Những chuyến xe buýt Hà Nội

Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi - Ngày đăng : 11:49, 23/12/2022

Cháu ơi, bao giờ đến gần chợ Đồng Xuân thì cho bác xuống nhé; Em ơi, cho chị xuống điểm nào gần ga Hà Nội nhé; Anh ơi khi nào gần đến công viên Thủ Lệ thì gọi em nhé; ... Đó là những câu nói tôi thường nghe thấy mỗi lần lên xe buýt ở Hà Nội, và chính tôi cũng thường nhờ các nhân viên bán vé trên xe điều ấy, đáp lại có thể là một nụ cười, một cái gật đầu hoặc một câu "Yên tâm đi, gần tới điểm ấy cháu/ em/ anh sẽ gọi".
vinbus-xe-dien-cong-cong-dau-tien-chinh-thuc-lan-banh-tai-ha-noi(1).jpg

Những ngày đầu xuống Hà Nội chưa thông thạo đường xá, xe buýt luôn là lựa chọn tối ưu của tôi. Ngày đầu tiên tôi tan học vào buổi xế chiều của một ngày nắng nóng. Trước điểm bắt buýt của trường Đại học Quốc gia sinh viên đứng đợi xe ken đặc lại trên vỉa hè. Cứ mỗi lần tuyến xe 32 Giáp Bát - Nhổn tới, là một đoàn người ào ào đi lên, xe chật ních, một đứa quen với con đường thông thoáng của miền núi như tôi nhìn thấy mà sợ hãi. Suốt từ năm giờ chiều tới bảy giờ tối ngày hôm ấy, tôi không lên được chiếc xe buýt nào nên đành đi bộ về.

Tôi được các anh chị trong xóm chỉ cách bắt tuyến buýt 13 bến xe Kim Mã - Cổ Nhuế, điểm bắt xe buýt này ngay trước ngõ xóm tôi trọ, sau đó dừng tại điểm ở đường Hồ Tùng Mậu rồi đi bộ lên một đoạn là tới trường. Có một lần đi học về tôi bắt nhầm xe buýt (cũng là xe 13 nhưng là chiều đi lên bến xe Kim Mã), tôi không xuống xe vì sợ lạc đường nên đành ngồi tới cuối bến rồi chờ xe quay trở lại Nhổn. Dọc hai bên đường, những ngôi nhà, những hàng quán bắt đầu lên đèn, người và xe cộ đi lại lẫn vào với ánh sáng và cả một chút tối từ các bóng cây ven đường thả xuống, một khung cảnh thú vị, nhộn nhịp, gợi cho tôi một chút vui vẻ quên đi những muộn phiền của ngày hôm ấy.

Quê ngoại tôi ở gần thị trấn Vân Đình, Ứng Hòa trước thuộc Hà Tây, bây giờ là ngoại thành của thành phố Hà Nội. Mỗi kỳ nghỉ lễ tôi không về được nhà, tôi thường bắt buýt về quê ngoại chơi. Có một lần vừa xuống khỏi xe buýt từ Vân Đình đi lên bến xe Mỹ Đình thì tôi gặp một chị dáng người nhỏ nhắn, chị bắt quen với tôi, nói chuyện rất tự nhiên, nghe chị nói ở cùng quê nữa nên tôi không đề phòng gì cả. Chị ấy xin số điện thoại rồi chị hứa giới thiệu cho tôi việc làm.

Sau một buổi hội thảo rất vui vẻ, tôi mất mấy trăm nghìn để làm thẻ hội viên, đặt cọc để tăng cấp. Sau đó vì tiếc số tiền đã đặt cọc tôi mất thêm hai triệu tiền mua một chiếc áo ngực nano cao cấp. Để có được số tiền ấy, tôi đã phải đi vay mượn bè bạn và giấu gia đình ăn mì tôm mấy tháng trời. Chị ấy bảo tôi giới thiệu thêm bè bạn thân thiết và người thân trong gia đình thì tôi sẽ lấy lại được tiền. Tôi chỉ dại một lần thôi, sao tôi nỡ lòng lừa đảo ai nữa, số tiền ấy là số tiền tôi mua một bài học cho tôi.

Lợi dụng sự đông đúc trên xe buýt, khi ấy nổi lên nhiều vấn nạn như cướp giật điện thoại, móc túi, quấy rối tình dục,... Chiếc túi xách đi học của tôi cũng ngang dọc vài vết rạch nhưng trong ấy ngoài sách ra thì chả có gì đáng giá. Gần đây tôi trở lại Hà Nội, trên xe buýt những hiện tượng này đã trở nên hiếm hoi đây là một điều may mắn cho những người đi xe buýt, trả lại môi trường lành mạnh, trong sạch cho Thủ đô.

Tuổi thanh xuân của tôi có khá nhiều cung bậc cảm xúc, lúc vui lúc buồn, chuyện gia đình, chuyện trường lớp, chuyện tình cảm chích bông,... trong một lần đi xe bus 01 Bến xe Gia Lâm - Bến xe Yên Nghĩa, đoạn chạy qua đường Nguyễn Trãi, tôi đang bồng bềnh với một gương mặt mang đầy tâm trạng. Xe hôm ấy đông, các hàng ghế đều đã có người ngồi, đa số học sinh, sinh viên đều phải đứng. Cách chỗ tôi đang đứng khoảng hai hàng ghế, về hướng đầu xe, có một cậu bé có gương mặt rất đẹp, tóc xoăn ngả màu nâu đất, trên tay cậu cầm những miếng táo đỏ au đẹp mắt. Khi chuẩn bị xuống xe, cậu ấy tiến lại đưa cho tôi một miếng táo và nói chị cầm lấy đi trong sự ngạc nhiên tột độ của tôi. Chỉ là một miếng táo thôi mà khiến tôi cảm thấy lòng mình ấm áp đến vậy, bao nhiêu nỗi buồn như tiêu biến đi đâu hết.

Trong một lần tôi về Hà Nội, cũng trên tuyến xe buýt 01, tôi quen một bạn phụ xe buýt và là bạn thân tới bây giờ. Bạn là người Hà Nội, ăn nói rất lịch sự, thân thiện. Xe buýt không chỉ là phương tiện đi lại công cộng, nó cũng là một nét văn hóa riêng biệt, sự ứng xử lịch thiệp giữa người với người trên xe buýt qua việc "tự động" nhường ghế cho người già, trẻ nhỏ, người tàn tật, phụ nữ có thai của học sinh, sinh viên, thanh niên. Xe buýt còn là kỉ niệm khó quên của những người từng có thời gian gắn bó với Hà Nội như tôi...

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Đặng Thuỳ Tiên. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Đặng Thùy Tiên