''Đánh thức'' văn hóa Thăng Long - Hà Nội

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 18:44, 28/06/2020

Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội để nhân dân Thủ đô đóng góp ý kiến đã quan tâm nhiều tới lĩnh vực văn hóa. Tuy nhiên, để “đánh thức” tiềm năng văn hóa Thăng Long - Hà Nội thì cần có nhận thức rộng hơn và giải pháp phù hợp.
Bảo đảm cơ sở khoa học và thực tiễn

Những nhận định, đánh giá về lĩnh vực văn hóa nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đều có cơ sở thực tiễn và khoa học chắc chắn. Những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân cũng được phân tích sâu sắc, sát thực. Điều tôi quan tâm là việc phân tích, đánh giá về những hạn chế dài hơn phần thành tích cho thấy sự thẳng thắn, cầu thị, từ đó nhằm đưa ra giải pháp trúng và đúng. Nổi bật là: “Công tác bảo tồn, khai thác, phát huy vai trò của văn hóa trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập, phát triển chưa tương xứng với các tiềm năng, thế mạnh và vị thế của Thủ đô”.

Đặc biệt, tôi rất tán thành và tâm đắc với nhận định: “Chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và vị thế của Thủ đô”. Tôi nghĩ ý này cần được thảo luận sâu sắc để có nhận thức đúng đắn trong toàn Đảng bộ thành phố, thấm sâu vào các cấp ủy Đảng, biến nó thành hành động mang tính đột phá trong nhiệm kỳ tới.

Thiết nghĩ, tiềm năng, thế mạnh và vị thế của Thủ đô không cần phải nói nhiều, vì ai cũng biết. Tuy nhiên, nếu không thảo luận kỹ thì khó có được phương sách cụ thể, hữu hiệu trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, mang bản sắc của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Câu hỏi đặt ra là: Hà Nội cần làm gì để thu hút nhiều hơn người thực sự tài giỏi trên khắp cả nước? Vấn đề này cần suy ngẫm sâu sắc và trăn trở thật sự, chứ không thể thấu hiểu bằng sự hời hợt là “coi trọng văn hóa” chung chung.   

Văn hóa ở đây là biết mình, biết người, chứ không chỉ là hát múa. Trong lịch sử, đất Thăng Long đã thu hút và nuôi dưỡng biết bao nhân tài. Nhiều nhân vật lỗi lạc khẳng định tài năng chỉ tỏa sáng trên đất Thăng Long. Vậy mà ngày nay, nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ... phải “Nam tiến” mới thăng hoa là vì sao?!

Con người là nhân tố quyết định

Thăng Long tỏa sáng bốn phương là hợp lẽ. Tuy nhiên, nó cần hội tụ đủ để tỏa sáng. Con người là nhân tố quyết định. Vậy nên, nhận định về hạn chế, trong đó có việc “đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác văn hóa chưa được chú trọng đúng mức” trong dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội là nhận định nghiêm khắc. Phải xem xét toàn bộ hệ thống cán bộ văn hóa từ cơ sở đến cấp thành phố để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kịp thời, bài bản, với sự quan tâm đúng mức của các cấp ủy Đảng.

Vậy thế nào là đúng mức? Đúng mức của Thủ đô nghìn năm văn hiến; đúng mức với trung tâm đầu não về chính trị, khoa học; đúng mức với "Thủ đô Anh hùng", "Thành phố Vì hòa bình", "Thành phố sáng tạo"… là gì? Có nhận thức đầy đủ, toàn diện về vấn đề này mới có thể kiện toàn bộ máy những người làm văn hóa “xứng tầm với tiềm năng và vị thế của Thủ đô”. Bộ máy như thế mới có thể đánh thức được văn hóa kho tàng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của Thủ đô; trong đó có nhiều di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Dùng thuật ngữ “đánh thức văn hóa” không phải vì những năm qua toàn bộ văn hóa Thủ đô “ngủ yên”. Vấn đề là chúng ta hãy hình dung, khi cái cốt lõi của văn hóa được đánh thức, sức mạnh của nó phi thường ra sao. Rõ nhất là trong phòng, chống dịch Covid-19, đâu phải vì chúng ta có trang thiết bị y tế vượt trội so với các quốc gia khác mà khống chế dịch thành công. Vậy lý do thực sự là gì? Có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi, nguyên nhân bao trùm là văn hóa trong mỗi con người và trong cộng đồng được “đánh thức”. Khi cái văn hóa được thức tỉnh trong mỗi trái tim, trong cả cộng đồng, thì sức mạnh của nó là “dời non, lấp biển”, làm nên kỳ tích để cả thế giới cảm phục.

Khi văn hóa được khơi dậy, sức mạnh là vô địch, thì những hạn chế dự thảo Báo cáo chính trị đã chỉ ra dứt khoát được khắc phục. “Phát triển công nghiệp văn hóa; xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hóa…; xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế” là những vấn đề mới trong dự thảo, chắc chắn sẽ được triển khai tốt hơn. Tiềm năng văn hóa đồ sộ của Thủ đô, đặc biệt là “giá trị con người Hà Nội”, chắc chắn sẽ được khơi dậy, phát huy thành sức mạnh to lớn, góp phần phát triển Thủ đô giàu đẹp, văn minh.        

hanoimoi