Thương nhớ Bác khôn nguôi

Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi - Ngày đăng : 16:26, 03/02/2023

Năm ấy tôi mười tuổi, cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, nhưng những tình cảm của người dân trong những ngày Bác mất vẫn in đậm mãi trong tâm trí tôi.
hh.jpg

Hồi ấy, gia đình tôi đang sơ tán ở một vùng rừng núi phía Tây Thanh Hóa, cuộc sống lao động nghèo khổ, vất vả nhưng nồng ấm tình người. Thời ấy, nhà ai có cái radio be bé thì thật là sang. Tôi rất thích nghe nhạc hiệu và lời xướng “Đây là đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội…”, tôi ước được ra Hà Nội, ước được gặp Bác Hồ. Tôi thích nghe tin tức hàng ngày ở chiến trường miền Nam, nghe kể chuyện cảnh giác vào tối thứ bảy. Dù pin hiếm, được nghe ít, nhưng các câu chuyện cảnh giác với chị em tôi thật cuốn hút.

Một buổi sáng đầu tháng 9 năm 1969, vừa tỉnh mắt tôi nghe ba má tôi khóc, rồi họ đi đâu đó. Tôi không hiểu việc gì đang xảy ra, tôi tò mò ra đường, thấy từng tốp người tụ tập và rất nhiều người khóc. Lát sau tôi được biết Bác Hồ đã ra đi. Quả thật không thể ngờ, một tin sét đánh, đất trời như sụp đổ, không ai tin Bác Hồ đã mất. Vẫn biết tuổi Bác đã cao, sức khỏe yếu nhưng ai cũng nghĩ Bác của chúng ta bất tử, hoặc ít ra cũng đến ngày chiến thắng để Bác được thỏa nguyện vào thăm đồng bào miền Nam ruột thịt, được ôm hôn các cháu thiếu niên, nhi đồng như Bác hằng mong ước và thể hiện trong di chúc: “Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta.” Vậy mà... ôi, đau đớn, xót xa, thương tiếc quá!

Cả đội sản xuất, cả nông trường sụt sùi ngày đêm, nhất là khi làm lễ truy điệu Bác ở cách nhà tôi chừng 5 cây số. Người lớn, trẻ con dậy đi bộ từ sáng sớm và đã có mặt đông đủ, chật ních cả bãi đất rộng. Tiếng súng tiễn đưa Bác không át được tiếng khóc, nỗi đau tiếc thương Người. Đau đớn còn hơn mất cha, mất mẹ, mất người thân yêu ruột thịt của mình. Quả thật: "Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa" (Tố Hữu).

Tiếng nấc ấy, những giọt nước mắt ấy vẫn lăn dài trên má từng dòng người vào lăng viếng Bác năm 1976, sau khi lăng Bác được khánh thành. May mắn có mặt trong dịp đó, tôi không thể nào quên những tiếng nấc nghẹn ngào, những đôi mắt đỏ hoe, những đôi chân không muốn rời, những cái đầu cứ ngoảnh lại muốn được gần Bác thêm đôi chút.

Từ năm 2002 được chuyển ra sống ở Hà Nội, tôi cũng đã nhiều lần vào viếng Bác. Từng dòng người xếp hàng dài, thành kính, trang nghiêm và xúc động vô cùng, nước mắt cứ chực trào ra. Bao người lớn tuổi cứ sụt sịt hoài, cứ rưng rưng mãi, nhất là các má, các chị ở miền Nam ra, các bà, các mẹ ở miền núi, trung du, đồng bằng và ở nước ngoài về viếng Bác.

Mỗi lần có dịp đi qua lăng Bác, cảm xúc xưa lại ùa về nguyên vẹn trong tôi, lại ngấn lệ vòng quanh. Tôi nghĩ không chỉ tôi, mà có lẽ tất cả những người dân Việt Nam, đặc biệt là những người cùng thế hệ với tôi vẫn nhớ thương Bác, vẫn xúc động khôn nguôi khi nghĩ về Bác, khi đến viếng Bác. Và cứ tết đến xuân về lại thèm được nghe tiếng Bác đọc thơ chúc Tết, mỗi đêm giao thừa vẫn như văng vẳng đâu đây giọng Nghệ trầm ấm, thân thương, sâu lắng của Người:

"Năm qua thắng lợi vẻ vang,

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.

Vì độc lập , vì tự do,

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào.

Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,

Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn!

(Thơ chúc Tết Xuân 1969 của Bác Hồ)

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Phạm Thị Hồng Thu. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Phạm Thị Hồng Thu