Hà Nội chủ động kiểm soát về tình hình dịch bệnh
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới và cả nước, Thành phố Hà Nội cơ bản được kiểm soát; chưa ghi nhận các trường hợp mắc dịch bệnh nguy hiểm như cúm A/H5N1, Mers-CoV, …
Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp mắc dịch bệnh nguy hiểm

Tại Hội nghị thông tin chuyên đề của Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nôi, diễn ra chiều 6/5, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, trong 4 tháng đầu năm, Hà Nội chưa ghi nhận các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm A/H5N1, MERS-CoV hay tử vong do bệnh dại. Ba ổ dịch dại trên động vật đã được xử lý kịp thời. Các dịch bệnh lưu hành như Sốt xuất huyết, Ho gà ghi nhận số mắc thấp hơn so với cùng kỳ năm 2024; số mắc Sởi và Tay chân miệng có xu hướng gia tăng theo chu kỳ dịch hàng năm nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Riêng bệnh sởi số ca mắc có xu hướng gia tăng nhanh từ giai đoạn sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tuy nhiên, hiện nay số mắc đã có xu hướng chững lại và bắt đầu có xu hướng giảm nhẹ.
Tính đến hết ngày 25/4/2025, toàn thành phố ghi nhận 2.074 trường hợp mắc Sởi, 01 trường hợp tử vong. Bệnh nhân phân bố tại tất cả các quận, huyện, thị xã nhưng tập trung chủ yếu ở các quận nội thành (chiếm 65,3%), một số đơn vị ghi nhận số mắc cao như Hoàng Mai (247), Nam Từ Liêm (235), Hà Đông (155), Đống Đa (116), Thanh Trì (111). Hầu hết các trường hợp mắc bệnh chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng bệnh (chiếm 91%).
Bệnh nhân ghi nhận chủ yếu ở nhóm dưới 15 tuổi (chiếm 85% trong đó: nhóm dưới 6 tháng (12,3%); nhóm 6-8 tháng (14,4%); nhóm 9 - 11 tháng (9,1%); nhóm 1 - 5 tuổi (21,9%); nhóm 6 - 10 tuổi (13,8%); nhóm 11-15 tuổi (13,9%)). Hiện nay ghi nhận số mắc gia tăng ở nhóm từ 10 tuổi trở lên.
Bệnh tay chân miệng ghi nhận 1.506 ca, tăng hơn 500 ca so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu ở trẻ dưới 3 tuổi. Một số ổ dịch nhỏ xuất hiện tại các trường mầm non, nhưng chưa có ổ dịch lớn.
Theo nhận định của Sở Y tế Hà Nội, dịch Sởi số mắc bắt đầu có xu hướng chững lại và giảm nhẹ, các trường hợp mắc chủ yếu ở người chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ. Dự báo trong thời gian tới giảm dần, nhưng vẫn có thể tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp tử vong liên quan bệnh Sởi .

Đối với bệnh Tay chân miệng số mắc đang gia tăng theo chu kỳ dịch hàng năm; trong thời gian tới số mắc có thể gia tăng nhanh và đạt đỉnh vào tháng 5.
Đối với bệnh Sốt xuất huyết hiện tại số mắc đang được kiểm soát tốt, tuy nhiên trong thời gian tới số mắc có thể gia tăng do bắt đầu bước vào mùa dịch Sốt xuất huyết hàng năm (từ tháng 6 - 12).
Ngoài ra, các bệnh lây từ động vật sang người như cúm A/H5N1, dại vẫn tiềm ẩn nguy cơ nếu không thực hiện đúng khuyến cáo phòng chống dịch.
Chủ động phòng chống dịch bệnh
Về các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Phó Giám đốc thông tin: UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các cơ quan y tế, giáo dục phối hợp với các đơn vị liên quan để tiếp tục rà soát và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine Sởi cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng thường xuyên và trẻ em thuộc đối tượng tiêm chủng Chiến dịch, đảm bảo đạt tiến độ theo yêu cầu đề ra.
Tiếp tục thực hiện tốt việc cấp cứu, khám sàng lọc, thu dung, phân luồng cách ly bệnh nhân; phát hiện sớm và điều trị kịp thời ca mắc Sởi, giảm tối đa số trường hợp biến chứng nặng và tử vong do Sởi. Thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo và xảy ra các ổ dịch Sởi tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Kịp thời cập nhật hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh Sởi khi Bộ Y tế ban hành.
Tăng cường công tác phối hợp Y tế - Giáo dục để phòng chống các dịch bệnh trong trường học. Tổ chức rà soát tiền sử tiêm chủng của trẻ em khi nhập học mầm non, mẫu giáo (2 tuổi), và khi nhập học lớp 1 (6 tuổi), để tiêm chủng bổ sung cho trẻ còn thiếu trước khi nhập học. Khi có trường hợp mắc bệnh tại các trường học thì tổ chức rà soát việc tiêm chủng của trẻ để tiêm chủng cho trẻ còn chưa được tiêm để phòng bệnh kịp thời.
Tăng cường các hoạt động truyền thông bằng nhiều hình thức để người dân không chủ quan và chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo khuyến cáo của ngành Y tế.
Tổ chức hoạt động Tiêm chủng mở rộng hàng tháng đảm bảo an toàn, hiệu quả: rà soát tiền sử tiêm chủng để mời đi tiêm bổ sung càng sớm càng tốt. Các đơn vị tiêm chủng thuộc Bệnh viện tăng cường tiêm cho những đối tượng có chỉ định tiêm chủng, đặc biệt những đối tượng cần thực hiện mũi tiêm tại Bệnh viện./