Cảm nhận về tập thơ "Miền lặng lẽ" của tác giả Vũ Bá Lễ
Truyện - Ngày đăng : 09:30, 23/07/2020
Nhà thơ Vũ Bá Lễ
Đầu xuân 2020, tôi được nhà thơ Vũ Bá Lễ, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật TP. Hải Phòng tặng tập thơ có tựa đề “Miền lặng lẽ” do Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản năm 12/11/ 2019.
Sự nghiệp sáng tác của ông có bề dày với số lượng tác phẩm khá nhiều. Những tác phẩm in chung như “Hồn quê” 2 tập, xuất bản năm 2013, 2019; “Lộc phát Đinh Dậu”, “Tuyển thơ lục bát Việt Nam” xuất bản năm 2017; “Hồn quê Trạng Trình” xuất bản năm 2016; “Trăng chiều” 3 tập xuất bản năm 2017, 2018, 2019... do Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản.
Mùa thu năm 2012, tác giả ra mắt bạn đọc tác phẩm “Vào thu”, và 7 năm sau đó, tập thơ in riêng thứ 2 “Miền lặng lẽ” ra đời. Với gần một trăm bài thơ trong tập, mỗi bài là một niềm riêng của cảm xúc, mỗi bài lại có một phương pháp thể hiện độc đáo.
Đọc “Miền lặng lẽ” một cách kỹ lưỡng để cảm nhận một cách khách quan và hơn nữa được đàm đạo trực tiếp cùng anh mới thấy Vũ Bá Lễ thực sự thấm nhuần những triết lý về thơ: “Thơ là bộ môn nghệ thuật kỳ diệu bậc nhất về trí tưởng tượng... (Lời của nhà thơ Sóng Hồng) hay “Đằng sau câu chữ, đằng sau trang giấy có cái mù mờ mới là thơ. Nhà thơ chỉ là cái cớ gọi thơ trong hồn ta xuất hiện mà thôi…” (lời của nhà thơ Trần Mạnh Hảo).
Những triết lý ấy đã được Vũ Bá Lễ thực tế hóa trong tác phẩm của mình gây ra sự tò mò, hấp dẫn người đọc bởi tư duy trừu tượng khiến cảm xúc thăng hoa, nội hàm ý nghĩa càng được thi vị hóa một cách sâu sắc. “Miền lặng lẽ” là sự lặng thầm suy nghĩ, chắt lọc ngôn từ, chỉn chu ý tưởng để bùng nổ cảm xúc ở chính nơi lòng “không hề lặng lẽ”, đó chính là chiều sâu của tâm hồn nhà thơ.
Thật lạ và thật hiếm, một người lính ở chiến trường về làng, trên người mang đầy thương tích, bệnh tật, ông lặng lẽ sống, làm ruộng, nuôi lợn gà, trồng thuốc lào... Đến năm 34 tuổi ông mới xây dựng gia đình, lặng lẽ mưu sinh, lặng lẽ làm thơ viết về tình yêu làng quê mình: Những nỗi buồn, vui, cô đơn, đau khổ ở làng Cự Lai, xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo quê anh.
Cuộc đời Vũ Bá Lễ giản đơn nhưng khá đặc biệt. Thi đỗ vào trường Đại học Y khoa hệ Thái Bình. Nhưng chưa kịp nhập học thì anh nhận giấy gọi nhập ngũ vào chiến trường năm 1974, được huấn luyện cấp tốc, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, bị thương nhưng vẫn tham gia chiến đấu tại mặt trận Tây Nam đánh quân Khmer đỏ năm 1979... Chuyện về anh cũng như bao người lính đã xả thân vì nước, không màng danh lợi, xong nhiệm vụ cầm súng lại trở về làng xây dựng quê hương bằng tất cả tình yêu và sức lực.
Có thể nói, thơ Vũ Bá Lễ đã tạo được ấn tượng nhất định với bạn đọc, họ yêu mến sự giản dị, chân tình, nhất là tình yêu quê hương đất nước, yêu đồng quê thiên nhiên của ông.
Khúc chiều rơi
Hạ vơi,
Buồn rủ thu về
Đồng làng lằng lặng
đắm mê cuối chiều.
Lưa thưa,
Cơn gió hoang liêu
Ngấm ta khoảng rỗng
Nghiêng xiêu địa đàng.
Ngật ngà,
Người dát ráng vàng
Hai tay ta kéo
Tấm choàng hoàng hôn.
Khắc thời,
sinh tử rớt dồn
Tiễn ngày
thỉnh lũ sinh phồn tấu lên.
Khúc trộn nhau,
nỡ ai quên!
Khoảng không võng xuống
Chạm đêm nhạt nhòa.
Trông kìa,
ánh chớp xa xa
Hình như,
Ai dắt bóng ta
Ngang trời
Đôi bàn tay em
Ngón thon đan những díu dan
Trao nhau nỗi nhớ hương ngan ngát tình
Nhấm yêu thơm búp tay xinh
Ngón tròn mềm mịn thân hình đón đưa.
Bàn tay phơi nắng nhuộm mưa
Đồng - nhà chật việc
thoi đưa cạn ngày
Chung riêng lắc chặt đôi tay
Bữa ăn
Giấc ngủ
Quắt quay
Đêm tàn.
Cúi trên thảm hạnh dệt đan
Ngẩng lên màu bạc thời gian hiện bày
Nửa đời cầm lại bàn tay
Chạm sần chai
Mắt tôi cay
Thương
Buồn ...!
Thăm chiến trường xưa
Tôi vào thăm chiến trường xưa
Lộc Ninh rừng thẳm như vừa hôm qua
Run lòng dấu tích phôi pha
Còn nguyên rực sáng bài ca quên mình
Đây nhà chìm
Chốt tiêu binh
Kia hào công sự
Đường mìn bao quanh
Khoảng không phía trước: Trảng tranh
Ụ hỏa lực
Phản công nhanh - Địch càn!
Lối mòn lưng cõng... đêm tàn
Khoác vai hơi thở
Mắt tràn rũ mi
Đôi chân vô định - nhấc - đi...
Ô kia
Tôi
Tuổi xuân thì rừng sâu!
Chiều thu
Chiều thu lằng lặng rơi rơi
Ta ngồi xếp nếp khắc đời hư vô
Đầy lên bậc bậc nấm mồ
Hoàng hôn dần nuốt xô bồ trần gian
Sót
Ta
Tri giác
Tàn tàn.
Đêm và khoảng rỗng
Ta và sắc không.
Không đề
Xa xôi...
Tiếng vọng nồng nàn
Dòng tên em cứ rối tràn trong đêm
Gọi... im tiếng!
Nét ngời thêm.
Bóng hình người ấy lượn bên gối mền
Trắng đêm...
Dỗ giấc chẳng êm
Hương thơ em trộn
Thơm lên trắng ngày.