các ngõ ngách Hà Nội. Tất cả mới tuyệt vời làm sao!

Những cung đường đẹp nhất Hà Nội đang chờ tôi khám phá mà thuở nhỏ mình ao ước được bước chân qua. Đó là con đường Hoàng Diệu rợp bóng xà cừ cổ thụ, nơi gắn bó với những di tích nổi tiếng. Đó là đường Phan Đình Phùng với những hàng sấu già sum suê tạo không gian mát mẻ, nơi gắn bó với những địa điểm du lịch thu hút nhiều khách tham quan. Đó là đường Thanh Niên lãng mạn – chia hai nửa một bên là hồ Tây, một bên là hồ Trúc Bạch – nơi gắn bó với phong cảnh thơ mộng lúc bình minh lên và hoàng hôn buông xuống. Ánh mặt trời toả xuống mặt nước long lanh như dát vàng đẹp mê hồn như muốn níu kéo bước chân người…

Hà Nội với phong cảnh nên thơ, lãng mạn là thế và mỗi lần đi qua tôi không khỏi lưu luyến cái dư vị đặc trưng của ẩm thực Hà thành. Nào là vị ngọt ngào, nóng hổi gây thương nhớ của tô phở truyền thống người Hà Nội. Nào là vị đậm đà, ngon khó cưỡng của đĩa bún chả. Nào là những nắm xôi cúc tròn đầy, ấm nóng trong tiếng rao đêm da diết trở thành kỉ niệm khó phai đời sinh viên mỗi lần thức đêm khi mùa thi về… Đặc biệt, điều không trộn lẫn trong văn hoá Hà Nội là trà đá vỉa hè không phân biệt tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp mà vô cùng giản dị, mộc mạc đến bất ngờ. Đây đó trên các con đường Hà Nội mọc lên những quán cà phê cóc phục vụ đông đảo khách thập phương…

Hà Nội trong tưởng tượng của tôi khác xa với thực tại. Không hào nhoáng mà vô cùng dung dị với những ngôi nhà kề sát vai nhau trong những con phố chật hẹp, nhuốm màu rêu phong cổ kính. Này sắc hồng của những nụ đào thắp lên mùa xuân. Này Hồ Tây mùa hạ lộng gió đưa hương sen thơm ngát. Này con đường mùa thu ngập tràn lá vàng rơi. Này những đoá cúc hoạ mi mùa đông tinh khôi, e ấp,… Với bốn mùa dệt mộng nên thơ khiến tôi bất chợt nhớ đến một ánh mắt, một làn môi và bàn tay mềm mại của cô gái Hà Nội dịu dàng, đáng yêu, bí ẩn với chút kiêu kì cùng tiếng nói trong trẻo, nhẹ nhàng ấy.

Tốt nghiệp đại học, tôi chọn Hà Nội là nơi lập nghiệp. Và tôi đã mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ. Rồi tôi kết hôn với người con gái Hà Nội vốn là bạn thân thuở trước. Giờ đây, tôi đã có một gia đình nhỏ làm chốn đi về. Hà Nội của tôi cũng thay đổi nhiều lắm. Không còn dáng vẻ rêu phong, trầm mặc, Hà Nội khoác lên mình một bộ mặt náo nhiệt, ồn ào của một đô thị hiện đại, sầm uất. Những toà nhà nhiều tầng mọc lên như nấm sau mưa. Những công trình kiến trúc hoành tráng mọc san sát nhau. Phố xá đông vui, nhộn nhịp nhưng cũng ô nhiễm, tắc đường liên miên. Mặt trái văn hoá ứng xử của con người cũng nhiều. Tuy thế, tình yêu của tôi dành cho Hà Nội vẫn không thay đổi.

Giờ đây, tôi đã ở vào lứa tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn còn được trời phú cho sức dẻo dai hiếm có. Sáng sáng, tôi vẫn đạp xe ra bờ hồ tập thể dục, ngắm hồ Gươm trong ánh ban mai rực rỡ. Cầm tờ báo cùng cốc cà phê sớm với những bạn già bàn đủ mọi chuyện đời. Rồi tôi đến phố sách ở Đinh Lễ chọn những cuốn sách hay và ôn lại thuở hàn vi hay đến các nhà sách đọc ké vì túi tiền sinh viên ít ỏi. Chiều chiều, tôi lại ghé đến ghế đá công viên chơi cờ tướng, ngắm nhìn dòng người qua lại ngược xuôi thấy mình sao mà bé nhỏ trước một Hà Nội rộng lớn và bao dung đến vậy?

Các con tôi giờ đã thành đạt và đều định cư ở nước ngoài. Chúng có ý muốn rước tôi sang sống cùng nhưng làm sao chúng hiểu được rằng có một ông già “lẩm cẩm” chỉ muốn gắn bó suốt đời với mảnh đất Hà Nội yêu thương?! Mỗi dịp Tết đến, xuân về bên mâm cơm ấm cúng gia đình, tôi lại ôn những kỉ niệm cũ nơi làng Vân Đình thuở trước có những con người chân chất, đôn hậu như ông, bà, mẹ,… đã nuôi nấng và dạy dỗ tôi thành người. Và tôi cũng dặn dò các con tôi dù có đi đâu, làm gì thì cũng không quên được tiếng Việt, hãy dạy cho các cháu tôi văn hoá người Hà Nội để chúng không quên được nguồn gốc của mình.

Dù có nhắm mắt, xuôi tay thì tình yêu và sự gắn bó của tôi với Hà Nội càng bền chặt vì hình ảnh Hà Nội luôn trong trái tim tôi!

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Nguyễn Minh. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Nguyễn Minh