Xúc cảm từ "Lời ca dâng Bác"
Hướng tới kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), sáng ngày 15/5/2025 tại trụ sở Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội (số 19 Hàng Buồm, Hà Nội), Hội Âm nhạc Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm mang tên “Lời ca dâng Bác”. Tọa đàm có sự tham gia của đông đảo các hội viên trong hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí độc lập dân tộc và khát vọng hòa bình, tự do cho nhân loại. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người đã trở thành nguồn cảm hứng dồi dào cho nhiều lĩnh vực, trong đó có văn học, nghệ thuật và đặc biệt là âm nhạc.
Âm nhạc cách mạng Việt Nam từ những năm kháng chiến đã gắn bó mật thiết với hình ảnh của Bác Hồ. Hàng trăm ca khúc ra đời trong những giai đoạn khác nhau đã khắc họa hình tượng Bác với nhiều chiều sâu và cảm xúc. Có những bài mang tính sử thi mạnh mẽ, truyền cảm hứng chiến đấu, lại có những giai điệu lắng đọng, trữ tình, thể hiện tình cảm của nhân dân dành cho vị lãnh tụ kính yêu.

Điểm lại các ca khúc viết về Người đã đi cùng năm tháng, nhạc sĩ Tiến Mạnh – Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội khẳng định: hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được khắc họa đậm nét trong các tác phẩm âm nhạc trong các giai đoạn lịch sử và cả khi Người đã đi xa. Có thể kể tới các tác phẩm của các nhạc sĩ Lưu Bách Thụ, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Đình Thi, Văn Cao, Bùi Công Kỳ, Tô Vũ, Phan Huỳnh Điểu, Trần Kiết Tường, Trọng Loan, Phạm Tuyên, Lê Lôi, Chu Minh, Huy Thục, Cao Việt Bách, Thuận Yến, Trần Hoàn, An Thuyên, Văn Dung, Hoàng Hiệp, Hoàng Long... Với các góc tiếp cận, bút pháp, chất liệu khác nhau những ca khúc viết về Bác được sự đón nhận của đông đảo công chúng, có sức sống bền bỉ theo thời gian, góp phần làm nên diện mạo của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.
Tại tọa đàm “Lời ca dâng Bác”, các đại biểu đã cũng nhau nghe lại một số tác phẩm tiêu biểu viết về Người như: “Lời ca dâng Bác” (nhạc Trọng Loan), “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” (nhạc Phong Nhã), “Em mơ gặp Bác Hồ” (nhạc Xuân Giao), “Tiếng chim trong vườn Bác” (nhạc Hàn Ngọc Bích), “Bác Hồ người cho em tất cả” (nhạc Hoàng Long – Hoàng Lân)... Đây là dịp để các hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội cùng nhau ôn lại những giai điệu quen thuộc, cảm nhận lại khí chất và tinh thần của Bác qua âm nhạc.

Bên cạnh phần trao đổi, khẳng định sức sống và giá trị của những tác phẩm âm nhạc viết về Bác, các đại biểu còn được lắng nghe những chia sẻ từ chính các nhạc sĩ có tác phẩm viết về Người, đồng thời được thưởng thức những tác phẩm của họ. Đó là nhạc sĩ Cát Vận với ca khúc “Ngọn lửa Pắc Bó” khắc họa hình ảnh Bác Hồ trong thời kỳ hoạt động cách mạng gian khổ tại chiến khu Pắc Bó, nơi khởi nguồn của tinh thần kháng chiến và lý tưởng giải phóng dân tộc. Đó là nhạc sĩ Trần Vũ Trang với ca khúc “Đường xoài hoa trắng” phổ thơ Tố Hữu với giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng, gợi nhắc hình ảnh con đường quen thuộc gắn liền với bước chân của Người. Đó là nhạc sĩ Trọng Lưu với ca khúc “Ngôi sao ước mơ” thể hiện sự thành kính trước lý tưởng sống cao đẹp của Bác. Và nữa, tác phẩm “Vẫn còn đây lời Bác” của nhạc sĩ Trần Việt Hưng nối dài mạch cảm xúc với những ca từ nhắc nhớ lời dạy của Bác như ánh sáng soi đường, như sợi chỉ đỏ dẫn lối cho lòng yêu nước và khát vọng phụng sự Tổ quốc; nhạc sĩ Quang Hiển với tác phẩm “Thăm làng Sen” mang âm hưởng trữ tình sâu lắng.
Mỗi tác phẩm là một tiếng nói nghệ thuật riêng biệt nhưng đều gặp nhau ở điểm chung là lòng kính yêu và sự ngưỡng mộ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những sáng tác của họ không chỉ thể hiện tình cảm cá nhân mà còn góp phần phản ánh tinh thần của cả một thế hệ nghệ sĩ luôn khát khao sáng tạo, đổi mới và gìn giữ giá trị lịch sử thông qua âm nhạc.

Tọa đàm “Lời ca dâng Bác” không đơn thuần là sự kiện mang tính chuyên môn mà còn là dịp để nhìn lại những giá trị nhân văn cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những giai điệu viết về Bác sẽ tiếp tục được cất lên, lan tỏa trong đời sống tinh thần hôm nay và mai sau, truyền cảm hứng cho các thế hệ nghệ sĩ và người nghe trong hành trình dựng xây văn hóa, nghệ thuật./.