Tác giả - tác phẩm

Tinh hoa thơ ca Hồ Chí Minh

Quỳnh Chi 11:43 19/05/2025

Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), NXB Chính trị quốc gia Sự thật đã ra mắt Tủ sách điện tử Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó đáng chú ý có cuốn sách “Tinh hoa thơ ca Hồ Chí Minh” của tác giả - nhà văn Lê Xuân Đức (1939 – 2022) giúp người yêu thơ ca của Bác thêm thấu hiểu và cảm nhận rõ nét hơn tinh hoa trong từng câu chữ mà Người để lại, rút ra những chiêm nghiệm cho riêng mình và trên hết là những bài học lớn, sâu sắc về tư tưởng, về đầu tranh chính trị, về đạo lý làm người cho hôm nay và mai sau.

tu-sach-hcm.png
Tủ sách điện tử Chủ tịch Hồ Chí Minh của NXB Chính trị Quốc gia Sự thật vừa ra mắt bạn đọc. (Ảnh chụp màn hình).

Thơ ca Hồ Chí Minh có vai trò quan trọng trong thơ ca Việt Nam hiện đại, mặc dù Người không bao giờ tự nhận mình là một nhà thơ hay nhà văn, mà chỉ khiêm nhường gọi mình là người bạn của văn chương, một người yêu văn nghệ. Nhưng trên thực tế, cùng với sự nghiệp cách mạng vĩ đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn làm thơ và để lại nhiều tác phẩm thơ ca ca giá trị nghệ thuật cao, trở thành một vũ khí đấu tranh sắc bén, có tác dụng giáo dục to lớn, góp phần phục vụ sự nghiệp cách mạng của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng.

Trong đó phải kể đến tác phẩm “Nhật ký trong tù” đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Tập thơ này của Người là tiếng lòng sâu sắc, nơi hội tụ, tỏa sáng vẻ đẹp tâm hồn và trí tuệ của người chiến sĩ cách mạng kiên trung trong hoàn cảnh tù đày; là tư liệu lịch sử quý giá, gắn với cuộc đời hoạt động phong phú và vẻ vang của Người. Đọc “Nhật ký trong tù”, chúng ta được gặp một nghệ sĩ có trái tim yêu thương rộng lớn, nhạy cảm trước vẻ đẹp thiên nhiên và cuộc sống. Những triết lý về đời sống, về quy luật nhân sinh được Bác truyền tải trong những hình tượng nghệ thuật sinh động. Từ năm 1960, tập thơ “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh đã được chuyển từ tiếng Hán sang tiếng Việt và sau đó được dịch ra tiếng Nga, tiếng Ba Lan, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Hung, tiếng Đan Mạch, tiếng Đức… Cho đến nay tác phẩm đã được dịch ra gần 40 thứ tiếng, được đông đảo người đọc trên thế giới đón nhận nồng nhiệt.

Cho đến nay, tất cả các sáng tác thơ ca của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một di sản văn học lớn lao về tầm vóc, phong phú về thể loại, đa dạng về phong cách, sâu sắc về nội dung tư tưởng, sáng tạo độc đáo về phương diện nghệ thuật, được nhân dân trong nước và đông đảo bạn bè, những người yêu thích thơ ca, nghệ thuật trên thế giới tâm đắc. Song, trên thực tế, để hệ thống và thấm bình về tất cả các tác phẩm thơ ca của Bác trong một cuốn sách là việc làm chưa nhiều.

“Tinh hoa thơ ca Hồ Chí Minh” của tác giả Lê Xuân Đức là những bài viết về xuất xứ, bình giảng, phân tích thơ ca Bác, từ đó đưa ra cảm nghĩ và phương pháp đọc thơ của Người. Nhà văn Lê Xuân Đức dẫn dắt bạn đọc bước vào thế giới thơ ca của Người để thấy được đặc điểm nổi bật trong phong cách thơ Hồ Chí Minh hết sức ngắn gọn nhưng lại hàm súc, trong sáng, tự nhiên, bình dị, dễ hiểu nhưng không hề đơn điệu, mà giàu tính sáng tạo, mang nội dung sâu sắc, góp phần rèn luyện ý chí, bồi đắp bản lĩnh của mỗi người nhằm vượt qua những khó khăn, trở ngại trên mỗi bước đường đời. Từ đó giúp những người yêu thơ ca của Bác thêm thấu hiểu và cảm nhận rõ nét hơn tinh hoa trong từng câu chữ mà Người để lại, rút ra những chiêm nghiệm cho riêng mình và trên hết là những bài học lớn, sâu sắc về tư tưởng, về đấu tranh chính trị, về đạo lý làm người cho hôm nay và mai sau.

nhat-ky-trong-tu.jpg
Cuốn sách “Nhật ký trong tù” do nhà thơ - học giả Quách Tấn phỏng dịch từ tập “Ngục trung nhật ký” bằng chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thơ ca Hồ Chí Minh là sự kết hợp tài hoa giữa tâm hồn, trí tuệ và tư tưởng, đạo đức, nhân cách của Bác. Thơ ca Bác chính là con người Bác. Cuộc đời và sự nghiệp của Bác là một bài thơ dài, là bản anh hùng ca tuyệt tác, là khúc tráng ca lịch sử. Thơ ca Bác là sản phẩm của một tài năng nghệ thuật đa dạng, độc đáo, một tâm hồn nghệ sĩ sáng trong, một đỉnh cao tư tưởng thời đại, một trí tuệ sâu rộng, một trái tim rất mực nhân tình”.

Tác giả Lê Xuân Đức

Tác giả cuốn “Tinh hoa thơ ca Hồ Chí Minh” nhấn mạnh, thơ ca Hồ Chí Minh đạt đến mức trác tuyệt, một phong cách sống động, kết hợp một cách hài hòa hiện thực và lãng mạn, dân gian và bác học, cổ điển và hiện đại, ngắn gọn mà đầy đủ, hàm súc mà tinh tế, giản dị mà thanh cao, chân phương mà trí tuệ, trào phúng mà trữ tình... thể hiện cái tôi trữ tình từ cảm xúc tự nhiên, đằm thắm và sâu đậm về đất nước, dân tộc, con người, cuộc sống.

Làm nên sự nghiệp thơ ca của Bác còn có một bộ phận cũng rất quan trọng - Thơ ca tiếng Việt gắn liền trực tiếp với cách mạng mà Bác từng xác định: thơ ca, văn chương, báo chí là vũ khí sắc bén để đấu tranh cách mạng. Thơ ca tiếng Việt của Hồ Chí Minh có hai loại: thơ và ca có những đặc điểm riêng, tác động đến người đọc bằng con đường riêng, sức lan tỏa sâu rộng không giống nhau.

Nếu tính từ bài thơ tiếng Việt đầu tiên “Gửi Hy Mã nghi bá đại nhân” (Gửi bác Phan Châu Trinh. Hy Mã là biệt danh của nhà yêu nước Phan Châu Trinh) viết năm 1913 đến bài “Điện chúc Tết các đồng chí cán bộ đang công tác tại Paris” năm 1969 thì tổng số thơ ca tiếng Việt của Bác hiện có hơn 300 bài, không kể những đoạn thơ trong văn.

Về ca, có một thực tế, khi Bác hoạt động ở nước ngoài (đi tìm đường cứu nước), trước khi rời Paris đi Mátxcơva mong muốn tìm hiểu Cách mạng Tháng Mười và gặp Lênin để hiểu rõ hơn về cách mạng xã hội chủ nghĩa, Bác đã viết một bức thư dài cho các đồng chí cùng làm việc với Bác trong tòa báo Người cùng khổ, để nói lời chia tay tràn đầy tình nghĩa và những chủ định của mình.

Năm 1941, Người về nước trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Việt Nam. Trong hai năm 1941-1942, Người mở các lớp huấn luyện và phân công các đồng chí của mình tập trung cho công việc giác ngộ cách mạng, tập hợp quần chúng, tổ chức lực lượng, đoàn kết đấu tranh dưới ngọn cờ Mặt trận Việt Minh, đồng thời Bác sáng tác những bài ca dễ đọc, dễ hiểu, dễ thuộc cho truyền miệng, cho in trên báo. Trong hai năm này, Bác viết đến 30 bài ca vận động, kêu gọi quần chúng đứng lên đánh giặc cứu nước. Người đã cho in 30 bài ca này thành sách bỏ túi. Sau này, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, Bác tiếp tục viết một số bài ca khích lệ, kêu gọi quân dân cả nước bền gan, quyết chí xông lên, xốc tới giành thắng lợi cuối cùng, thống nhất đất nước, từng bước tiến lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước phồn vinh, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Thơ ca tiếng Việt của Bác trải dài từ những năm tháng hoạt động ở nước ngoài và khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng cho đến ngày Bác đi xa. Cuộc đời thần kỳ của Người khép lại nhưng chân lý càng rực sáng, khơi dậy sức sống mãnh liệt trong mỗi chúng ta, thơ ca của Bác đã tự nhiên, y nhiên sống trong lòng dân, đã đi vào sách giáo khoa phổ thông, vào giáo trình đại học và trở thành đề tài cho một số học viên cao học và nghiên cứu sinh.

coversv.jpg
Bìa cuốn “Tinh hoa thơ ca Hồ Chí Minh” của tác giả - nhà văn Lê Xuân Đức.

Trong thơ ca tiếng Việt của Bác, có một hiện tượng thơ rất dân tộc và độc đáo, đó là thơ chúc Tết - mừng Xuân. Trên thế giới hiếm có vị nguyên thủ đứng đầu nhà nước nào như Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi dịp Tết đến Xuân về đều có thơ chúc mừng đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ở nước ngoài và bầu bạn khắp năm châu, trở thành nét đẹp văn hóa của Bác và dân tộc. Hệ thống theo trình tự thời gian của 22 bài thơ chúc Tết - mừng Xuân sẽ phát hiện ra một hiện tượng diệu kỳ, đó là đường lối cách mạng cụ thể của một năm, một giai đoạn, hợp lại là đường lối cách mạng của Bác, của Đảng về kháng chiến và kiến quốc của dân tộc ta, đất nước ta. Trong thơ chúc tết - mừng Xuân của Bác, cái tình và đường lối cách mạng thẩm thấu, quyện chặt vào nhau, cũng như nhà tư tưởng, nhà chính trị và nhà thơ thống nhất là một “Người chiến sĩ mang tâm hồn nghệ sĩ” (Xuân Thủy). Đường lối nâng cái tình lên mức cao quý, thiêng liêng, cái tình đưa đường lối vào quần chúng nhẹ nhàng, cơ động.

Có một thực tế, Bác là một vĩ nhân mà sự vĩ đại thể hiện ở nhiều mặt nhưng lại cũng là một người bình thường như muôn người bình thường khác. Chính vì vậy, đọc thơ Bác, nghiên cứu, lĩnh hội thơ Bác vừa dễ lại vừa khó. Dễ vì thơ Bác giản dị, dễ hiểu; khó vì thơ Bác hàm súc, tinh tế. Do đó việc tiếp thu được ánh sáng tư tưởng, trí tuệ, tâm hồn, tình cảm và đạo đức cao đẹp trong thơ Bác một cách chân thực, tối đa nhất mà không gượng ép, khiên cưỡng quả thực không đơn giản.

Sự nghiệp thơ ca chỉ là một phần trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi người chúng ta đều rất tự hào và may mắn được sống trong thời đại Hồ Chí Minh, thời đại có nhiều chuyển biến kỳ diệu của cách mạng, làm nên những kỳ tích lịch sử vĩ đại. Dù đã đi vào cõi trường sinh, nhưng Bác vẫn sống mãi với non sông đất nước, sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của chúng ta./.

Quỳnh Chi