Cha tôi – người tuyệt vời nhất
Với tôi, cha là người tuyệt vời nhất, là số một. Nếu có kiếp sau, tôi vẫn mong được làm con gái của cha – một người cha mà suốt cuộc đời tôi luôn ngưỡng mộ, yêu thương và biết ơn.
Cha tôi có dáng cao dong dỏng, nét mặt luôn ánh lên vẻ thông minh, cương nghị. Tôi không biết cha từng học đến lớp mấy, chỉ nhớ chữ cha viết không đẹp, lại hơi khó đọc. Nhưng điều đó không làm tôi bận tâm, vì cả đời cha sống ngay thẳng, chân thành, luôn là chỗ dựa vững chắc cho gia đình và mọi người xung quanh.
Cha từng làm nhiều việc, từng đảm đương nhiều nhiệm vụ ở địa phương. Công việc nào cha cũng hoàn thành tốt, được mọi người yêu quý. Trong mắt tôi, cha luôn là người hiểu biết, đạo đức. Ông luôn dạy chị em chúng tôi sống tử tế, học hành nên người để trở thành người có ích cho xã hội.

Những năm chiến tranh, đất nước thiếu thốn, bữa cơm gia đình chẳng mấy khi đủ no. Nhìn các con ăn thòm thèm, cha buồn lắm nhưng vẫn động viên chúng tôi: “Nhà mình còn sướng, có khoai để ăn. Nhiều nhà chẳng có mà ăn nữa kia”. Mẹ xới cho cha chút cơm, cha lại lặng lẽ đổ sang bát cho đứa út, còn mình chỉ ăn khoai.
Có lần, anh trai tôi hỏi: “Cha ơi, con nghe nói cán bộ xã được phân xe đạp, sao không thấy cha mang về?”, cha chỉ cười hiền: “Mấy người khác còn vất vả hơn nhà mình nhiều, cha nhường rồi con ạ”. Anh tôi buồn, nhưng cha vỗ về và giải thích, thế là anh yên tâm. Nhà tôi có bảy anh chị em, Tết đến, xã phân bốn cái áo mới, cha mang về hai. Chị tôi thắc mắc còn hai cái nữa đâu, cha vẫn nhẹ nhàng: “Nhà bác Bình khổ hơn, cha nhường cho bác ấy rồi”. Nhìn con bác Bình mặc áo mới, chị tôi buồn lắm. Nhưng rồi cũng quen...
Tôi đi học xa, hè về, cha dặn: “Có mấy dây khoai cha giấu trên bếp, con lấy mà ăn. Cha để phần đấy, nếu không là hết từ lâu rồi”. Cha học mẹ cách giấu khoai, giấu lạc vào bồ treo trên xà nhà. Thấy các con thèm ăn lạc, cha bày cách dùng sào nhọn chọc thủng bồ cho lạc rơi xuống. Đến mùa gieo hạt, mẹ lấy xuống thì chỉ còn cái bồ rỗng không.
Cha luôn theo sát từng bước chân của chị em chúng tôi. Dù bận việc suốt ngày, nhiều khi khuya mới về, nhưng ông vẫn biết chúng tôi cần gì, thiếu gì. Chỉ tiếc, ông bất lực vì không có tiền (ngày ấy lương của cha được trả bằng lúa). Cha thường động viên chúng tôi: “Phải học thật giỏi các con ạ. Cha mà được học như các con, cha đã làm được nhiều việc lắm”. Cha đâu có học luật mà vẫn giải quyết mọi việc đâu ra đấy, từ việc nhà tới viêc làng.
Ngày ấy, học hết lớp 7 là tốt lắm rồi. Hết lớp 7 là được đi học sơ cấp hoặc trung cấp, rồi được thoát ly là niềm mơ ước của thanh niên. Được thoát ly nghĩa là có tiêu chuẩn phiếu vải, mì sợi, gạo. Gia đình tôi có hai chị được thoát ly, cha mẹ tự hào lắm.
Rồi anh trai tôi đi thanh niên xung phong. Ngày anh lên đường, cả nhà lo lắng, còn cha điềm tĩnh động viên: “Đấy là thực hiện nghĩa vụ công dân đó các con”. Anh chuyển sang bộ đội và hy sinh tại chiến trường Campuchia năm 1971. Ngày nhận giấy báo tử, mẹ tôi vật vã khóc ngất, còn cha ngồi thẫn thờ ở góc giường. Lúc ấy, tôi từng nghĩ cha thương anh ít hơn mẹ, nhưng tôi đã nhầm. Cha gầy sọp đi sau đó và ít nói hơn. Thi thoảng tôi thấy cha quay mặt lau nước mắt. Nhưng ông vẫn nhẹ nhàng an ủi mẹ: “Vì đất nước bà ạ. Cả nước đều mất mát chứ đâu chỉ riêng nhà mình”. Nỗi đau quá lớn, sau đó không lâu mẹ tôi mất vì bệnh nội thương. Chúng tôi đã lớn, đã biết gắng gượng, động viên để cha đỡ buồn nhưng một lần nữa, cha lại gầy đi thấy rõ.
Năm 1975, anh rể tôi hy sinh khi làm nghĩa vụ cho Tổ quốc. Chị gái tôi vừa sinh con, nghe tin buồn quá mà phát bệnh. Gia đình bên nhà anh rể đón cháu về nuôi, chị em tôi đi học hết nên chỉ còn mình cha đi bệnh viện chăm chị. Có lần tôi nghỉ học về thăm chị, đến bệnh viện hỏi y tá phòng trực chị nằm đâu, cô y tá nhìn tôi xúc động nói: “Cháu có một người cha vĩ đại. Cô làm ở đây bao năm, chưa thấy ai chăm con tận tụy như ông”. Tôi kể lại chuyện này cho các chị nghe, ai cũng trào nước mắt. Chị tôi từng tâm sự: “Chị nợ cha quá nhiều…”
Tôi đi làm xa rồi lập gia đình, ở cùng với mẹ chồng. Mỗi lần về thăm cha, cha đều hỏi hai mẹ con có hòa thuận không. Đôi khi tôi phàn nàn mẹ chồng tiết kiệm quá, cha gạt đi: “Bà tiết kiệm cho con chứ cho ai. Bà thương con mới làm như vậy”. Thỉnh thoảng tôi cũng tiết kiệm biếu cha đôi đồng nhưng cha không giữ để chi tiêu mà chia cho các chị, các cháu tôi. Cha luôn dặn tôi: “Sống ở xa, phải đối tốt với láng giềng, bạn bè, để cuộc sống được vui vẻ”.
Tình thương của cha bao la như trời như biển. Nhiều đêm nằm suy tư, tôi lại tự hỏi "trên đời này, có bao nhiêu người cha tuyệt vời như cha mình", rồi lại thầm trả lời, mình là một trong những người con may mắn nhất. Nếu có kiếp sau, tôi vẫn mong là con gái của cha - người cha tuyệt vời và đáng kính yêu nhất đời tôi./.