Chuyển động Hà Nội

Du lịch Hà Nội phát triển mạnh, "bệ phóng" chuyển đổi số được quan tâm

Trung Kiên 08:05 26/05/2025

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang vừa chia sẻ, tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội 5 tháng đầu năm 2025 ước đạt 12,77 triệu lượt khách, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2024. Để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, Sở Du lịch Thành phố sẽ triển khai nhiều giải pháp thời gian tới, trong đó có việc tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số.

Hà Nội tiếp tục khẳng định là điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, hấp dẫn

Bà Đặng Hương Giang cho biết thêm, tháng 5/2025 và 5 tháng qua, trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế có mức phục hồi, tăng trưởng thấp, ngành Du lịch Thủ đô tiếp tục có sự phục hồi và phát triển, đạt được nhiều kết quả tích cực. Các chỉ tiêu phát triển của ngành đều có mức tăng trưởng cao, vượt các Kế hoạch đề ra. Nổi bật trong đó có chỉ tiêu về khách du lịch quốc tế.

ha-noi-235.jpg
Du khách quốc tế tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám (TP. Hà Nội).

Tháng 5/2025, tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 2,72 triệu lượt khách, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 567,37 nghìn lượt khách, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2024 (bao gồm 400 nghìn lượt khách du lịch quốc tế có lưu trú). Tiếp theo là chỉ tiêu tổng thu từ du lịch, với mức tăng trưởng 19% so với cùng kỳ năm 2024. Hệ thống cơ sở lưu trú các cơ sở (đặc biệt là lưu trú cao cấp 4-5 sao), dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch tiếp tục tăng cả về số lượng và chất lượng.

“Đối với thị trường quốc tế, ngành Du lịch Thủ đô ngày càng khẳng định được vị trí, hình ảnh, thương hiệu của mình trong khu vực cũng như trên thế giới. Trong 5 tháng năm 2025, lượng khách quốc tế đến Hà Nội tăng trưởng ổn định, đặc biệt từ các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp và Mỹ. Du khách quốc tế đánh giá cao các sản phẩm du lịch gắn với di sản văn hóa, ẩm thực, các tour trải nghiệm làng nghề truyền thống và hoạt động về đêm. Sự tăng trưởng đồng đều từ các thị trường này góp phần khẳng định sức hút ngày càng lớn của Hà Nội trên bản đồ du lịch quốc tế” – Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội .

Bên cạnh đó, 5 tháng vừa qua, việc tổ chức các hoạt động, sự kiện, chương trình xúc tiến du lịch của Thành phố Hà Nội cũng được đổi mới, thu hút sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp và du khách. Các sự kiện được tổ chức với quy mô lớn, chuyên nghiệp, thường niên, theo chuỗi từ đầu năm đến cuối năm với nhiều hoạt động, nội dung đặc sắc, hấp dẫn, ứng dụng nhiều công nghệ mới như 3D, Mapping, drone.

Công tác công tác truyền thông quảng bá cũng được chú trọng, các doanh nghiệp du lịch đã chủ động liên kết với các đơn vị truyền thông, các hãng hàng không để quảng bá sản phẩm của mình. Nhiều doanh nghiệp đã dành nguồn lực lớn để đầu tư các sản phẩm marketing chuyên nghiệp quảng bá trên các nền tảng truyền thông số.

Theo nhận định của bà Đặng Hương Giang, dự kiến 6 tháng đầu năm 2025, tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 15,55 triệu lượt khách, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó: khách du lịch quốc tế ước đạt 3,66 triệu lượt khách, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2024 (bao gồm 2,58 triệu lượt khách du lịch quốc tế có lưu trú), khách du lịch nội địa ước đạt 11,9 triệu lượt khách, tăng 9,0% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 62,299 nghìn tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2024.

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng sản phẩm du lịch, hợp tác xúc tiến, phát triển thị trường

Chia sẻ về nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2025, bà Đặng Hương Giang nhấn mạnh ngành du lịch Thủ đô sẽ tiếp tục nâng cao hiệu lực, quản lý công tác quản lý Nhà nước; thanh tra, kiểm tra, xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, văn minh. Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số với nhiều giải pháp cụ thể.

dulich-hanoi3.jpg
Chuyển đổi số trong hoạt động du lịch là "bệ phóng" cho ngành du lịch Thủ đô bứt phá.

Trong đó, ngành sẽ tiếp tục số hóa hệ thống thông tin số về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch, thị trường du lịch Hà Nội. Tiếp tục thực hiện số hóa bằng giao diện ảnh 360 độ và các công nghệ mới tại các điểm đến làng nghề, di tích, di sản văn hóa trên địa bàn Thành phố. Sở Du lịch cũng sẽ xây dựng hệ thống phần mềm tiện ích, thông minh hỗ trợ công tác quản lý, phục vụ khách du lịch tra cứu thông tin, quảng bá du lịch Hà Nội; phần mềm quản lý để thu thập, xử lý các cơ sở dữ liệu điều tra, đánh giá hiện trạng du lịch nông nghiệp nông thôn trên địa bàn Thành phố.

Số hóa, kết nối, tích hợp dữ liệu về du lịch vào hệ thống thông tin, dữ liệu quản lý chung theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng thời nghiên cứu nâng cấp trang thông tin điện tử du lịch Hà Nội theo hướng có tính ứng dụng cao, hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp du lịch. Sở Du lịch Hà Nội khuyến khích, hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch ứng dụng công nghệ cao như 3D, flycam, mapping, công nghệ thực tế ảo trong phát triển sản phẩm du lịch. Nhất là Sở Du lịch sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động cải cách hành chính, như: thu thập, thống kê thông tin, kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao hiệu quả công tác dự báo thị trường, xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển du lịch phù hợp với tình hình thực tế.

Một nhiệm vụ được Sở Du lịch Hà Nội chú trọng thực hiện từ nay đến hết 2025, đó là công tác xây dựng sản phẩm du lịch, hợp tác xúc tiến và phát triển thị trường. Theo đó, ngành tiếp tục ưu tiên hỗ trợ, chỉ đạo các đơn vị quản lý điểm đến di sản, di tích văn hóa đầu tư, nghiên cứu xây dựng các tour, sản phẩm du lịch văn hóa trải nghiệm gắn với du lịch đêm trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa truyền thống, triển khai nhiệm vụ xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết thêm, ngành tiếp tục triển khai nhiệm vụ xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Thạch Thất, huyện Quốc Oai. Tổ chức một số chương trình, nội dung, hình thức nhằm tiếp tục đẩy mạnh, phát triển các sản phẩm du lịch là thế mạnh của Hà Nội như du lịch ẩm thực, du lịch MICE, du lịch chăm sóc sức khỏe…

hoc-sinh-tuadem.jpg
Các em học sinh quận Hoàn Kiếm đọc thông tin về tour du lịch "Đêm thiêng liêng 2" của Di tích Nhà tù Hỏa Lò.

“Sở Du lịch tiếp tục phát triển các sản phẩm du lịch mới tại các khu vực có tiềm năng, thế mạnh như: du lịch đêm tại khu vực quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch trải nghiệm, du lịch sông Hồng, du lịch ứng dụng thực tế ảo…Đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh thành phố phát triển tuyến, sản phẩm du lịch liên kết theo từng nhóm sản phẩm thế mạnh, có tính bổ trợ lẫn nhau như: tuyến du lịch văn hóa tâm linh Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình, tuyến du lịch khám phá, trải nghiệm Hà Nội - Sơn La, Hà Nội - Lào Cai - Lai Châu...” – bà Đặng Hương Giang, nhấn mạnh./.

Trung Kiên