Người ở lại
Truyện - Ngày đăng : 16:52, 16/06/2020
Cô giáo hiệu trưởng trường tiểu học Cồn Mây vồn vã: Ô tô phải để lại đây thôi. Chúng cháu đã bố trí mấy xe máy để đưa các bác tới điểm trường cần xây dựng cách đây gần hai mươi cây số nữa. Đó là điểm trường khó khăn nhất của Cồn Mây. Cháu thực sự áy náy vì đường tới đó cheo leo quá.
Minh họa của Nguyễn Văn Đức
Cô giáo hiệu trưởng trường tiểu học Cồn Mây vồn vã:
- Ô tô phải để lại đây thôi. Chúng cháu đã bố trí mấy xe máy để đưa các bác tới điểm trường cần xây dựng cách đây gần hai mươi cây số nữa. Đó là điểm trường khó khăn nhất của Cồn Mây. Cháu thực sự áy náy vì đường tới đó cheo leo quá.
Nói rồi cô nhìn bà giáo già, thành viên trong đoàn thiện nguyện, không khỏi lo lắng, liệu bà có chịu đựng được con đường khổ ải mà đoàn sắp phải qua không.
Quả là một chuyến đi bão táp. Ngồi trên chiếc xe máy cào cào, vành cuốn xích sắt chống trơn trượt, cứ tưởng đang ngồi trên cục sắt biết di động. Người và xe lấm lem, ướt đầm bùn đất.
Đón đoàn là một người đàn ông trung niên cao to, dáng chắc nịch, gọn gàng trong bộ quần áo bộ đội đã bạc màu. Anh nở nụ cười thân thiện, giới thiệu mình là trưởng bản. Đứng cạnh anh là một cô gái trong trang phục xanh đen truyền thống của người phụ nữ dân tộc H’Mông, địu một bé trai kháu khỉnh. Cô mừng rỡ, tíu tít chào hỏi mọi người và chỉ tay vào ngôi nhà lụp xụp: Đây là lớp học của bản ạ. Cả đoàn, nhất là bà giáo già, có phần sững sờ pha chút ngạc nhiên trước vẻ đẹp dịu dàng thuần khiết, mộc mạc của cô giáo người H’Mông.
Công việc chưa đâu vào đâu thì cơn mưa ập đến. Những hạt mưa to như những giọt thuỷ tinh lấp loáng ào ạt dội xuống. Ngôi nhà lá ọp ẹp tưởng như không thể chống chọi được những cơn cuồng phong.
Gió mưa vẫn xối xả không dứt. Bóng đêm như chiếc lưỡi khổng lồ chỉ một loáng đã liếm gọn chút ánh sáng còn rơi rớt. Ở lại ngôi nhà lá dột nát chỉ còn lại cô giáo người H’Mông và bà giáo già.
Cô giáo cho thêm mấy gộc củi vào bếp. Bà giáo già thích thú lắng nghe tiếng nổ lép bép của lửa bén, chăm chăm nhìn những lưỡi lửa nhảy múa, mặc cho cơn thịnh nộ của mưa rừng đang gào rú phía ngoài. Cả đời bà đây là lần đầu tiên được ngồi bên bếp lửa hồng giữa chốn rừng sâu, với tay là tới cổng trời, được ăn những củ sắn nóng hổi, thơm phức mà cô giáo đang chăm chú lùi vào đống than đỏ rực. Bà trìu mến ngắm nhìn khuôn mặt ửng hồng vì bếp lửa của cô giáo. Thì ra con bé không phải người H’Mông, mà lại là Kinh, quê Ba Vì, cũng tên là Vân như con gái bà. Bà giáo già không thể hiểu nổi, một cô bé người Kinh yếu đuối thế này sao lại có thể chịu đựng được bao năm ở nơi này chứ.
Khi biết bà giáo già là đồng hương, cũng có con gái tên là Vân, cô giáo thấy lòng mình trở nên thanh thản. Đã lâu lắm rồi hôm nay bên bếp lửa hồng cô mới được nói chuyện với một người từ miền xuôi lên. Ôm chặt đứa con vào lòng - thằng bé tên Vô Thường, cô được dịp cởi lòng, cởi dạ. Cô kể, ngày còn vác cái bụng ềnh ễnh chửa thằng bé này, hết ông xã hỏi, ông huyện dòm, rồi ông tỉnh cũng tò mò xem tác giả của cái bụng kia là anh chàng nào, Kinh hay H’Mông? Ai hỏi, con cũng cười, mặt tỉnh queo "hỏi chi, hỏi hoài, con của ông Thần Suối, chứ còn ai nữa! Cứ ra suối tắm xem, cô gái nào mà chẳng thụ thai”.
Bà giáo già nheo mắt hỏi:
- Thật thế à, cô bé? Bác thấy hình như đôi mắt của trưởng bản dành cho mẹ con cháu có gì lạ lắm. Lúc cháu tiễn trưởng bản về bác còn nghe bọn cháu nói chuyện với nhau. Bác biết hết cả rồi nhé.
Bà giáo già cười hóm hỉnh, Vân giật mình. Thế là bí mật của mình lộ hết rồi. Nhưng nhìn vẻ mặt đôn hậu, cái nắm tay thân thiết và ánh mắt yêu thương của bà làm Vân yên lòng:
- Con yêu anh ấy. Chỉ mình bác biết thôi đấy nhé.
Đêm về khuya. Xa xa vài đốm lửa vụt sáng rồi lại tắt ngấm tạo cho ta một cảm giác nơi núi rừng này thật âm u kì bí. Không hiểu có phải vì những đốm lửa xa tít tắp ẩn hiện trong đêm nơi heo hút này mà bà giáo già cứ thao thức mãi. Đêm tĩnh mịch, tiếng lao xao của cỏ cây, tiếng nước suối chảy rầm rì không phút ngơi nghỉ và cả những cơn gió lạnh ướt đẫm hơi nước lùa qua những cánh liếp mỏng manh càng làm bà giáo ớn lạnh.
Bất giác bà giáo già quay sang ôm lấy Vân. Không hiểu có một sợi dây vô hình nào đó gắn kết giữa hai người mà Vân biết ngay được bà giáo già đang nghĩ gì về mình, Vân thủ thỉ:
- Ở điểm trường này, mấy năm trước có ba giáo viên, nhưng một cô giáo người Kinh đã bỏ cuộc về xuôi. Giờ chỉ còn hai, con và một cô giáo người H’Mông. Cô ấy sống với chồng con ngay trong bản. Cuối cùng chỉ còn mình con trong căn nhà này. Cô đơn lắm bác ạ. Nhiều lúc nhớ đến đứa bạn bao năm buồn vui, hờn giận nơi đây mà lòng tái tê. Nhận được thư của nó mà nước mắt cứ trào ra. Bức thư đầu ngắn gọn mà con cứ đọc đi đọc lại từng dòng, từng chữ. Với con, mỗi dòng ấy, chữ ấy chẳng khác gì những giọt máu đang rỉ ra từ vết thương lòng của nó và của chính con. Nó đã lấy chồng, vơ váo được anh bán thịt lợn ngay đầu làng. Thế cũng là tốt rồi, gì thì gì nó cũng đã ở tuổi ba lăm. Ngày ngày trên chiếc xe máy hôi rình mùi máu, mùi thịt, theo chồng từ lúc gà chưa gáy canh ba để ra thành phố bán thịt lợn…
Bức thư thứ hai nó khoe, rằng nó đã đổi nghề. Ngày ngày với chiếc xe đạp két rỉ, không phanh, không chuông, rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẹp của cái thành phố xa lạ. Những ngày đầu, đêm ngủ nó còn nằm mơ lảm nhảm câu thần chú “Đồng nhôm sắt vụn bán đê …”. Như sợ con buồn, nó lại còn viết “Tao thấy ổn mà. Mấy khi được tung hoành dọc ngang giữa nơi đô thị, hì hì!”. Trên mọi nẻo đường “đồng nát” nó đã gặp những bọn trẻ lớp một, lớp hai tung tăng tới trường, và mỗi lần như thế nó không khỏi chạnh lòng nghĩ đến mái trường dột nát, đến mấy đứa học trò lam lũ, quần áo cũ nát, mặt mũi lấm lem ở nơi mây trắng phủ kín quanh năm này.
Những lúc buồn con lại lôi những bức thư “tình” của nó ra đọc. Và ngẩn ngơ trong lòng.
Con tự hỏi, chúng nó dần dần đi cả mà sao mình vẫn ở lại đây. Vì yêu nghề? Vì lũ trẻ? Cũng đã bao lần con thu gom đồ đạc để trốn chạy nơi này, nhưng rồi tiếng lũ trẻ líu ríu sân trường đã níu chân con lại. Con yêu những ánh mắt trong veo trên khuôn mặt lem luốc của chúng. Và cũng có thể là những đêm trăng, là tiếng suối rì rầm, là tiếng sáo gọi tình và cả mùi ngai ngái, nồng nồng nơi đây đã ngấm sâu vào ruột gan, vào con tim, vào từng mi li huyết quản của con? Không lý giải được. Nhưng có lẽ là tất cả.
Có những đêm, nhất là những đêm trăng sáng vằng vặc, tiếng sáo gọi tình cứ văng vẳng lúc gần lúc xa, và những lúc ấy đôi mắt như có lửa của người trưởng bản nhìn con lại hiện lên làm cho trái tim cô đơn cứ thổn thức. Anh ấy đẹp trai, cao to, bờ vai rộng mênh mông. Nhưng bờ vai đó không phải dành cho con.
Có những lần, khi tiếng sáo vút lên, đứng một mình giữa trời đất mênh mang, con như dại đi, ngơ ngẩn. Con cần một điểm tựa, để mong thoát khỏi những tù túng, những chật hẹp của cõi lòng. Đến khi nghe thấy tiếng sáo da diết con lại nghĩ, lẽ nào tiếng sáo ấy chính lại là một điểm tựa mong ước? Nhưng rồi con lại gạt băng đi. Không phải. Hoàn toàn ngược lại. Chính tiếng sáo ấy đang xoáy sâu vào nỗi cô đơn ê chề. Nó bóp nghẹt trái tim, làm trái tim rỉ máu. Và rồi, bác ơi, không kìm được nỗi cô đơn đang trào dâng trong lòng, con đã khóc, khóc nấc lên trong tuyệt vọng. Con muốn kêu lên để giải toả nỗi cô đơn, nhưng biết kêu cùng ai? Lẽ nào với trời đất, với cỏ cây, muông thú?
Rồi một đêm như thế, dưới ánh trăng vằng vặc, con lặng nghe những âm thanh trầm bổng tha thiết quen thuộc, nước mắt lại trào ra. Bỗng tiếng sáo im bặt. Và ngay lúc đó người đàn ông có đôi vai rộng mênh mông đã xuất hiện. Anh run rẩy ôm con vào lòng. Chúng con không nói với nhau câu nào. Con như con mèo con cuộn tròn trong khuôn ngực rắn chắc của anh ấy. Đó là lần đầu tiên trong đời con gái của con có một người đàn ông dám chạm vào nơi mà trong đó là trái tim cô đơn. Người ấy đâu biết rằng con cũng đang mong, đang chờ đến ngần nào.
Anh đã ở lại đó rất khuya rồi mới về với vợ con.
Và cứ như thế, để đến bây giờ thằng bé Vô Thường đã có mặt trên cõi đời này.
Nhưng cô ơi, mối tình vụng trộm, tội lỗi ấy cũng chẳng thể nào làm con thoát ra được nỗi cô đơn mỗi khi đêm về. Còn hơn thế nữa, chín tháng mười ngày thai nghén con luôn trong tâm trạng sợ hãi, lo lắng. Con đau khổ dằn vặt, tự trách mình sao có thể lại làm như vậy. Con biết, nỗi cô đơn sẽ vợi đi, nhưng giông bão sẽ ập đến. Con đã thực sự chạy trốn vợ trưởng bản, và trong tâm niệm, cầu mong chị ấy không biết được thằng bé là con riêng của chồng. Cho đến tận hôm nay bác là người đầu tiên biết thằng Vô Thường là con trai của anh ấy.
Trời đã tạnh. Đằng đông le lói chút ánh sáng. Hai bác cháu ra sân trường đón nhận bình minh của một ngày mới.
***
Sáu tháng sau bà giáo già nhận được điện thoại của cô hiệu trưởng mời đoàn lên khánh thành trường. Mong mãi mới tới ngày hôm nay. Trong cái đầu già nua của bà giáo già đã chứa chất bao ý tưởng, bao dự định, bao mong muốn, rằng bà sẽ thay mặt bố mẹ Vân nơi suối vàng để chăm sóc, để gánh bớt nỗi cô đơn cho nó.
Vừa đến nơi, bà giáo già đã dáo dác tìm gặp Vân. Nhưng lạ, hôm nay là một ngày trọng đại của điểm trường mà sao không thấy con bé. Biết bà giáo già đang tìm Vân, cô hiệu trưởng vội chạy đến:
- Thưa bác, hôm nay em Vân phải ở nhà làm giỗ 49 ngày mất của chồng.
Bà giáo già lặng đi, khuỵu xuống trên nền nhà lớp học còn thơm mùi bàn ghế mới. Bà đã từng cầu mong con bé được hạnh phúc, thế mà giờ đây… Ai ngờ chồng nó phải chìa lìa hai người đàn bà và những đứa con chỉ vì bọn buôn bán ma tuý sát hại.
Ngoài sân trường rộn ràng tiếng cười giòn giã của những đứa trẻ mà Vân yêu quý. Rộn rã lời chúc mừng mấy thầy cô giáo được điều về ngôi trường mới này. Nhưng phía trong kia, ngay bên chiếc bảng đen còn mới tinh khôi, lại có mưa. Mưa làm ướt hết cả chiếc khăn mùi xoa và vạt áo của bà giáo già.