Tác giả - tác phẩm

Cùng Đỗ Quang Tuấn Hoàng khám phá “Ngàn năm trà Việt”

Thụy Phương 18/07/2025 21:39

Trong dòng chảy của đời sống văn hóa Việt, trà không chỉ là một thức uống quen thuộc mà còn là biểu tượng gắn liền với phong tục, nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Góp thêm một lát cắt sâu sắc vào bức tranh đó, nhà báo – nhà nghiên cứu Đỗ Quang Tuấn Hoàng vừa ra mắt công trình khảo cứu mới mang tên "Ngàn năm trà Việt", do Chibooks liên kết Nhà xuất bản Lao động phát hành tháng 7/2025. Cuốn sách là kết quả của hành trình nhiều năm miệt mài trải nghiệm, nghiên cứu, quan sát và ghi chép của tác giả.

Sinh năm 1979 tại Hà Nội, tốt nghiệp ngành Xã hội học – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Đỗ Quang Tuấn Hoàng bước vào nghề báo từ năm 2000 và hiện là Thư ký tòa soạn Tạp chí Mốt Việt Nam. Từ những tác phẩm trước như "Ngang dọc đường trà", "Đi suốt đường vui" hay "Việt Nam – Ăn mặc thong dong"…, tác giả đã thể hiện rõ mối quan tâm tới văn hóa dân gian bản địa. Với "Ngàn năm trà Việt", Đỗ Quang Tuấn Hoàng không chỉ đơn thuần kể chuyện về trà mà còn khơi dậy chiều sâu văn hóa trong đời sống người Việt.

"Ngàn năm trà Việt" dày 572 trang, được chia làm 5 chương lớn cùng phần phụ lục. Cuốn sách mở đầu bằng một góc nhìn toàn cảnh về trà từ khía cạnh huyền thoại, lịch sử, khoa học và kinh tế. Những câu chuyện về “Trà mã cổ đạo”, “Trà trong lịch sử Việt Nam”, "34 vùng trà ở Việt Nam" hay thực trạng “hàng bán nhiều, tiền thu về ít” trong xuất khẩu trà Việt… cho thấy sự nghiên cứu, tìm hiểu công phu của tác giả.

Nội dung tiếp theo là hành trình qua các vùng trà từ Bắc vào Nam, nơi hội tụ của thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu đặc thù và những con người đang ngày đêm sống cùng cây trà. Từ Suối Giàng, Tân Cương, Tà Xùa, Phìn Hồ đến Tủa Chùa, Pà Cò, Mẫu Sơn, Cầu Đất… mỗi địa danh là một lát cắt văn hóa, mỗi vùng trà là một câu chuyện đặc sắc được kể bằng cả hương vị, phong tục và con người.

Một điểm nhấn đặc biệt của sách là chương viết về các phong tục, nghi lễ, bài hát dân gian xoay quanh trà trong đời sống của các tộc người như Dao, Tày, Thái, Giáy, Cống, Sán Dìu… Tác giả đã cẩn trọng trích dẫn nguyên văn các bài hát, bài ca dao mời trà, vè, xẩm, từ “bài đồng dao của trẻ em Mường về trà”, “bài ca hái trà của người Sán Dìu” cho đến “ca dao mời trà của người Dao”… Đáng chú ý, một số phong tục cúng trà của người Tày, Thái, Nùng, Xạ Phang, của đạo Cao Đài và của cư dân Hội An; trà trong lễ cưới, đám ma cũng được tác giả đề cập chi tiết trong cuốn sách.

Phần cuối sách dành để trình bày các khía cạnh như thú chơi trà, thiền trà và tác dụng y học của trà. Từ nghệ thuật chế tác ấm tử sa, tổ chức một buổi thiền trà đến những dẫn chứng khoa học về tác dụng “trà trị bách bệnh”, tác giả vừa đưa ra thông tin có giá trị thực tiễn, vừa phản ánh chiều sâu văn hóa ẩn sau một chén nước nhỏ.

Cuốn khảo cứu này là hành trình của tác giả theo chân những tao nhân mặc khách đi tìm cảnh đẹp, trà ngon để thưởng thức; theo chân những thương nhân đi khám phá những vùng trà quý, những vưu vật của đất trời, để mở mang cơ hội giao thương và chia sẻ của ngon vật lạ với nhiều người. Thế nên, cuốn sách sẽ không liệt kê đủ các vùng trà của Việt Nam, mà hầu như tập trung vào các vùng trà shan tuyết cổ thụ, những cách làm trà độc đáo, những phong tục tập quán thú vị liên quan đến trà”, tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng chia sẻ.

Với nền tảng xã hội học, kinh nghiệm báo chí cùng phương pháp dân tộc ký (ethnography), Đỗ Quang Tuấn Hoàng tiếp cận văn hóa trà bằng cái nhìn nhân học nghiêm túc. Với người đọc có tâm hồn rộng mở sẽ tìm ra vẻ đẹp ở sự đa dạng và sự quý giá của những chi tiết. Chính cách viết này đã giúp "Ngàn năm trà Việt" vượt khỏi lối kể sự kiện khô khan, trở thành một bản du ký học thuật sinh động, nhiều lớp lang và cảm xúc. Trong thời đại mà văn hóa bản địa dễ bị lãng quên giữa dòng chảy toàn cầu hóa, "Ngàn năm trà Việt" là một nỗ lực đáng kể nhằm lưu giữ và giới thiệu một phần bản sắc văn hóa Việt Nam./.

Thụy Phương