Doanh nghiệp bán lẻ trước cánh cửa EVFTA
Tin tức - Ngày đăng : 16:54, 21/06/2020
Việc ký kết EVFTA sẽ mang lại nhiều cơ hội cho nền kinh tế nói chung và thị trường bán lẻ nói riêng. Ảnh: Khuê Diệp
Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, tại khu vực châu Á thời gian gần đây, Việt Nam là một trong những thị trường bán lẻ có tốc độ tăng trưởng cao. Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi, trong đó việc ký kết EVFTA sẽ mang lại những điểm sáng cho nền kinh tế nói chung và thị trường bán lẻ nói riêng.
Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội bán lẻ Việt Nam nhận định, đây là cơ hội tăng cường lưu thông hàng hóa trong nước thông qua việc mở rộng quy mô và mạng lưới kinh doanh của các nhà bán lẻ nước ngoài. Quy mô thị trường trong nước còn nhiều dư địa phát triển và đó chính là khoảng trống để các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam mở rộng thị phần. Có thể nói, việc mở cửa thị trường sẽ đem lại cho các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cơ hội tiếp cận và hấp thụ nguồn vốn đầu tư lớn, công nghệ quản lý tiên tiến trong các hoạt động thương mại từ các nước EU. Cơ sở hạ tầng thương mại sẽ được hiện đại hóa, giúp doanh nghiệp, người tiêu dùng trong nước được tiếp cận nguồn cung các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao…
Tuy nhiên, EVFTA cũng có những tác động tiêu cực, tạo ra những thách thức lớn cho doanh nghiệp phân phối trong nước, đặc biệt là với doanh nghiệp phân phối có quy mô nhỏ và vừa. Đó là sự gia tăng áp lực cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp phân phối trong nước với năng lực hạn chế hơn so với các doanh nghiệp phân phối lớn đến từ các nước thuộc EU vốn có tiềm lực mạnh. Hệ thống chính sách, pháp luật có thể không theo kịp biến động của thị trường, cơ sở hạ tầng và pháp luật quản lý thương mại điện tử có sự chênh lệch; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong lưu thông hàng hóa nhập khẩu...
Từ góc nhìn của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông (quận Hà Đông) cho biết, nhiều doanh nghiệp có vốn nhỏ, trình độ quản lý chưa cao sẽ gặp khó khăn. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ còn chịu thách thức khi phải thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và kinh tế số. Việc chuyển đổi và số hóa các hệ thống thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh và quản trị khách hàng là vấn đề vô cùng quan trọng nhưng hiện vẫn là lực cản rất lớn đối với các doanh nghiệp bán lẻ trong nước.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, để tận dụng tối đa tiềm năng của EVFTA, các cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện một số nhóm giải pháp. Trong đó, cần chú trọng việc nghiên cứu nội luật hóa các cam kết của EVFTA để triển khai một cách có hiệu quả; tăng cường các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, cần tháo gỡ khó khăn về logistics hỗ trợ phát triển thương mại; đẩy mạnh cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo sự liên thông giữa các bộ, ngành để nâng cao tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh.
Mặt khác, cần hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, xây dựng biện pháp bảo vệ doanh nghiệp nội địa theo hướng lập các “hàng rào kỹ thuật”, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài, không để doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế tiếp cận nguồn lực kinh doanh nhiều hơn doanh nghiệp nội địa. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền về các quy định theo cam kết của EVFTA…
Ngoài những giải pháp trên, để hạn chế những tác động tiêu cực, doanh nghiệp phân phối nhỏ và vừa trong nước cần nghiên cứu kỹ những nội dung, các quy tắc nội khối để có sự chuẩn bị sẵn sàng trong việc tận dụng những cơ hội có được từ EVFTA; tăng cường liên kết và hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để tận dụng công nghệ, quản lý, thị trường nhằm tăng cường khả năng tham gia chuỗi giá trị, liên kết, hợp tác với các nhà sản xuất, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi cung ứng trong nước, khu vực, toàn cầu…