Phố cổ và những bờ tường trông sáng - tối
Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi - Ngày đăng : 09:21, 09/11/2022
Đón xe qua phố cổ trong cái háo hức như thể sắp gặp lại người bạn cũ, tim tôi chợt rộn ràng nhanh hơn cả tốc độ vụt qua của cảnh vật bên ngoài cửa kính. Những con đường rộng rãi nối liền trục chính, rồi từ vô vàn ngã rẽ lại vẽ ra biết bao lối nhỏ vào đời thân thương mà ai đến đây lần đầu cũng đều khắc sâu ấn tượng.
Tôi hay gọi phố cổ là nơi mà người ta gặp nhau bằng cái chạm mặt gần gũi, là nơi hiếm thấy xe hơi 7 chỗ, nhưng độ rộng con đường lại tỉ lệ nghịch với chiều sâu của văn hóa Tràng An. Phố cổ cứ ẩn u trong cái chậm rãi của dòng chảy thời đại, làm mình bất giác thay đổi cái thênh thang vốn có, tự nguyện nép lại trong những con đường nhỏ mà mỗi ô gạch là hằng hà câu chuyện kí ức.
Tôi đến đây lần đầu khi xúc cảm ngây ngô mới vừa chớm nở, tới khi quay lại cũng là lúc mối tình lâu năm đã đặt dấu chấm tròn; dạo quanh một góc phố cổ, ăn tô miến ngan, nhâm nhi ly cà phê trứng, tự nhiên thấy lòng ấm lại chút đỉnh. Tôi và phố cứ đồng điệu trong sự da diết nhớ về cái đã là quá khứ. Khi mùi hoa sữa nồng nàn góc đường, chúng tôi như tìm được người bạn tri âm lâu năm bằng loại ngôn ngữ của sự thấu hiểu.
Phố cổ trầm mặc bên nhịp đời hối hả như từ xưa vẫn thế. Những mảng tường rêu xanh đứng chắn cạnh dãy nhà lụp xụp thấp. Lắm lúc người ta thấy phiền hà bởi suốt ngày lom khom dưới những cánh cửa nhỏ. Thế nhưng, lúa chín cúi đầu, đôi khi cái còn lại từ hành động có vẻ khó khăn này chính là cách trân trọng những giá trị đã qua, để kính cẩn ngắm nhìn những gì đang được tiếp nối.
Phố cổ giao hoà tuyệt đối giữa hai mảng màu có vẻ mâu thuẫn: tĩnh tại và ồn ã. Trong sự trầm lặng, vẫn vọng lên đâu đó âm thanh của sự sống.
Hơi thở nơi đây có lẽ nhờ những quán xá tấp nập mà rộn rã hơn. Hàng quán nép trong mái hiên, lắm nơi đặt vài ba cái bàn nhựa bên ngoài để tiện cho khách. Không hiếm để tìm gặp những quán ăn vài chục năm tuổi, cứ im lìm tồn tại bên lề sự biến thiên thời đại. Trải qua bao cái đổi thay mà mùi vị, cung cách vẫn chẳng gì sai khác, có chăng, là cảnh còn sừng sững mà người ngày xưa cũ đã lạc vào thiên thu mất rồi.
Khác với nhiều người thích sự thanh tao của Hà Nội, mỗi lần đến nơi này tôi lại ghiền ngắm cái hối hả bất chợt trong lòng Thủ đô nghìn năm tuổi. Chọn một quán nhỏ núp hẻm xì xụp tô miến ngan, ghé ngang Tạ Hiện uống vài cốc bia hơi rồi nghe tiếng hô hào cụng ly bàn bên hoặc đắm chìm trong giai điệu của vài ban nhạc đường phố, là cách tôi hòa mình cùng mảnh đất này. Có lẽ, thay vì chỉ cất riêng một nét u tịch độc nhất, thì sự hoà trộn tưởng chừng trái ngược đó lại làm tôi mê đắm hơn, vòng vèo biết bao nơi cũng vẫn muốn quay lại dù chỉ trong một kì nghỉ ngắn ngủi. Hẳn rằng, phố cổ Hà Nội đang chứa điểm giao thoa của quá khứ và hiện tại, là nút chạm kí ức cho tuýp người lỡ cỡ như tôi, nửa sống ở sự xô bồ nửa nhoài lưng hoài niệm nét u trầm chậm rãi.
Dạo quanh những con đường Hà Nội, thấy lòng mình cũng thảnh thơi như cái phất nhẹ của hàng dương liễu cạnh bờ hồ. Thu Hà Nội khác với phương Nam. Nó se sẽ lạnh, trong trẻo nhưng cũng lắm mịt mờ sương. Thứ thời tiết làm người ta chợt muốn tìm ai đó kề cận, muốn sít lại gần giữa cái đất đã vốn chật hẹp. Và cũng bất chợt, muốn yêu thương và được yêu thương.
2. Đứng bên đây, ngó bên kia…
Tôi có dịp ghé phố bích họa Phùng Hưng, trong một chiều lãng đãng quên nhớ. Con phố gần chợ Đồng Xuân và phố Hàng Đậu mang trong mình hơn 20 bức họa trên nền gỗ bằng sơn và Golden Acrylics, khiến bản thân cảm tưởng đang hụt chân té vào cỗ máy thời gian, quay về Hà Nội những ngày xưa cũ với gánh hàng hoa, với tàu điện leng keng, với hằng hà món ngon ngày tết mẹ nấu,...
Những bức tường lạnh băng, khoác lên vài mảng màu kí ức, chợt có hồn đến lạ kì. Tôi đứng bên đây tường, ngó bên kia tường, nhìn từng khoảng trời sáng, tối. Nắng hắt vào đóa hoa trên đôi quang gánh của cô nàng đội nón lá, phủ tối bóng lưng nhễ nhại mồ hôi in trên bờ tường. Nắng nhuộm đỏ ràng pháo đì đùng ngày tết, rồi lại che khuất mặt mũi cậu chàng cầm cờ trong đoàn múa rồng cong cong.
Bờ tường bích họa trông sáng tối ấy cứ như những mảnh ghép đan xiết nhau giữa cái đã qua và cái hiện có, giữa đổi thay và gìn giữ, giữa hòa nhập mà không hòa tan của mảnh đất Thủ đô.
Hẳn là, Hà Nội sẽ chẳng còn là chính nó nếu thiếu đi những mảng màu xen kẽ ấy: mảng màu tối xưa của quá khứ, của những dãy nhà thấp tè lụp xụp; mảng màu sáng tươi của hiện tại, của những cao ốc chọc trời.
Tôi yêu nơi này, cũng chính từ những bờ tường trông ra sáng - tối, như thế.
Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Nguyễn Trần Thanh Trúc. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.