Thịt chuột ở Canh Nậu

Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi - Ngày đăng : 16:22, 15/02/2023

Tại nhiều vùng quê nước ta, thịt chuột thành đặc sản. Khi thu hoạch lúa xong, ruộng đồng khô ráo là bắt đầu mùa săn chuột. Lũ lượt nhóm người tay cuốc, tay thuổng, bao tải râm ran rủ nhau đi kiếm tìm hang hốc trên những cánh đồng mới gặt. Từ đây, nhiều làng săn chuột lừng danh đã ra đời.
mam-thit-chuot.jpg
Trong phiên chợ sớm, từng mẹt chuột đồng sau khi làm lông, mổ bụng, thui vàng được bưng ra.

Từ tháng chín đến tháng chạp âm lịch, nông dân các làng xã ven Hà Nội như: Canh Nậu, Ba Vì, Thanh Oai, Thường Tín… có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày từ nghề săn chuột đồng.

Nổi tiếng là làng Canh Nậu (Thạch Thất, Hà Nội). Xưa kia, đất Canh Nậu chỉ có nghề mộc và nghề trồng lúa. Thời gian nông nhàn, dân làng phải ra đồng bắt cá, bắt chuột kiếm sống. Nghề săn chuột của dân làng cũng bắt đầu từ đấy. Vào mùa mưa, cả cánh đồng ngập trắng. Chuột đồng lũ lượt kéo nhau lên các gò đất cao. Dân làng chỉ việc quây rơm, đốt trụi cả gò rồi đào hang bắt chuột. Sau này, người Canh Nậu săn chúng quanh năm nhưng đông nhất vẫn là những tháng cuối năm.

Chuột đồng thường đi theo luồng. Những người săn chuột ở Canh Nậu có nhiều phương pháp như: Đi soi, đi bẫy, đi úp, đổ nước, dồn đuổi… Cứ vào buổi chiều, đám trai làng lại chuẩn bị đồ nghề: cuốc, thuổng, vợt, vài bó rơm khô để hun hoặc không có rơm thì thay bằng xô múc nước. Khắp đồng trên, đồng dưới, là những tốp người hì hụi đào hang, hun chuột, đặt bẫy…

Ở Canh Nậu, săn chuột là nghề mưu sinh nuôi cả gia đình. Khắp cánh đồng, từ đứa trẻ lên mười đến các cụ cổ lai hi đều gắn với những cánh đồng lúa. Người dân săn chim, bắt chuột đồng bán lấy tiền sắm sửa đồ dùng và trang trải mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình. Cái nghề săn chuột tưởng chỉ là thú vui đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều người dân Canh Nậu nuôi sống cả gia đình, giúp con cái ăn học nên người.

Trên xe máy tang tàng mang theo hàng trăm chiếc bẫy, người săn chuột đi khắp cánh đồng, có khi xa nhà hàng chục cây số. Mỗi người đều có một kinh nghiệm riêng, phải có những mẹo vặt để săn bắt chuột. Khi xác định cánh đồng có luồng chuột chạy, người dân tiến hành đặt bẫy. Người săn sử dụng bẫy kẹp loại nhỏ đường kính chừng năm sáu phân, vành có răng cưa được đặt khéo léo để kẹp đúng chân chuột. Đặt bẫy xong là trời xẩm tối. Ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ. Chừng mười giờ đêm là trở lại thu những chiếc bẫy đặt từ chiều. Bất kể ngày nắng hay mưa, ngày đông giá rét, công việc kết thúc vào nửa đêm.

Người Canh Nậu thường chọn bắt ba loại chuột: Chuột đồng, chuột đất (đũi) và chuột lai nhím. Đó là loại chuột cho thịt ngon chế ra hàng chục món khác nhau: Sào, hấp, quay, om, nướng, luộc… ăn kèm với lá chanh và rau má.

Dân săn chuột ngày càng đông, người khôn của khó. Chuột không còn nhiều, những thợ săn chuyên nghiệp trong làng thường phải di chuyển xa hơn, đến các xã huyện khác tìm những đồng lúa, đồng cỏ mới.

Cuối ngày, từng tốp trở lại làng với những lồng chuột đầy ắp. Hôm sau, trong phiên chợ sớm, từng mẹt chuột đồng sau khi làm lông, mổ bụng, thui vàng được bưng ra. Ngoài những mặt hàng như: Rau, củ, quả, thịt cá… mẹt thịt chuột trở thành mặt hàng không thể thiếu tại chợ làng Canh Nậu và được coi như thực phẩm hàng ngày.

Không chỉ có mặt tại chợ, chuột đồng Canh Nậu còn được các nhà hàng đặc sản săn lùng. Bao nhiêu cũng thu mua, bao nhiêu cũng hết chủ yếu là các mối quen biết tại chợ, nhà hàng, người thân.

Trong khi nhu cầu sử dụng tăng cao mà lượng chuột đồng ngày càng hiếm, số chuột săn được cũng chỉ đủ để tiêu thụ ở những mối quen, nhiều người muốn ăn phải đặt hàng trước từ dăm ba ngày. Những năm trở lại đây, làng săn chuột Canh Nậu được nhiều người biết. Những người sống bằng nghề này cũng có thu nhập ổn định, gấp nhiều lần so với nghề làm nông.

Người dân Canh Nậu vẫn tự hào đi đến đâu cũng được dân quý, không ai ghét người săn chuột. Bởi nghề săn chuột của làng không chỉ là một thú vui nông nhàn, một nét đặc sắc của làng quê mà còn góp phần bảo vệ mùa màng, đồng thời mang lại thêm thu nhập chính đáng cho nhiều gia đình.

Chuột đồng càng trở nên khan hiếm do diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp. Không ít người vì lợi nhuận đã trà trộn chuột cống loại nhỏ vào những thau chuột đồng làm sẵn rồi đem bán. Không phải ai cũng đủ kinh nghiệm để phân biệt được đâu là chuột đồng, đâu là chuột nhà. Nhưng những người săn chuột ở làng Canh Nậu có nhân cách thường chọn cánh đồng xa khu dân cư tránh bẫy chuột nhà. Đặc điểm của chuột đồng màu lông vàng óng, chân nhỏ, bụng trắng; còn chuột nhà thì có lông đen, thân to, chân to khi sơ chế mùi hôi. Mọi người mua và ăn chuột đồng phải biết rõ nguồn gốc bởi chính vì còn những kẻ thiếu đạo đức lẫn lộn trong việc làm ăn như vậy.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Trần Tâm. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Trần Tâm