Lễ thượng cờ thiêng liêng

Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi - Ngày đăng : 09:51, 14/01/2023

Tôi là người miền Nam nhưng lúc nào cũng tự nhận mình người Hà Nội bởi cả thời thanh niên sôi nổi của tôi được sống, học tập và làm việc tại Thủ đô thân yêu, từng góc phố con đường Hà Nội in đậm trong tâm trí tôi.
2.jpg

Lễ Thượng cờ tại Quảng trường Ba Đình

Nhớ thời đó nghèo, sinh viên thì làm gì có tiền, nhưng ngày nghỉ nào tôi cũng bắt xe bus lên Bờ Hồ, tha thẩn xem vẽ tranh, vẽ truyền thần, nhìn ngắm đền Ngọc Sơn, Tháp Rùa, đôi khi bước chân lang thang ra tận cầu Long Biên để được hít thở cái nồng nàn phù sa của dòng sông Hồng đỏ quạch.

Và nhớ những đêm đông vắng lặng, tôi cùng thằng bạn thân ngồi co ro bên bếp than hồng của chị bán hàng rong chân cầu Long Biên, nhâm nhi từng hạt ngô nướng, cười cười nói nói với biết bao nhiêu tình cảm chân tình dành cho nhau. Nụ cười của chị hàng rong tỏa sáng, nụ cười trong veo dù hằn những nỗi nhọc nhằn trên khuôn mặt đang bạc màu dần cùng năm tháng.

Đi đâu, làm gì tôi vẫn nhớ về Hà Nội. Ở miền Nam nhộn nhịp nóng ẩm này, trong lòng tôi vẫn luôn hướng về Hà Nội. Đêm trên con đường vắng từ cơ quan về nhà, bất chợt vị hương của một loài hoa nào đó thoảng qua. Tôi lại nhớ về mùi hoa sữa nồng nàn của Hà Nội, cái mùi đặc trưng mà đêm càng về khuya thì lại càng ngào ngạt lan tỏa. Không thể nào quên được cái mùi hương hoa sữa ấy được.

Tôi nhớ cả vị sấu dầm, nhớ cả hương cốm đầu mùa, mỗi khi có bạn Hà Nội vào Nam biếu tặng, tôi cứ hít hà và chần chừ thưởng thức, con tôi ngạc nhiên và bật cười với sự tiếc nuối đó, nó vô tư nói: “Mấy thứ này ra siêu thị có đầy, ba cần gì phải vậy?”, nhưng nó nào hiểu được lọ sấu dầm hay ít cốm được gói bằng lá sen thơm ngát kia là chân tình mà người bạn Hà Nội muốn gửi gắm cho tôi, để rồi khơi gợi trong tôi những nhớ thương Hà Nội da diết.

Giờ đây, mỗi dịp được ra Hà Nội công tác, tôi luôn dành thời gian dậy thật sớm, đi bộ men theo Hồ Tây, ra đường Thanh Niên để về Quảng Trường Ba Đình lịch sử, dự lễ thượng cờ sáng.

Cảm xúc thiêng liêng khi đội tiêu binh cử hành nghi thức thượng cờ như là những giọt nước tinh khôi gột rửa cho tôi trôi đi bộn bề cuộc sống thường ngày với cơm áo gạo tiền, với những bon chen xã hội, thậm chí với những tính toán nhỏ nhen ích kỷ của cái tôi cá nhân quá lớn. Tôi trở về với nguyên bản và tinh khôi. Sống lại trong tiềm thức của tôi là một tình yêu quê hương đất nước mãnh liệt vô bờ bến.

Trong giây phút thiêng liêng, khi giai điệu bài "Tiến quân ca" vang lên hùng tráng, không ai bảo ai, hàng trăm người có mặt tại quảng trường Khu di tích Hồ Chí Minh và cả những người đi qua đường Hùng Vương nhanh chóng trở về tư thế đứng nghiêm, cùng hướng về lễ đài với tấm lòng thành kính, ngưỡng vọng và tin yêu. Có lần tôi đã khóc, những giọt nước mắt lăn dài trên má khi nhìn ngắm lá cờ tổ quốc thiêng liêng đang dần được kéo lên cột cờ, bất chợt nhận thấy màu đỏ của lá cờ sao thắm quá? màu vàng của ngôi sao sao tỏa sáng quá? rồi bất chợt rùng mình khi nghĩ: “Ta đang ở đây, giữa Ba Đình thênh thang và lộng gió này, trước Lăng Bác uy nghiêm này, đứng một cách hiên ngang và hòa bình là sự đánh đổi của biết bao hi sinh, xương máu của ông cha đã ngã xuống, biết bao đau đớn gian lao mà dân tộc đã trải qua”.

Tâm hồn tôi được tươi mới, được “Restart” lại về những cảm xúc tốt đẹp. Hình ảnh những người lính Cụ Hồ dứt khoát tung cờ để màu cờ đỏ phấp phới bay trong gió trong tiếng nhạc quân hành hào hùng chắc có lẽ là hình ảnh đẹp của Thủ đô ngàn năm văn hiến, là một sự kiện – sự kiện tuy là thường nhật nhưng rất trang trọng, là đặc ân dành riêng cho người dân Hà Nội và là một trải nghiệm phải có được trong đời của bất kỳ người con dân tộc Việt Nam yêu Tổ quốc trên mọi miền đất nước thân yêu này.

Để ta thấy tự hào hơn về dân tộc Việt Nam, để ta thêm trân quý những phút giây bình yên và hạnh phúc hiện tại, và để ta suy nghĩ thêm về trách nhiệm của bản thân mình với gia đình, quê hương và Tổ quốc.

Bẵng đi vài năm không có cơ hội được đi, lần vừa rồi có dịp công tác ra lại Hà Nội. Tôi không khỏi giật mình ngạc nhiên. Hà Nội giờ đây khác quá, đường đi từ sân bay Nội Bài về trung tâm Thành phố xe cứ chạy bon bon, cầu Nhật Tân sừng sững bắt qua sông Hồng quá hoành tráng. Những địa danh như Cổ Nhuế, Nam Từ Liêm, đường Phạm Văn Đồng phát triển không thể nhận ra được. Những khu đô thị, chung cư, cao ốc đèn sáng loáng trong đêm, đường phố quang đãng và sạch sẽ.

Nếu lần đầu tiên đặt chân đến Hà Nội, bạn sẽ có cảm giác đang ở một Thủ đô phát triển như bao thủ đô phát triển khác trên thế giới. Còn nếu đã từng mặc định trong đầu về những hình ảnh xưa cũ của một Hà Nội cũ kỹ, cổ kính thì sẽ rất ngạc nhiên, như tôi đã từng ngạc nhiên.

Giờ đây, tôi không đủ tự tin khi một mình đi giữa phố phường Hà Nội nữa rồi vì không cẩn thận sẽ nhầm đường như chơi với hệ thống đường xá phát triển. Nhưng nếu vào khu 36 phố phường thì vẫn vậy, những nét cổ xưa đã từng ấn tượng trong tôi thì giờ đây, tôi cũng không khó để tìm lại những hình ảnh ấy. Hà Nội đang dần phát triển, xen kẽ giữa một đô thị hiện đại là bảo tồn những kiến trúc có giá trị về lịch sử. Vâng, nên vậy!

Không chỉ người Hà Nội mới tự hào về nơi mình đã và đang sống. Ngay cả những người con phương Nam như tôi, mỗi khi nghĩ về Hà Nội cũng luôn đong đầy cảm xúc tự hào và thương nhớ.

Như tôi đã nói, đi đâu, làm gì, tôi cũng thường tự nhận mình là người Hà Nội.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả An Tuấn. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

An Tuấn