Phở gánh, tình yêu và nỗi nhớ Hà Nội

Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi - Ngày đăng : 11:46, 16/01/2023

Mấy hôm rày đọc được những dòng tin tức kiểu Hà Nội trở lạnh, người dân diện áo ấm, quàng khăn ra đường khiến tôi nhớ Thủ đô da diết. Lý do ư, đơn giản lắm, mảnh đất ấy là lần đầu tiên tôi biết yêu và biết đến món phở gánh.
than-thuong-4-tu-pho-ganh-ha-noi-4.jpg
Bát phở tươm tất lắm, miếng thịt to, thái dày nhưng lại mềm, ăn vừa miệng (ảnh: internet)

Giữa hàng tá những thức quà đặc biệt của Hà Nội như bún, xôi, bánh đúc… Phở ra đời trên những đôi quang gánh bán rong ập vào mắt tôi trong lần đầu tiên chạm ngõ thủ đô mang lại cảm xúc đặc biệt. Nhất là biểu tượng phở gánh mà tôi ăn là ở Hàng Chiếu – nơi đã trở thành một phần ký ức xa xôi.

Tôi nhớ mãi cái lần đầu tiên ăn phở gánh được nghe con gái Hà Nội xưng “U” lạ tai mà thương mến, đầy ắp cảm tình. "U ơi, cho con bát sốt vang nhé". "U ơi, con bát tái chín không hành, thêm ít quẩy". "Còn sốt vang không u ơi?" - nghe yêu thật sự.

Người tôi yêu nói rằng tiếng khách gọi đồ không ngớt trong quán phở nhỏ vừa lạ mà vừa quen. Ở Hà Nội, các bạn trẻ thường có một bà u như thế. Thường thì đó là một bà bán nước vỉa hè hoặc một bà trông xe. Gọi u là tiếng thân thương, trìu mến chứ không phải ám chỉ tuổi già.

Ăn phở gánh lề đường là lựa chọn mà tôi cảm thấy mình hòa nhập nhanh hơn ở đất Thủ đô. Dĩ nhiên có hàng hà quán phở khang trang, to bự khắp các phố, các phường ở Hà Nội. Nhưng cái "chất" đường phố, bình dị của phở gánh lại khác hẳn nhé, nhất là khi nửa đêm chừng sáng thấy đói và thấy lành lạnh.

Tôi nhớ phố cổ, nhớ những con đường mình và người con gái đó từng đi qua, nhớ những đêm lạnh cùng nhau xì xụp bát phở gánh. Ăn phở gánh có thể xem như cái thú vui về đêm ở Hà Nội. Đặc biệt trong những đêm đông, cảm giác ngồi chờ tới lượt được bưng bát phở nóng hổi phải diễn tả bằng 2 từ "hạnh phúc". Cái ngon nhất của quán phở gánh "u Thoa" Hàng Chiếu ngày ấy là món phở sốt vang. Vì bát phở tươm tất lắm, miếng thịt to, thái dày nhưng lại mềm, ăn vừa miệng. Nhiều người vì mê sốt vang của "u" mà phải lục đục dậy nửa đêm để mò ra đường ăn, tôi là dân ngoại đạo còn mê nữa là…

than-thuong-4-tu-pho-ganh-ha-noi-7(1).jpg
ảnh: internet

Văn hóa giao tiếp và ẩm thực mỗi vùng miền khác nhau, nên món phở cũng thế, phải nhập gia tùy tục lắm. Tôi không thấy lạ khi ai đó ví việc bán phở gánh giống như việc làm dâu trăm họ vậy. Đơn cử như muốn ăn ngon phải đi xa và đôi khi chấp nhận sự chờ đợi. Vì rằng việc chờ phở cũng không đơn giản. Thường thì không bao giờ bạn ra là có phở để ăn. Những người muốn ăn sớm phải chờ từ lúc gánh phở còn chưa xuất hiện (khoảng 2h). Ít thì nửa tiếng, lâu thì khoảng một tiếng sau mới được ngồi ăn do người bán còn mất thời gian chuẩn bị. Chẳng vì thế, nhiều người nói đi ăn phở gánh như "đi hành" nửa đêm. Có người tới một lần và chẳng bao giờ quay lại nữa. Nhưng cũng có những người gắn bó với gánh phở suốt nhiều năm trời, người ấy của tôi từng cho biết như thế.

Tôi yêu người con gái đất Hà Nội đó theo cái cách đơn thuần nhất của một người con trai “chiều tới bến”. Cái hay ho là tôi thích đi du lịch, thích khám phá những khẩu vị mới, tôi mê Hà Nội vì ở đây có nhiều cái ra trò lắm, phở gánh là một ví dụ điển hình.

Chẳng thế mà nhà văn Nguyễn Tuân trong tùy bút về Phở của mình còn cho rằng: “Phở còn tài tình ở cái chỗ là mùa nào ăn cũng thấy có nghĩa thâm thúỵ”. Mùa nắng ăn một bát phở gánh, mồ hôi ra đầm đìa, gặp cơn gió mồ côi lùa qua, thế là mát lạnh. Mùa đông lạnh ăn phở gánh lại còn sướng nữa, da dẻ tím tái vì cái lạnh ăn bát phở lại hồng hào trở lại ngay.

Hàng phở gánh đỗ ở một góc, từ đó nồi nước dùng thơm nức mũi, một mùi thơm đánh thức mọi giác quan tỏa ra khắp con phố nhỏ, làm xôn xao cả ruột gan phèo phổi. Ở đó, chỉ một lát là người ta xúm lại. Người có tiền thì ăn một bát phở đầy đủ cả tái, chín, mỡ gầu giòn thơm, người ít tiền thì chỉ cần bánh phở dẻo thơm, chan vào nước dùng ngon ngọt là đủ. Dù ít, dù nhiều bát phở gánh cũng đủ xua đi cái đói đến hoa cả mắt, cái mệt nhọc đến tái cả người của thực khách.

Thực bụng mà chia sẻ thì tôi thích cái cảm giác ngồi vỉa hè, xì xụp bát phở nóng hổi. Cái thú vị của phở gánh tôi nghĩ là cảm giác, hương vị chắc cũng một phần thôi. Giờ ở Hà Nội hay Sài Gòn, biết kiếm được đâu cái không gian đầy hoài niệm như thế. Bát phở ở trong nhà hàng lớn của hôm nay tôi ăn thấy lạ lắm. Hương vị vẫn vậy nhưng cái cảm giác nó cứ hụt hẫng, thiếu thiếu gì đó.

Những chuyến bay đến rồi đi đều đặn, những cái ôm chặt, những nụ hôn nồng và những lần cùng nhau đi cá kiếm một bát phở gánh trở thành kí ức không thể nào quên. Tuổi trẻ là phải đi, là trải nghiệm, là dám yêu và dám chịu trách nhiệm.

Chúng tôi của thì hiện tại có cuộc sống riêng, mỗi đứa có hạnh phúc mới nhưng bức tranh nhiều màu tươi sáng của một thời hò hẹn thì vẫn treo ở một góc ấm áp theo cách riêng. Tôi vẫn giữ thói quen ăn phở và vẫn yêu phở Thủ đô bằng việc lần tìm quán cũ để ăn phở gánh của U Thoa, dù giờ ngồi trong quán chứ không chồm hổm như ngày xửa ngày xưa. Có lẽ, những gánh phở rong đã trôi dần vào dĩ vãng, song mỗi lần nhắc tới phở gánh không chỉ nhớ đến nó như một thức quà ngon, mà tôi còn nhớ đến phở gánh như là một thức quà mang cả linh hồn, nét văn hóa của ẩm thực Hà Nội và của một thời hoa niên đầy niềm nhớ.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Mai Trung. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Mai Trung