Yêu Hồ Tây

Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi - Ngày đăng : 08:31, 04/01/2023

Có ai đến Hồ Tây mà không yêu Hồ Tây? Yêu Hồ Tây, tìm hiểu về Hồ Tây, ta càng yêu, càng quý, càng trân trọng và hạnh phúc biết nhường nào!
khung-canh-ho-tay(1).jpg
Khung cảnh Hồ Tây (nguồn: internet)

Yêu con đường Cổ Ngư (Thanh Niên) thơ mộng và lãng mạn. Cổ Ngư là cách đọc trại từ Cố Ngự - nghĩa là giữ cho vững con đê được làm để đi qua Hồ Tây cho gần, không phải đi vòng, có từ xưa. Con đường đã đi vào thơ ca nhạc họa, vào tâm khảm của bao thế hệ, có người chưa một lần đặt chân đến con đường ấy nhưng vẫn mê và háo hức muốn đến một lần trong đời khi nghe những bài hát về Hồ Tây, về đường Cổ Ngư, trong đó có bài “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” của nhạc sĩ Trương Quý Hải có câu “Đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về”. Yêu ngôi chùa Trấn Quốc cổ kính, phong rêu. Yêu cái khát vọng dựng chùa để giúp dân xua đi thiên tai, đem lại cuộc sống yên bình của ông cha ta. Yêu kem Hồ Tây mát từng kẽ tóc những buổi trưa hè và bốc khói thật hấp dẫn khi những cơn gió lạnh ùa về. Yêu bánh tôm Hồ Tây - món ăn đặc sản nổi tiếng lâu rồi. Tôm Hồ Tây mỏng vỏ, chắc thịt, được chiên giòn với bột bánh béo ngậy, thơm lừng, chấm với nước mắm chua cay, ăn kèm với rau sống, thật tuyệt. Chỉ tiếc tôm Hồ Tây bây giờ không sinh sản kịp để phục vụ thực khách. Nhưng món đặc sản ấy vẫn hút khách mỗi lần đến với Hồ Tây.

Yêu ánh hoàng hôn lặn trên mặt hồ. Năm 1982, tôi ra Hà Nội chơi, lần đầu tiên tôi đến Hồ Tây và được chiêm ngưỡng vẻ đẹp ấy. Hồi đó chưa có điện thoại để lưu giữ khoảnh khắc tuyệt vời, nhưng cái máy ảnh của bộ não tôi vẫn còn lưu mãi. Sau này được sống ở Hà Nội, nhiều lần được ngắm hoàng hôn trên Hồ Tây, lần nào cũng đẹp, nhưng có lẽ lần đầu là ấn tượng nhất. Tôi không nhớ hết và không biết lột tả thế nào cho hết cảm giác được chiêm ngưỡng một vẻ đẹp diệu kì, vàng rực, lung linh, vàng loáng cả mặt hồ, cả vạn vật trần gian, những tia mây óng ánh vàng như lũ trẻ nhảy nhót đùa vui quanh ông mặt trời. Nhưng mặt trời cũng vô cùng huyền bí, chỉ trong tích tắc nếu bạn không chộp kịp khoảnh khắc kì ảo ấy thì mây hoặc dãy núi, dãy nhà xa kia đã ăn mất mặt trời của bạn.

Yêu những ngôi chùa ven Hồ Tây như Kim Liên, Hoằng Ân, Phổ Linh, Tảo Sách, Vạn Niên, Tứ Liên, Thiên Niên (Trích Sài), Võng Thị... Đó là chốn tâm linh, nơi gửi gắm tâm hồn của con người. Người dân quanh vùng đến lễ chùa để cầu bình an, sức khỏe cho gia đạo, đến chùa để hòa vào cái không khí thanh tịnh, an yên để trút bớt cái gánh nặng áo cơm, cái dằn vặt đời thường, để cho lòng thanh thản, nhẹ nhàng, để sống tốt hơn, lương thiện hơn.

Yêu Phủ Tây Hồ nơi thờ Mẫu Liễu Hạnh, nơi được xem là địa linh bậc nhất của Hồ Tây. Không chỉ hai ngày lễ chính và ngày rằm mồng một, mà ngày nào Phủ Tây Hồ cũng đông du khách thập phương trong và ngoài nước đến chiêm bái, thưởng ngoãn. Thánh Mẫu Liễu Hạnh quá linh thiêng và cảnh quan Phủ quá đẹp. Nếu bạn đến Hà Nội, Hồ Tây mà chưa đến dâng hương cho công chúa thì thật đáng tiếc.

Hồ Tây còn có những vẻ đẹp khác mà chỉ khi về sống gần đây tôi mới phát hiện ra và yêu vô cùng. Con đường ven hồ, nơi đạp xe và tập thể dục lý tưởng của bao người. Sáng trưa chiều tối lúc nào cũng có người đạp xe đạp vừa thể dục vừa chiêm ngưỡng cảnh quan. Nhất là mờ sáng cuối tuần từng đoàn người đạp xe nối đuôi nhau như những cuộc đua thật thích. Quanh hồ, từng đoạn có các em, các chị tập thể dục nhịp điệu, tập nhảy, nhạc xập xình thật hút mắt. Từng đoạn có các dụng cụ tập thể dục công cộng sáng, chiều nào cũng kín người. Các quán ẩm thực đường phố, với các món ăn nhiều màu sắc mà nam thanh nữ tú yêu chuộng từ chiều đến tối muộn vẫn đông. Từng cặp uyên ương mắt sóng sánh như nước Hồ Tây, nhìn mà thèm được trở về cái thời thanh xuân xa ngái. Từng tốp các cô, các chị, các bà xúng xính áo khăn thích thú ăn ảnh, nhỏn nhoẻn cười thật duyên.

Và tôi sung sướng vô cùng được hít thở không khí trong lành của Hồ Tây, được hưởng những cơn gió mát tận gan ruột, được đạp xe thả hồn ngắm cảnh, ngắm người, được thong dong thả bước dạo sát hồ để hít hà cái mùi tanh tanh của nước, của cá.

Tôi thành người nghiện Hồ Tây mất rồi.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Phạm Thị Hồng Thu. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Phạm Thị Hồng Thu