Cẩn trọng khi tìm việc làm qua mạng xã hội
Tin tức - Ngày đăng : 07:56, 07/07/2020
Tuyển dụng lao động theo hình thức trực tuyến được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.
Xu hướng tìm việc mới
Nhằm kết nối người lao động với người sử dụng lao động, thời gian gần đây, các tổ chức, cá nhân đã đẩy mạnh công tác tuyển dụng theo hình thức trực tuyến qua các website, Facebook… Trên cổng thông tin điện tử việc làm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (vieclamvietnam.gov.vn) liên tục có hàng nghìn vị trí công việc cần tìm người và người cần tìm việc.
Tại Hà Nội, Trung tâm Dịch vụ việc làm duy trì hình thức kết nối cung - cầu về lao động, việc làm trực tiếp thông qua các phiên giao dịch diễn ra từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần tại 15 sàn giao dịch việc làm cố định; đồng thời kết nối việc làm trực tuyến qua trang tin vieclamhanoi.net và trên Facebook Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, người sử dụng lao động tiến hành tuyển dụng trực tuyến, còn người lao động tìm việc làm qua các website, mạng xã hội, như Facebook, Zalo… là xu hướng phổ biến hiện nay. Trên các trang tuyển dụng trực tuyến của trung tâm thường xuyên có hơn 4.000 đơn vị đăng ký tuyển dụng, gần 3.000 hồ sơ ứng tuyển với nhiều vị trí việc làm.
Từ kinh nghiệm thực tế, chị Nguyễn Thị Lan, tổ dân phố 4, phường Khương Trung (quận Thanh Xuân) đánh giá, việc tìm hiểu thông tin tuyển dụng qua mạng xã hội rất tiện lợi. Người lao động có nhiều cơ hội để tìm hiểu, lựa chọn những công việc phù hợp. Sau khi xác định rõ công việc yêu thích, người tìm việc có thể trao đổi trực tuyến với người tuyển dụng để tìm hiểu rõ hơn về vị trí dự định ứng tuyển. Thông qua Facebook Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, chị Lan đã tìm được việc làm phù hợp, đi làm từ đầu tháng 6-2020 đến nay.
Về phía đơn vị tuyển dụng, bà Đinh Huyền Anh, cán bộ Phòng Nhân sự, Công ty TNHH LG Display Việt Nam cho hay: “Sau khi dịch Covid-19 lắng xuống, công ty chúng tôi liên tục đăng ký tuyển dụng 5.000 lao động thông qua nhiều kênh thông tin. Qua mạng xã hội Facebook, Zalo, chúng tôi đã tiếp cận được với nhiều người có nhu cầu tìm việc”.
Đừng tin "việc nhẹ, lương cao"
Bên cạnh tính tiện lợi, hình thức tuyển dụng qua mạng xã hội cũng bị một số người lợi dụng để lừa đảo khi thấy nhu cầu tìm việc của người lao động tăng cao.
Với mong muốn đi làm thêm để giúp đỡ gia đình, tháng 6 vừa qua, anh Nguyễn Trọng K, sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Công nghiệp Hà Nội lên Facebook để tìm hiểu về thị trường việc làm. Trong vô vàn thông tin tuyển dụng, K lựa chọn công việc bán hàng tại một siêu thị tư nhân với tiền công hứa hẹn là 40.000 đồng/giờ, cao hơn 2 lần so với mặt bằng chung. Tìm đến địa chỉ tuyển dụng, K trải qua cuộc phỏng vấn đơn giản, trúng tuyển vào vị trí công việc như trao đổi qua mạng. Chưa kịp mừng vì tìm được công việc phù hợp, thì phía sử dụng lao động đề nghị K nộp 500.000 đồng mua đồng phục, làm thẻ nhân viên kèm theo bản công chứng một số giấy tờ tùy thân. Sau 2 tuần không thấy ai gọi đi làm, K tìm đến địa chỉ tuyển dụng, thì văn phòng đã đóng cửa. Trang tuyển dụng trên Facebook cũng không còn hoạt động.
Người lao động nên tìm việc qua các kênh thông tin chính thống để tránh bị lừa.
Trường hợp khác mắc bẫy tuyển dụng lao động trên mạng xã hội là chị Nguyễn Thị T, đang làm việc cho một công ty may mặc ở Cụm công nghiệp Thanh Oai (huyện Thanh Oai). Chị T cho biết, trong giai đoạn bị giãn việc, chị lên mạng xã hội Facebook và thấy dòng giới thiệu của một cửa hàng mỹ phẩm tuyển cộng tác viên bán hàng online hoặc bán hàng theo giờ với mức chiết khấu khá cao. Tin lời quảng cáo, chị T đã trao đổi qua Facebook với người tự giới thiệu là chủ cửa hàng. Sau đó, chị T chuyển 1.000.000 đồng đặt mua hàng về bán thử. “Họ hứa giao hàng sau khoảng 2-4 giờ nhận tiền, nhưng nhiều ngày sau tôi vẫn không thấy hàng đến. Tìm lại địa chỉ đã liên hệ trên mạng, tất cả đều không còn tồn tại, tôi mới phát hiện bản thân bị lừa”, chị T nói.
Tuy nhiên, vì số tiền bị mất không lớn, nên các trường hợp nêu trên và nhiều người bị lừa đã không tố cáo với các cơ quan chức năng. Đây chính là kẽ hở, khiến kẻ xấu có cơ hội tiếp tục lừa đảo, còn các cơ quan chức năng thiếu căn cứ để xử lý hành vi vi phạm.
Để tránh những tình huống tương tự, ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội khuyến cáo, người lao động nên tìm việc làm thông qua các kênh thông tin chính thống, các sàn giao dịch, trung tâm giới thiệu việc làm uy tín và cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đăng ký, trao đổi. Đặc biệt, người lao động không nên tin vào những lời quảng cáo “việc nhẹ, lương cao” để tránh bị lừa; tuyệt đối không giao tiền, giấy tờ tùy thân cho những người không quen biết để xin việc; không chuyển tiền đặt cọc, môi giới, chi phí đào tạo…
Công an thành phố Hà Nội cũng liên tục khuyến cáo người lao động không liên hệ qua các tài khoản trên mạng xã hội, khi chưa bảo đảm được tính an toàn. Khi có dấu hiệu bị lừa đảo, người lao động nên lưu lại thông tin điện thoại, tài khoản ngân hàng... của đối tượng để thông báo, cung cấp ngay cho cơ quan điều tra. Trong trường hợp đã chuyển tiền mới phát hiện bị lừa, người lao động cần báo ngay cho ngân hàng để phong tỏa tài khoản…