Nên tăng thêm chất văn hóa Kinh kỳ
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 08:02, 20/06/2020
Nhà thơ, nhà báo Đặng Huy Giang
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
Tôi nhớ vào một ngày nào đó năm 1985, khi đang đi công tác ở TP. Hồ Chí Minh thì hay tin: Tạp chí hàng tháng của Hội Văn nghệ Hà Nội chuyển thành tuần báo Người Hà Nội. Tôi mừng lắm, bụng bảo dạ: Vậy là từ nay, Hà Nội ta có hẳn một tờ báo chuyên về văn học nghệ thuật. Như vậy cũng có nghĩa, từ nay, văn nghệ sĩ Thủ đô và cả nước nhà lại thêm có “đất” để dụng “võ”.
Tôi nghĩ vậy là có cơ sở. Bởi, ở thời điểm ấy, số đầu báo dành cho văn chương ít lắm. Ngoài báo Văn nghệ (ở Trung ương), còn ở địa phương, có lẽ chỉ có mỗi tuần báo Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh. Còn các báo không chuyên về văn học, trong trang thứ Bảy hoặc Chủ nhật hàng tuần, cùng lắm là cho đăng một bài thơ ngắn. Cho nên, một người mới cầm bút hoặc một người cầm bút chưa mấy tiếng tăm, không dễ gì mà có tác phẩm được lên mặt báo.
Ngày ấy, làm báo giấy nói chung và báo văn nói riêng, cũng thuận. Do rất ít đầu báo nên số lượng phát hành lên đến cả vạn bản là rất bình thường, chứ không như bây giờ - thời báo điện tử lên ngôi.
Hiện báo giấy gần như đã hết thời và gặp không ít khó khăn, không chỉ ở ta, mà ở trên phạm vi toàn thế giới. Tôi nói báo giấy ở đây là báo giấy nói chung. Còn báo giấy chuyên về văn học nghệ thuật thì càng khó khăn gấp bội. Nếu trước kia, lượng phát hành là hàng vạn, thì bây giờ, lượng phát hành là hàng nghìn đã là lý tưởng. Không ít địa phương ở ta hiện nay, nhiều báo, tạp chí văn học nghệ thuật vẫn được bao cấp 100%.
Đã nhiều năm nay, báo Người Hà Nội, vì phải tự hạch toán kinh tế, nên cũng hết sức vất vả để tồn tại. Có một thời gian dài, nhuận bút của báo vừa thấp, vừa chậm. Cũng bởi lý do đó mà rất khó thu hút những cây bút có tên tuổi và những sáng tác thực sự có giá trị. Do vậy, để Người Hà Nội tồn tại và duy trì được như nhiều năm nay, dẫu có thế nào, cũng đáng được đánh giá cao.
Tới đây, Người Hà Nội sẽ chuyển đổi từ tờ tuần báo sang thành tạp chí. Theo tôi, Người Hà Nội nên tăng thêm chất “văn hóa kinh kỳ”, “văn hóa Thăng Long” vốn là thế mạnh của bản báo và càng ngày càng cập nhật hơn với đời sống. Mặt khác, để gỡ khó một phần nào cho báo, UBND Thành phố Hà Nội có thể dành một phần kinh phí nào đó cấp cho Người Hà Nội để tặng tất cả các hội viên, các hội văn học nghệ thuật mỗi số 1 tờ báo, giống như Hội Nhà văn Việt Nam đã thực hiện nhiều năm nay. Việc làm này, ít nhiều cũng mang ý nghĩa của sự quan tâm đến các văn nghệ sĩ Thủ đô.