“Lính thời bình” - những trang ký sự ấm nóng, đượm nghĩa tình
Nhà xuất bản Quân đội nhân dân vừa cho ra mắt cuốn ký sự “Lính thời bình” của Đại tá, nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng – một cây bút đã gắn bó trọn ba thập kỷ với nghiệp lính và nghiệp báo. Đây là tập sách ký sự độc lập thứ 3 của anh trong vòng hai năm trở lại đây, tiếp tục khẳng định sức bền lao động nghệ thuật và chiều sâu vốn sống quân ngũ.
Gần 200 trang sách, với 21 bài ký được tuyển chọn công phu, mở ra cho độc giả một thế giới sinh động, thấm đẫm mồ hôi, ý chí và lòng tự hào của người lính trong thời bình. Ở đó, không còn tiếng súng bom nhưng có sự khắc nghiệt thầm lặng của huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, diễn tập, bám trụ nơi biên giới, hải đảo… Những công việc bình dị mà lớn lao, thường nhật mà phi thường, tựa như những nốt nhạc bền bỉ, hợp thành bản tráng ca của cuộc sống quân ngũ hôm nay.

PGS.TS, Đại tá, nhà văn Nguyễn Thanh Tú – nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội – sau khi đọc xong cuốn sách đã viết lời tựa và nhận xét rằng: “Đại tá, nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng viết về người lính và những bức tranh sinh động đang diễn ra quanh cuộc sống quân ngũ. Những mảng hiện thực mới mẻ ấy được anh chắt lọc, đưa lên trang văn tươi rói, chân thực như chính hơi thở cuộc đời”.
Đại tá, nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng hiện công tác tại Báo Quân đội nhân dân. Anh theo đuổi phong cách viết giản dị, chân thực và giàu chi tiết, hình ảnh với ngôn ngữ thể hiện mang màu sắc chất lính rõ nét. Anh đã xuất bản 3 tập ký gồm Mãi lá trung quân (Nhà xuất bản Văn học, năm 2024); Chân dung lính thời bình (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2004) và Lính thời bình (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2025). Đầu năm 2025, tập kí Mãi lá trung quân của Đại tá, nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng đã được Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam trao chứng nhận “thể hiện xuất sắc chủ đề: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024”.
Từ những chuyến đi thực tế tới đơn vị, những ngày tháng bám thao trường, bám công trường, bám bản làng heo hút, tác giả đã gom góp từng chi tiết sống động, từng cảm xúc nguyên sơ nhất, để rồi chuyển hóa thành những trang ký sự ấm nóng, đượm nghĩa tình.
Chất lính thấm đẫm trong từng câu chữ. Đọc bài “Cuộc hành quân màu lửa”, ta cảm nhận rõ sức mạnh lan tỏa của những chương trình tình nguyện như “Xuân Biên giới”, “Mùa hè xanh”, “Mùa đông ấm”… Những chiến sĩ trẻ vượt núi, băng đèo mang theo không chỉ quà Tết, áo ấm, sách vở cho đồng bào vùng cao mà còn mang cả lòng nhân ái, tình yêu thương, sự sẻ chia lặng thầm – như những đợt sóng âm thầm xô bờ, làm ấm lòng bao phận người trong giá lạnh.

Trong bài “Chất thép trong lòng biển”, tác giả đưa người đọc lặn sâu xuống lòng đại dương, cùng sống những ngày khắc nghiệt với thủy thủ Lữ đoàn 189 - Quân chủng Hải quân. Trên những chiếc tàu ngầm Kilo 636 hiện đại, kỷ luật thép và ý chí thép tôi luyện những người lính biển thành những chiến binh can trường, thầm lặng giữ gìn chủ quyền thiêng liêng nơi trùng khơi.
Không chỉ vậy, ở những bài ký như “Phía sau những giọt mồ hôi”, hình ảnh những chiến sĩ xe tăng lặng lẽ tập luyện, làm chủ những cỗ máy hàng chục tấn nặng nề như điều khiển những chú ngựa thuần thục, gợi lên sự ngưỡng mộ và kính trọng sâu sắc. Mồ hôi đẫm áo trên thao trường hôm nay chính là đổi lấy hòa bình và sự vững bền cho ngày mai.
Đặc biệt, khi đọc “Dưới chân Cột mốc 800”, độc giả sẽ cảm nhận rõ sự gian truân và lòng quả cảm của những chiến sĩ biên phòng. Chỉ một chi tiết: để tới được đồn Biên phòng Ngọc Côn (Cao Bằng) phải mất năm tiếng đồng hồ băng rừng, lội suối, trèo đèo dốc dựng đứng – đã đủ để thấy, giữ gìn từng tấc đất biên cương đâu chỉ là khẩu hiệu, mà là sự hy sinh bền bỉ, thầm lặng.
Một trong những điểm sáng của cuốn sách chính là chùm bài về ngành tình báo chiến lược quốc phòng. Trong đó, câu chuyện về Tiểu đoàn Trinh sát kỹ thuật 35 (nay là Trung đoàn 75, Tổng cục II) – đơn vị từng bí mật tổ chức lực lượng vượt sông Bến Hải thâm nhập vùng địch để thu thập thông tin chiến lược – như một bản anh hùng ca thầm lặng. Có những chiến sĩ cả tháng trời ăn rau rừng, chịu đói khát, tắm sương, gội gió, bám sóng địch, chỉ bằng vô tuyến đã “gọi hàng” 400 tên địch. Những chiến công ấy không chỉ được viết bằng mưu trí mà còn bằng máu, bằng lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc.
Tác giả Nguyễn Mạnh Thắng, bằng vốn sống quân ngũ dày dạn, vốn nghề báo giàu đam mê, đã dệt nên một tấm thảm đầy màu sắc và âm hưởng, nơi đó mỗi chiến sĩ, mỗi nhiệm vụ đều tỏa sáng vẻ đẹp riêng. Các bài viết trong tập sách không chỉ có giá trị nghệ thuật mà còn như những tư liệu quý, hữu ích cho bạn đọc trẻ, cho những ai đang ước mơ khoác lên mình màu áo lính, hay cho các học viên chuẩn bị bước vào môi trường quân đội.
Ba mươi năm gắn bó với màu áo lính, trong đó có hơn 10 năm làm báo, Nguyễn Mạnh Thắng đã chọn cho mình một lối đi riêng: viết về những điều bình dị, chân thực mà đầy kiêu hãnh của đời lính thời bình. Anh không khoa trương, không tô vẽ; mỗi câu chữ đều như được gạn lọc từ mồ hôi, nhịp tim, hơi thở của những tháng ngày lặng thầm cống hiến.
Cuốn sách “Lính thời bình” nối tiếp thành công của “Mãi lá trung quân” (2024) – tác phẩm đã được Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam trao chứng nhận xuất sắc về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Nay, với “Lính thời bình”, tác giả Nguyễn Mạnh Thắng một lần nữa khẳng định rằng: người lính – dù thời chiến hay thời bình – vẫn luôn là hình ảnh đẹp nhất, cao quý nhất trong lòng dân tộc.
Gấp lại những trang sách, âm hưởng của những “khúc ca không lời” vẫn ngân vang đâu đó trong lòng người đọc – như một bản nhạc ngợi ca lòng trung kiên, sự bền bỉ, lòng yêu nước thiết tha mà người lính Việt Nam đã, đang và sẽ mãi mang trong tim mình./.