Văn hóa – Di sản

Tết cơm mới của người Xá Phó là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Việt Thương 08:47 07/07/2025

Khi tổ chức Tết cơm mới, mỗi gia đình phải đi rước “hồn lúa mới” từ cánh đồng, nương rẫy về nhà. Hình tượng cây lúa và “hồn lúa” trong tâm thức của người dân mang đậm tính nhân văn, bản sắc văn hóa tộc người.

tet-mung-com-2.jpg
Múa cầu mùa là một nghi lễ đặc sắc trong lễ mừng cơm mới của người Xá Phó

Bộ VHTT&DL vừa ghi danh Tết cơm mới của người Xá Phó (ở huyện Văn Bàn trước đây của tỉnh Lào Cai) vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Người Xá Phó ở Lào Cai thuộc nhóm dân tộc Phù Lá. Trải qua lịch sử phát triển, người Xá Phó đã hình thành nên nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, đậm nét bản sắc riêng biệt, trong đó có Tết mừng cơm mới.

Tết mừng cơm mới của người Xá Phó được tổ chức vào tháng 9 âm lịch hằng năm với nhiều nghi thức độc đáo. Khi những bông lúa ngoài ruộng hoặc trên nương trĩu bông, người Xá Phó náo nức tổ chức nghi lễ rước hồn mẹ lúa về kho để nghỉ ngơi, chuẩn bị cho một năm canh tác mới. Đồng thời, dâng cơm mới mời tổ tiên, mừng cho mùa màng bội thu.

Trong Tết mừng cơm mới của dân tộc Xá Phó thì nghi lễ đón "hồn lúa mới" hay rước "hồn lúa mới" về nhà là quan trọng nhất. Xuất phát từ quan niệm vạn vật hữu linh và sự trân trọng giá trị của cây lúa trong đời sống sản xuất và sinh hoạt, các dân tộc thiểu số ở đây đã “thiêng hóa” hình ảnh cây lúa trong tâm thức tín ngưỡng tộc người, họ đều cho rằng cây lúa cũng có linh hồn.

Do đó, mỗi khi tổ chức Tết mừng cơm mới mỗi gia đình phải đi rước “hồn lúa mới” từ cánh đồng, nương rẫy về nhà. Hình tượng cây lúa và “hồn lúa” trong tâm thức của người dân mang đậm tính nhân văn, bản sắc văn hóa tộc người.

Theo phong tục của người Xa Phó, nghi lễ rước “hồn lúa” về nhà vào lúc sáng sớm ngày Tết cơm mới, người vợ (chủ gia đình) sẽ dậy sớm hơn mọi khi, mặc bộ quần áo mới lặng lẽ đi ra nương gặt lúa, họ kiêng để cho người khác biết và đặc biệt là kiêng gặp người cùng làng trên đường đi. Nếu thấy ai thì họ thường phải tránh, bởi họ cho rằng nghi thức đón "hồn lúa" về nhà phải diễn ra một cách bí mật. Khi gặt lúa, mặt phải quay về hướng Đông với ý nghĩa của sự sinh sôi nảy nở.

Mục đích chung nhất của nghi lễ này là mang những cum lúa mới có “hồn lúa mới” từ trên nương, ruộng của gia đình về nhà. Đây sẽ là thành quả lao động tốt đẹp nhất, lễ vật thành kính nhất mỗi gia đình phải chuẩn bị để dâng lên các vị thần thánh và tổ tiên trong ngày Tết cơm mới…

Sau các nghi lễ giữ hồn lúa, hái lúa, bó lúa, gùi lúa về gia đình, mâm cơm mới được trang trọng dâng lên bàn thờ tổ tiên, mừng cho mùa màng một năm bội thu.

Tiếp đó là phần hội với các tiết mục mang đậm bản sắc của người Xa Phó, như: Múa nghi lễ tra lúa nương, hát dân ca giao duyên, biểu diễn sáo cúc kẹ cùng với các trò chơi đánh yến, tung còn, đi cà kheo, đánh quay, xoè kèn ma nhí.../.

Việt Thương